Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị

Vũ Hương Thứ hai, ngày 13/11/2023 20:00 PM (GMT+7)
Ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền, cùng nuôi dạy con cái và làm du lịch cộng đồng-đó là những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Bình luận 0
Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị - Ảnh 1.

Một ngày mới thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau một hồi mõ báo hiệu bình minh, các nhà thúc nhau dậy. Đàn ông cời bếp, thổi lửa, mài dao chuẩn bị cho một ngày lao động. Đàn bà, con gái ra giếng làng gánh nước về đổ chum, nấu nước pha trà.

Sau khi ăn sáng, bà con mỗi người một việc: lấy củi, trồng rau, chăn nuôi gà lợn, đánh bắt cá, trẻ nhỏ đến lớp học; một nhóm khác vào vị trí đón tiếp khách tham quan. Đại gia đình chúng tôi ăn chung một nồi cơm, uống chung một dòng nước. Ai nấy đều biết thương yêu nhau.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Trưởng làng Thái Hải về cuộc sống thường ngày của bà con ở bản làng Thái Hải.

Khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị

Nằm tại thành phố Thái Nguyên, khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (thường được gọi là bản làng Thái Hải) hiện đang lưu giữ 30 ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày được chuyển về từ vùng đất cách mạng ATK Định Hóa. Mỗi nhà sàn ở đây đều có tuổi đời gần 100 năm.

Nơi đây là một trong những điểm du lịch tiêu biểu nhất của Thái Nguyên về chất lượng phục vụ và tính độc đáo của điểm đến. Ngày nay, khi mà cuộc sống đang lao đi với tốc độ chóng mặt từ phố thị đến thôn quê, du khách sẽ rất hiếm gặp một quần thể những ngôi nhà dân tộc có tuổi đời ngót nghét trăm năm như nơi đây.

Ngay từ tên gọi của làng cũng đã ẩn chứa những điều đặc biệt mà chỉ nơi đây mới có. 

Đây là một khu du lịch đặc biệt. Nó đặc biệt vì nơi đây không giống với các khu du lịch khác, quan hệ của mọi người làm việc ở đó chỉ đơn thuần là đồng nghiệp và sẽ chia tay nhau khi hết giờ hành chính. Ở đây, mọi người, các gia đình gắn bó với nhau trong một cộng đồng đoàn kết, và cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất như của người dân nơi bản làng thôn quê. Và tất nhiên, tấm lòng của họ cũng mộc mạc, chân chất như người dân quê vậy.

Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị - Ảnh 2.

Một nghi lễ được thực hiện tại bản làng Thái Hải.

30 ngôi nhà sàn, mỗi nhà đều có một chức năng nhiệm vụ khác nhau. Ngôi nhà thì gìn giữ bảo thuộc về cây lá thuốc nam gia truyền, ngôi nhà thì bảo tồn làng nghề chè truyền thống, ngôi nhà thì bảo tồn về rượu dân tộc, ngôi nhà bảo tồn văn hóa ẩm thực và các loại bánh truyền thống của người dân tộc Tày,... và đặc biệt là ngôi nhà bảo tồn văn hóa hát then - ngôi nhà được xem như linh hồn của bản làng Thái Hải.

Hiện, bản làng Thái Hải có tới gần 200 thành viên, từ rất nhiều vùng quê và dân tộc khác nhau, mọi người tự nguyện về mảnh đất này. Bản làng đang có 4 dân tộc đang sinh sống là dân tộc Tày, Nùng, Kinh và Sán Chay. Tất cả cùng về với bản làng Thái Hải với một tình yêu văn hóa Tày, cùng nhau gìn giữ văn hóa dân tộc Tày.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Nga - Phó Trưởng bản Bản làng Thái Hải nói: "Cả làng ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền và tất cả công việc làm công việc chung. Giữa các ngôi nhà ở đây không có nhà nào giàu, không có nhà nào nghèo, không có ai tư lợi cá nhân mà tất cả là vì một cộng đồng bản làng Thái Hải.

Tất cả cùng chia sẻ, cùng đồng sức đồng lòng, gắn kết yêu thương như anh chị em trong một gia đình, chị bảo em, em thì lại bảo em bé hơn. Cứ thế bảo ban nhau, thương yêu nhau và đùm bọc lấy nhau".

Với tình yêu thương, sự mộc mạc, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, bản làng Thái Hải đã tạo nên sức hấp dẫn thu hút đông đảo du khách tìm về.

"Du khách đến đây được bà con dân bản đón tiếp giống như là đón người thân về với bản làng, về với gia đình. Cùng nhau xây dựng thành một cộng đồng như thế này, quả thực là quá hiếm" - một khu khách đến thăm quan bản làng chia sẻ.

Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị - Ảnh 4.

Bà con tại bản làng Thái Hải đang phơi thuốc.

Chị Lê Thị Nga - Phó Trưởng bản Bản làng Thái Hải tiếp tục chia sẻ: "Bà con dân bản cảm thấy rất vui và tự hào vì một bản làng văn hóa và cùng chia sẻ văn hóa của mình với khách du lịch. Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã công bố: Khu bảo tồn Thái Hải có tên trong danh sách 32 làng du lịch tốt nhất thế giới".

Bảo tồn, gìn giữ tinh hoa dân tộc

Trên con đường rộng rãi, lát gạch sạch sẽ, thoáng mát, yên ả, rợp bóng cây rừng, chốc chốc du khách lại bắt gặp một nếp nhà sàn ẩn dưới tán cây, thấp thoáng trên sườn đồi là những người dân trong trang phục chàm truyền thống. Các gia đình nhỏ ở Thái Hải không có sở hữu riêng, sản phẩm mỗi người làm ra đều được tập hợp lại, sau đó phục vụ cho nhu cầu của từng người và cộng đồng làng.

Các chi tiêu, nhu cầu sinh hoạt từ riêng tư đến thiết yếu của mỗi gia đình, cá nhân như bị ốm cần đi khám, chữa bệnh, con đi học, kể cả đi học đại học... đều có Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải lo liệu. Vì thế, mỗi nhà đều có chức năng riêng, phân công lao động đạt đến trình độ khá cao.

Bản làng thực hiện bảo tồn, phát huy tất cả các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân tộc Tày Thái Nguyên. Về phát huy giá trị thông qua phục vụ khách du lịch, bản làng có 3 sản phẩm chủ lực là: kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Văn hóa vật thể có 30 nếp nhà sàn cổ; các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; rổ rá, chậng, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc.

Cùng đó là trang phục truyền thống được bà con mặc, mang mỗi ngày. Rồi thuốc nam chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và các loại ẩm thực như: bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá trưng cất theo phương pháp truyền thống.

Về văn hóa phi vật thể được bản làng cực kỳ coi trọng. Đặc biệt là ngôn ngữ. Mọi công dân của bản làng nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc; hằng ngày cùng tập luyện, trao truyền hát Then, đàn Tính; từng gia đình thực hiện gìn giữ tôn ti trật tự, nếp sống truyền thống gia đình. Đặc biệt là nét đẹp văn hóa tâm linh tín ngưỡng như: Lễ hội Lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì theo phong tục.

Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị - Ảnh 5.

Nét bình dị nơi bản làng Tày.

Trưởng làng Thái Hải bà Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ: "Tôi may mắn là người được ông truyền cho lời nhắn nhủ khi chưa đi học lớp vỡ lòng ấy, ông nói: Sau này cháu lớn thì cháu thờ Bác Hồ nhá. Theo văn hóa của người Tày thì thờ ai là sẽ học tập và làm theo người đó. Với cái văn hóa của gia đình tôi thì nó nhỏ lắm nên tôi chỉ muốn học một chút xíu gì đấy việc học tập theo đạo đức học cái tình thương của Bác".

"Xuất phát từ những điều mà trong văn hóa của người Tày nhận là làm, hứa là phải làm theo thì cho đến bây giờ tôi mặc dù là ông mất rồi nhưng ông chắc cũng sẽ rất vui vì đã ông đã truyền cho tôi và tôi cũng đã không phụ công ông đó là không để mất phong tục tập quán của người Tày. Đối với người Tày chúng tôi, con người với con người là bạn của nhau cho nên là gặp ai thì cứ hoan hỉ, tất cả đều là người một nhà", bà Hải kể.

Nhớ lại những ngày đầu tiên thành lập bản làng Thái Hải, bà Hải chia sẻ: "Nhớ lắm chứ, bấy giờ là năm 2002, tôi thế chấp nhà cửa, tài sản ở TP. Sông Công để về đây mua gom đất. Tôi mua đất với mục đích trồng rừng và làm nơi bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Bởi thời điểm đó nhiều bà con vùng ngược theo nhau bán nhà sàn lấy tiền.

Nhiều "mạnh thường quân" không cam tâm nhìn "nhà sàn chảy máu", động viên tôi đứng ra đi mua gom nhà sàn, thuê thợ vận chuyển về đây dựng lại theo nguyên mẫu cũ. Đến cuối năm 2003, tôi dựng lại hoàn chỉnh 28 nếp nhà sàn cổ (đến nay có 30 nếp nhà sàn). Nhà dựng theo kiến trúc xuyên toang, tứ trụ, kín đáo, thoáng mát và gói ghém ở đó là triết lý âm dương ngũ hành.

Giấc mơ lớn của người có khát vọng lớn

Chung tay và đoàn kết lưu giữ giá trị truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch đã góp phần "thay da đổi thịt" vùng đất vốn còn nhiều khó khăn. Từ khi phát triển du lịch, người dân nơi đây đã có thêm nguồn lực tài chính để cải thiện đời sống, tiếp tục khôi phục các nét đẹp văn hóa đã bị lãng quên, đem lại trải nghiệm văn hóa đầy đủ hơn, đặc sắc hơn cho du khách.

Các sản phẩm địa phương do bà con nơi đây làm ra cũng được giới thiệu tới du khách, như đồ thủ công mỹ nghệ, đan lát, nông sản, rượu, chè, bánh, thuốc gia truyền…

"Tại bản, chúng tôi hoạt động sản xuất nông nghiệp với mô hình "tự cung tự cấp". Đây là nguồn cung thực phẩm, nhu yếu phẩm cơ bản cho nhu cầu hàng ngày của dân bản, của du khách hay cũng là những món đồ lưu niệm, đặc sản mang những nét văn hóa đời sống người Tày mà khách có thể mua sắm. Lối sản xuất theo phương pháp truyền thống vẫn giữ được nét đặc trưng riêng theo văn hóa đời sống người Tày góp phần nuôi dưỡng đời sống văn hóa, trao truyền nó qua thế hệ trẻ" - Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ.

Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị - Ảnh 7.

Đại diện Làng du lịch sinh thái Thái Hải nhận danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất" của UNWTO.

Chia sẻ về bí quyết khi làm du lịch thì dựa trên sức mạnh của cả cộng đồng, đồng thời phát huy được sức mạnh nội tại để tạo nên sự đồng lòng chung sức, cùng thực hiện một giấc mơ lớn , Trưởng bản làng Thái Hải nhận định: "Một cây thì làm chẳng nên non mà ba cây chụm lại thì làm nên được nhiều thứ to lớn hơn. Ví dụ, một mình tôi không thể vác được cánh cửa vì nó rất nặng nhưng nếu có thêm 2,3 người nữa cùng vào giúp thì việc sẽ xong, việc ai thì người ấy làm nhưng làm xong thì có thể làm hộ nhau,... Tất cả đều dựa trên đạo đức và tình yêu thương, dựa trên văn hóa và sức mạnh cộng đồng để  thành công.

Đặc biệt, các cụ đã dạy: Ăn một mình cũng đau tức mà làm một mình cực thân, chính vì vậy tôi đã bám vào đó. Tôi thấy là mình là người Việt Nam và sống trong môi trường, văn hóa của người Việt thì chúng ta vẫn luôn có sức cộng đồng từ cha ông chứ không phải là đến bây giờ đến với thế hệ của mình mới có".

Theo bà Hải, cái khó nhất trong xây dựng phát triển cộng đồng là nhận thức và yếu tố con người. Gây dựng ngôi làng từ con số không nhưng điều khiến người phụ nữ người Tày này tin tưởng mô hình của mình sẽ thành công là nhờ vào việc du khách ngày càng đánh giá rất cao văn hóa truyền thống của bà con vùng đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Tày nói riêng.

Anh Nguyễn Ngọc Bích - Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam chia sẻ về mô hình bản làng Thái Hải: "Để có được thành công như bản làng Thái Hải thì theo tôi, thứ nhất là vai trò rất quan trọng của người lãnh đạo của ngôi làng.  Bởi đây chính là những người truyền lửa, truyền năng lượng cho tất cả những người ở trong làng, đó vai trò quyết định. Thứ ha,i là tình thương yêu nhau ở trong bản làng, mọi người yêu thương chia sẻ hết mọi thứ cho nhau. Thứ ba, là tầm nhìn. Tầm nhìn ở đây như chị Hải có chia sẻ đó là mong muốn giữ lại văn hóa cho thế giới, cho cả nhân loại chứ chị Hải không giữ gìn văn hóa cho riêng chị. Giữ cho nhân loại là giữ cho cả dân tộc Tày chứ không riêng gì ở bản làng Thái Hải.

Về Thái Hải - ngôi làng "cổ tích" của người Tày, khu du lịch sinh thái cộng đồng độc nhất vô nhị - Ảnh 8.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem