Về Thái Nguyên xem bà con người Tày làm kẹo lạc, bánh khẩu si trà xanh thơm ngon
Về Thái Nguyên xem bà con người Tày làm kẹo lạc, bánh khẩu si trà xanh thơm ngon, giòn rụm
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ năm, ngày 27/07/2023 06:00 AM (GMT+7)
Với phương thức và bí quyết gia truyền, bà con người Tày ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai đã làm ra món kẹo lạc và bánh khẩu si thơm ngon, giòn rụm, chỉ ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Sản phẩm kẹo lạc Phú Thượng được các hộ gia đình người dân tộc Tày ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai sản xuất theo công thức thủ công truyền thống, do đó mang những nét đặc trưng riêng cả về hình thức và chất lượng.
Quy trình làm kẹo lạc và bánh khẩu si của người Tày ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh
Hộ gia đình ông Hoàng Văn Hà, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, thành viên HTX Trâu Vàng đã sản xuất và kinh doanh sản phẩm kẹo lạc từ nhiều năm nay với sản lượng tiêu thụ ổn định. Sau một quá trình sản xuất và đưa ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận, gia đình ông đã cùng với 13 hộ gia đình trong vùng kết hợp để sản xuất và tiêu thụ món kẹo lạc này.
Kẹo lạc có nguyên liệu chủ yếu từ lạc, khi ăn có vị ngậy, béo và hương thơm đặc trưng của lạc. Lạc được bà con mua của các hộ gia đình trồng trên địa bàn xã và một số địa phương lân cận.
Lạc được lựa chọn là những hạt lạc đạt tiêu chuẩn hạt tròn, bóng, vàng, hạt nhẵn, không bị sâu mọt, hạt lép, thuộc các giống đỗ như: đỗ cúc, đỗ nhật bóng.
Sau quá trình lựa chọn lạc, lạc sẽ được làm sạch rồi đưa lên chảo lửa rang chín. Sau đó, lạc được xay vỡ thành mảnh nhỏ, và lọc vỏ cho sạch. Tiếp đến, lạc được cho ra nong, nia cho nguội, rồi tiến hành thắng nước đường theo tỷ lệ phù hợp và đun sôi đến khi đạt rồi bắc chảo xuống cho lạc, gừng tươi, vừng vào trộn đều.
Khi các nguyên liệu đã hoà quyện đều với nhau sẽ đổ ra khuôn gỗ và ép thủ công trong thời gian từ 20 – 30 phút, cuối cùng lạc sẽ được trải trên giàn thành phẩm.
Đặc trưng của sản phẩm kẹo lạc được gói thành thanh có khổ nhỏ màu vàng, không ngâm nước. Kẹo lạc Phú Thượng có mùi thơm, ngậy, thanh mát và giòn.
Năm 2022, sản lượng kẹo lạc của gia đình ông Hà xuất bán ra thị trường khoảng 3,5 tấn, với giá bán 140.000đ/kg mang về doanh thu khoảng 490 triệu đồng. Dự kiến, năm 2023 sản lượng đạt khoảng 4 tấn mang về doanh thu khoảng 500 triệu đồng.
Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm kẹo lạc Phú Thượng đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Dự kiến trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phú Thượng sẽ quảng bá sản phẩm kẹo lạc đến thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đối với sản phẩm bánh khẩu si trà xanh được sản xuất từ gạo nếp cái hoa vàng theo quy trình truyền thống. Gạo được dùng để sản xuất bánh Khẩu si là gạo có màu trắng sáng, bóng, mẩy, không bị sâu mọt. Quy trình làm bánh khẩu si cũng tương tự như quy trình làm kẹo lạc.
Gạo sau khi được lựa chọn và làm sạch sẽ được đưa vào chảo rang đến khi chín giòn và thơm. Sau đó, gạo được rải ra nong hoặc nia, rồi tiến hành thắng đường theo tỷ lệ thích hợp. Tiếp đến khi đường đã đạt sẽ bắc chảo xuống trộn gạo đã rang chín với đường, vừng, gừng tươi, bột trà xanh rồi đổ ra khuôn gỗ và ép thủ công trong thời gian từ 20 – 30 phút, cuối cùng tiến hành trải trên giàn thành phẩm.
Năm 2022, sản lượng bánh khẩu Si xuất bán ra thị trường đạt khoảng 3,5 tấn, mang về doanh thu khoảng 490 triệu đồng.
Năm 2023, sản phẩm kẹo lạc Phú Thượng và bánh khẩu si trà xanh của gia đình ông Hà được Hội Nông dân huyện Võ Nhai đề cử tham gia chương trình bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm được quảng bá rộng rãi trên thị trường, giúp nhiều người tiêu dùng biết đến.
Với mô hình sản xuất kẹo lạc và bánh khẩu si như hiện nay, gia đình ông Hà đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 17 – 20 lao động với thu nhập bình quân từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.