Bằng chứng là nhiều trường y đã nâng cấp bệnh lý do stress thành chuyên khoa. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thậm chí đã đánh giá trầm cảm do stress là căn bệnh nghiêm trọng nhất ở Âu Mỹ trong thiên niên kỷ này. Bệnh do “xì-trét quá đi thôi” tuy không kèn không trống nhưng đã từ lâu vượt xa mức báo động.
Trên thực tế, không có gì khó hiểu khi căn bệnh xoay quanh tình trạng lao tâm lao lực được đặt tên là “hội chứng ngày thứ hai” sớm muộn cũng gõ cửa người vừa không thể trốn chạy nhịp sống căng thẳng vừa không thể giải tỏa áp lực của cuộc sống. Nạn nhân vì mất hết hứng thú lao động cũng như sức chịu đựng áp lực khi bước vào ngày đầu tuần. Nếu tưởng bệnh lui khi sang ngày hôm sau thì sai cả cây số! Bệnh bám sát như đỉa đói trong khi chờ đợi ngày thứ Hai tuần sau!
Như đã nói ở đoạn trên, nếu tưởng hội chứng này xuất hiện sau một lần thất bại nặng nề trong doanh nghiệp, hay do bất mãn triền miên trong nghề nghiệp, hoặc vì chấn động tâm lý do mâu thuẫn trong gia đình thì tuy có trường hợp không sai nhưng nói chung vẫn … trật! Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy:
- Không dưới 60% số nạn nhân của căn bệnh này là người thậm chí đang thành đạt trong nghề nghiệp. Trong nhiều trường hợp họ chẳng khác nào người đang bỏ xa đối thủ nhưng bỗng dưng bỏ cuộc khi gần đến đích!
- Đa số là đối tượng không có mâu thuẫn trong gia đình hay xã hội. Thậm chí ngược lại là khác. 80% số bệnh nhân thậm chí đang có cuộc sống lứa đôi êm đềm.
Cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho cả hai trường hợp nêu trên. Chính vì thế mà không dễ chữa hội chứng sợ ngày đầu tuần do khó phát hiện sớm, cho dù thầy thuốc có bỏ công đo điện não đồ cả ngày lẫn đêm hay chụp hình cắt lát sọ não cả chục lần. Bệnh tuy vậy không có nghĩa là nan y. Trái lại, các nhà nghiên cứu cũng đã ghi nhận một số dữ kiện đủ để thầy thuốc có thể chữa trị hiệu quả thay vì chỉ trông mong vào phước chủ may thầy, chẳng hạn:
- Không lửa khó có khói. Núp bóng phía sau “hội chứng ngày thứ hai” là căn bệnh nào đó thuộc hệ nội tiết chưa được phát hiện như tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp .... Bệnh nội tiết vì thế cần được tầm soát có bài bản trong các mô hình khám sức khỏe định kỳ để sau đó chữa trị rốt ráo
- Có thực mới vực được đạo. Phần lớn nạn nhân thiếu khoáng tố vi lượng, thường là thiếu kẽm, crôm, mangan, selen ..., các thành phần cần thiết cho tâm trạng ổn định. Không lạ gì nếu đối tượng của “hội chứng ngày thứ hai” khi thì rất dễ vui, dễ buồn, dễ lo, dễ giận..., lúc lại rất khó như khó tiêu, khó lành vết thương, khó tránh cảm cúm ...
Trên thực tế, không quá khó để chữa lành hội chứng ngày thứ Hai nếu:
- Người bệnh thành thật với chính mình để đối diện với thực tế là hội chứng ngày thứ Hai đã gõ cửa. Khỏa lấp theo kiểu ta đây sức mấy mà bệnh là sai lầm nghiêm trọng. Đi xa hơn nữa, bệnh nhân cần “ngộ” cho ra một điều đơn giản. Đó là thường khi muốn đi tiếp phải chấp nhận vài bước lùi chiến thuật.
- Thầy thuốc đừng tập trung vào dấu hiệu bệnh lý thực thể mà bỏ quên cảm xúc của người bệnh. Cảm xúc khác xa cảm giác. Con người khác xa con số xét nghiệm. Cơ thể con người không đồng nghĩa với con tim, trái thận, lá gan, hay bộ não mà nhiều hơn thế.
- Cả người bệnh lẫn thầy thuốc đừng chỉ trông mong vào viên thuốc đặc hiệu theo kiểu đau gì chữa nấy, đau đâu chữa đó. Trái lại, đánh thức sức đề kháng, nhất là khi chưa mắc bệnh là đòn bẩy để mỗi ngày đều có một niềm vui.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.