“Vàng tặc” đốn rừng tìm sa khoáng

Thứ năm, ngày 30/06/2011 12:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi bị truy quét ráo riết ở xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc), tình trạng khai thác vàng trái phép đã lắng xuống ở đây nhưng lại rộ lên ở xã khác cũng của huyện này.
Bình luận 0

Dân điêu đứng

Gần một tuần nay, gia đình chị Nguyễn Thị Tròn (thôn 5, Xuân Lộc) phải thức trắng để giữ rừng khi hàng trăm người khai thác vàng trái phép kéo về khu vực rừng trồng của gia đình chị đào vàng sa khoáng. “Tụi tui có mặt ở đây 24/24 giờ và đã hết lời van xin nhưng họ vẫn cứ đốn rừng trên đất của tui để lấy vàng” - chị Tròn kể.

Đến ngày 28.6, một diện tích lớn của ngọn núi nơi gia đình chị Tròn trồng rừng đã bị phá nát. Hàng nghìn cây keo 2-3 năm tuổi bị đốn hạ và thay vào đó là hàng chục hầm vàng lớn, sâu hoắm. Khi chúng tôi có mặt, bãi vàng tự phát này có khoảng 300 người đang điên cuồng đào bới, lùng sục. Vàng sa khoáng được những người này đựng vào bao tải đưa lên từ các hầm sâu rồi ồ ạt vận chuyển bằng ô tô tải đến nơi khác.

img
Vàng sa khoáng ở Xuân Lộc được “vàng tặc” vận chuyển đến nơi khác bằng ô tô tải.

Anh Mai Văn Mừng - chồng chị Tròn, cho biết, “vàng tặc” đến khu vực rừng của gia đình anh hoạt động từ ngày 21.6 sau khi bị truy quét ở xã Lộc Sơn gần đó (NTNN đã phản ánh). Phát hiện rừng bị phá để đào vàng, gia đình anh đã báo sự việc cho Công an xã Xuân Lộc. Ngày 23.6, Công an xã Xuân Lộc và Công an huyện Phú Lộc đã trực tiếp đến bãi vàng này nhưng không tiến hành truy quét, xua đuổi vàng tặc. Không còn cách nào khác, gia đình anh Mừng phải dùng cây cối dựng thành hàng rào để tự bảo vệ đất mình, tuy nhiên cố gắng đó đã trở thành vô ích.

Theo tìm hiểu của NTNN, phá núi tìm vàng ở thôn 5, xã Xuân Lộc là người Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nội, Thái Nguyên và cả ở Thừa Thiên- Huế. Ban đêm là thời điểm vàng tặc hoạt động rầm rộ nhất, có khi lên đến hàng nghìn người. Các “vàng tặc” đeo rất nhiều dao kiếm quanh người để sẵn sàng đâm chém khi xảy ra mâu thuẫn, nên những hộ dân có rừng bị phá không dám ngăn cản, xua đuổi.

“Quả bóng” trách nhiệm

Thấy chúng tôi vào bãi vàng, ông Hoàng Quang Mỹ - Trưởng Công an xã Xuân Lộc, và một công an khác của xã này cũng vào theo. Tại bãi vàng, trước hoạt động khai thác, vận chuyển vàng sa khoáng diễn ra rầm rộ nhưng hai công an xã Xuân Lộc không có bất cứ hoạt động xua đuổi, xử lý nào. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Hoàng Quang Mỹ giải thích rằng, do lực lượng công an và dân quân của xã mỏng, lại đang bận đi diễn tập nên không truy quét được vàng tặc. “Đuổi thì họ đi, nhưng mình về họ lại đến”- ông Mỹ nói thêm.

Bãi vàng tự phát ở thôn 5, xã Xuân Lộc đang có khoảng 300 người đang điên cuồng đào bới, lùng sục. Vàng sa khoáng được những người này đựng vào bao tải đưa lên từ các hầm sâu rồi ồ ạt đến nơi khác.

Trao đổi với NTNN, ông Phan Minh Tâm - Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, cho biết, trước nạn “vàng tặc” phá núi tìm vàng ở thôn 5, Công an huyện Phú Lộc đã về chỉ đạo xã xử lý. Chính quyền xã cũng đã chỉ đạo công an và dân quân xã tuyên truyền, vận động nên người dân đã trở về nhà làm ăn. Tuy nhiên, khi được PV NTNN cung cấp những thông tin về nạn “vàng tặc” đang hoành hành ở thôn 5 thì ông Tâm giải thích rằng do lực lượng của xã mỏng nên chưa xử lý được.

Ông Tâm còn nói rằng, xử lý nạn khai thác vàng trái phép ở thôn 5 là trách nhiệm của Phòng TNMT và Công an môi trường. Mặt khác, người dân có đất rừng bị “vàng tặc” tàn phá cũng phải tự quản lý, giữ đất do đất này Nhà nước đã giao cho dân.

Trước việc đùn đẩy trách nhiệm của ông Tâm cũng như sự “khoanh tay” của chính quyền xã Xuân Lộc, tình trạng phá núi tìm vàng ở xã này chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem