Vì sao cả tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn vỏn vẹn có 10 hộ dân bám trụ với nghề nuôi cá lồng bè?
Vì sao cả tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn vỏn vẹn có 10 hộ dân bám trụ với nghề nuôi cá lồng bè?
Thứ bảy, ngày 16/07/2022 13:10 PM (GMT+7)
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn hơn 10 hộ tiếp tục bám trụ nghề nuôi cá lồng, với khoảng 70 lồng cá (giảm khoảng 30 lồng so với năm 2019), tập trung chủ yếu ở các địa phương có sông Phó Đáy chạy qua và các xã ven sông Lô của huyện Lập Thạch, Sông Lô.
Lợi nhuận khá, nhưng rủi ro cao và hơn hết đó là những vất vả, nhọc nhằn... khiến cho nghề nuôi cá lồng trên sông của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cứ luôn dập dềnh theo sóng nước.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy tại xã Thái Hòa (Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hiệu quả kinh tế cao, song luôn đi kèm nhiều rủi ro vì phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nước và mực nước trên sông. Ảnh: Chu Kiều
Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình trên sông Phó Đáy, ông Phạm Văn Dinh ở xã Thái Hòa (Lập Thạch) chia sẻ: "Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm mưu sinh từ nghề sông nước, nhưng khi triển khai nuôi cá lồng trên sông (năm 2016), gia đình tôi vẫn gặp phải không ít khó khăn. Ngoài việc thức đêm để trông nom thì nuôi cá lồng trên sông còn nhiều rủi ro khác, nhất là vào mùa mưa bão nếu không kiểm soát được môi trường, nguồn nước, cá rất dễ mắc bệnh.
Ngay cả khi phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm, dâng nhanh, chảy xiết mà không kịp thời triển khai phương án bảo vệ, xử lý môi trường, dịch bệnh nhanh, nhẹ cũng thiệt hại vài chục triệu đồng, nặng thì hàng trăm triệu, có khi mất cả cơ nghiệp".
Thực tế, những cơn mưa lớn vào cuối tháng 5 vừa qua, mực nước trên sông lên nhanh, chảy xiết, làm cho số cá bị sốc nước, chết không ít, gây thiệt hại lớn tới kinh tế của gia đình. Bởi vậy mới nói, nghề nuôi cá lồng trên sông cứ mãi dập dềnh theo sóng nước".
Ông Dinh cho biết thêm, nuôi cá lồng trên sông vất vả, nhọc nhằn, rủi ro là vậy, nhưng cũng có những thuận lợi riêng như dễ quản lý, thu hoạch, không cần kỹ thuật quá cầu kỳ, miễn sao nắm được đặc tính, sinh trưởng của từng loài cá; vệ sinh lồng nuôi theo định kỳ, tạo thông thoáng mặt nước trong lồng để tăng hàm lượng oxy và chống ký sinh trùng, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh cho cá; điều chỉnh thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng, tốc độ phát triển để tách đàn, tạo điều kiện cá lớn đồng đều…
Do đó, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nuôi cá truyền thống nên gia đình vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.
Cũng như ông Dinh, với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, nên ngay khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, năm 2016 anh Nguyễn Quang Lợi, ở thôn Đại Lương, xã Thái Hòa (Lập Thạch) đã quyết định đầu tư nuôi cá lồng trên sông với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá trắm, chép giòn. Đây là một trong những mô hình nuôi các lồng gắn với tiêu thụ sản phẩm lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Anh Lợi cho biết: "Khi quyết định đầu tư, tôi đã phải đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Cũng như tìm hiểu kỹ về môi trường, nguồn nước của sông Phó Đáy. Bước đầu, cũng chỉ nuôi những loài cá truyền thống như trắm, chép để dễ nắm bắt đặc tính sinh trưởng, kháng bệnh và nuôi với mật độ thấp hơn so thông thường tạo thông thoáng, tránh tình trạng cá chết do thiếu oxy trong nước. Sau này khi có thêm kinh nghiệm, tôi tiếp tục đầu tư nuôi thêm cá chép giòn, giống cá có giá trị kinh tế cao hơn và theo nhu cầu của thị trường".
Khó khăn, vất vả, rủi ro nhưng anh Lợi vẫn quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi cá lồng, bởi theo anh Lợi, nếu không bị thiên tai, dịch bệnh, thì nuôi cá lồng trên sông vẫn cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị cao hơn nhiều so với nuôi cá truyền thống trong ao, hồ, đầm. Sau khi trừ chi phí 10 lồng cá trắm, chép giòn… của gia đình, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Lý giải vì sao nghề nuôi cá lồng trên sông của các hộ dân trên địa bàn cứ mãi “dập dềnh, chìm nổi theo sóng nước”, bà Phan Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng: "Nuôi cá lồng trên sông đem lại lợi nhuận khá, song, rủi ro cũng rất cao, cộng với tác động của thị trường và hình thức nuôi tự phát, nên không ít hộ nuôi cá lồng đã bỏ việc, chuyển nghề.
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn hơn 10 hộ tiếp tục bám trụ nghề nuôi cá lồng, với khoảng 70 lồng cá (giảm khoảng 30 lồng so với năm 2019), tập trung chủ yếu ở các địa phương có sông Phó Đáy chạy qua và các xã ven sông Lô của huyện Lập Thạch, Sông Lô".
Để nghề nuôi cá lồng trên sông phát triển, nhân rộng, theo bà Luyến, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần làm tốt công tác quy hoạch vị trí nuôi hợp pháp; quan tâm hơn nữa trong việc tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và có những hỗ trợ nhất định về vốn, giống… Từ đó, đa dạng hóa các hình thức nuôi cá, tận dụng diện tích mặt nước tại địa phương; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.