Vào những ngày này, chúng tôi về vùng biển Đồng Bằng
Sông Cửu Long, đúng thời điểm diêm dân ở đây vào vụ thu hoạch muối. Ở đó, trong
cái nắng hơn 35 độ của đất trời miền Tây Nam bộ, những giọt mồ hôi mặn chát,
những đôi chân trần nặng nhọc giữa những mảnh ruộng ô vuông rộng mênh mông kèm
theo đó là không ít niềm tin.
Song cái nắng cùng những cơn gió chướng có thể
khiến cho người lạ khó chịu, nhưng với diêm dân nơi đây lại coi như báo hiệu
“trời” ưu ái, bởi nắng nóng thế này thì đồng nghĩa với việc được mùa muối…
Nữ diêm dân xã Long Điền Đông (Đông Hải – Bạc Liêu) gánh muối.
Theo quan sát của chúng tôi, làm muối là một công việc
vô cùng vất vả, cực nhọc. Nhưng kỳ lạ là đa phần những người tham gia lại là
phụ nữ. Rất ít khi giữa cái nắng chang chang ấy, chúng tôi bắt gặp những đôi
vai lực lưỡng đàn ông, mặc dù nhiều công đoạn của hạt muối cần có họ.
Giữa buổi
trưa trong cái gió lồng lộng có thể thổi bay mọi thứ ở vùng biển Gành Hào (Đông
Hải – Bạc Liêu), họ quần quật mấy tháng liền nhưng hạt muối làm ra chỉ đủ trang
trải sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của mỗi gia đình. Nghề làm muối cơ
cực trăm bề, hễ muối được mùa thì giá quá thấp, còn muối mất mùa thì giá lại
đẩy lên cao gấp đôi, gấp ba. Nên diêm dân cứ ở mãi trong vòng luẩn quẩn nghèo
khó.
Chúng tôi ngồi xuống trò chuyện cùng một nhóm nữ diêm
dân. Chị Nguyễn Ngọc Nang diêm dân xã Long Điền Đông (Đông Hải) cho biết: “Trên
nền bùn đất, diêm dân phải lấy dụng cụ làm nén để đất có thể cứng như…xi-măng,
bằng phẳng như sân bóng thì muối mới có thể kết tinh, tạo thành từng mảng lớn
được, chứ nếu lẫn bùn, bụi bẩn còn thì chất lượng muối sẽ kém đi rất nhiều.
Trong
khoảng thời gian chờ đợi thu hoạch, diêm dân cũng thường xuyên ở bên ruộng muối
của mình để kiểm tra chất lượng muối, tránh bị những tạp chất khác lẫn vào”.
Còn chị Đặng Thu Thủy, một diêm dân thật sự đã gắn bó hơn 20 năm với ruộng muối
vùng biển này cho hay: “Sinh ra và lớn lên từ ruộng muối Điền Hải (Đông
Hải – Bạc Liêu), khoảng hơn 10 tuổi đến nay từ lúc bình minh cho tới khi hoàng
hôn, mình đều phải có mặt ở trên đồng muối này. Thoạt nhìn qua, nhiều người cứ
nghĩ nghề làm muối đơn giản, bởi chỉ cần bơm nước biển vào ruộng rồi đợi cho
chúng bốc hơi hết là có thể xúc muối mang…đi bán được”.
Thế nhưng, nghề muối không đơn giản thế, làm được hạt muối, lắm
nhọc nhằn.
Chị Trần Thanh Thuỷ kéo con lăn nén ruộng muối.
Chị Thạch Ngọc Sang nữ diêm dân HTX dịch vụ muối – tôm – artemia Lai
Hoà (Thị xã Vĩnh Châu – Sóc Trăng) bộc bạch: “Nghề muối vất vả lắm. Hằng ngày,
vợ chồng phải vác và gánh gần 300 gánh từ đồng muối về nhà kho với quãng đường
trên 100m, tính mỗi ngày có cả chục tấn muối đã đi qua đôi vai gầy này.
Nhưng vất vả không phải là điều duy nhất những nữ diêm dân này phải gánh chịu. Bởi cái quan trọng nhất chính là sự tàn phai nhan sắc do muối mặn
gây ra. Muối mặn lắm, nó ngấm vào chân, tay và da dù đã mặc quần áo dày, quấn
thêm bao găng ở ngoài nhưng lớp da vẫn bị bong tróc, bủng beo nhìn rất hãi”.
Với diêm
dân chúng tôi, cái trách nhiệm làm ra hạt muối, vị mặn cho cuộc đời đã được
truyền từ đời này sang đời khác, ăn vào máu của mình mất rồi. Từ khi còn là cậu
bé chập chững biết đi, chạy tung tăng cùng cha mẹ đi làm muối. Làm muối thực sự đã
là một nghề truyền thống, thậm chí là vài ba đời cùng làm muối. Với họ, những
con người sinh ra, lớn lên ở biển mênh mông thì họ tự biết mình phải có trách
nhiệm chắt chiu cho đời những hạt muối mặn như thế. Ông Sơn Khươl Chủ nhiệm HTX
dịch vụ muối – tôm – artemia Lai Hoà (Vĩnh Châu) chia sẻ.
Với họ, những con
người sinh ra, lớn lên ở vùng biển mênh mông thì làm muối không đơn thuần chỉ là
một cái nghề mưu sinh, mà còn như một sự trả ơn với biển cả và cuộc đời vậy.
Nữ diêm dân Lai Hòa (Vĩnh Châu) thu hoạch muối.
Vác muối dù nặng nhọc, nhưng có
rất nhiều chị tham gia công việc vất vả này.
Muối mặn thì ai cũng biết nhưng ngay trên đồng muối ấy
có những mảnh đời, những nỗi vất vả cùng giọt mồ hôi còn mặn hơn cả…muối thì có
lẽ ít người biết. Không như những hàng hóa
khác, người ta có thể mang tới chỗ này, chỗ kia để bán hoặc để dành một thời
gian, với những người diêm dân, sau mỗi mẻ muối họ thường phải bán luôn, dù là
mười hay hai mươi tấn để nhường mặt bằng ruộng cho những mẻ muối sau. Có lẽ,
chính vì nhẽ đó mà diêm dân luôn nhận sự thua thiệt về mình, dù bản thân họ mới
là người quyết định.
Tạm biệt với diêm dân đồng muối Bạc Liêu, Sóc Trăng, bước
lên đường quốc lộ nhưng trong tôi, hình ảnh những nữ diêm dân bịt kín từ đầu
tới chân đang lầm lũi kéo những chiếc cào trên đồng muối cứ ám ảnh khôn nguôi.
Ở đó, ngoài những hạt muối mặn mòi, tôi còn thấy những giọt mồ hôi thấm đầy lưng áo vải.
XEM THÊM
>> Người mang thổ cẩm đi Tây
>> Những phụ nữ Việt mưu sinh tại Shihanoukville
Phương Nghi (Phương Nghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.