“Để
món ăn có vị cay dịu nhẹ, các đầu bếp còn khai thác vị cay của một số loại rau
để cho vào thức ăn thay cho ớt. Chẳng hạn gỏi gà thường cho rau răm. Món gỏi bò
thường cho sả tươi và nhiều loại rau mùi. Sả cũng là một loại vị cay nhưng có
mùi thơm dễ chịu cộng với vị the the của rau bạc hà, rau húng, rau quế trộn
vào khiến món gỏi bò vừa có mùi thơm của rau mùi nhưng vị cay dịu nhẹ, không
quá cay xè như cho ớt”. – Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà .
Nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ
Thị Hà (Giám đốc nhà hàng Cung đình Tịnh Gia Viên, đồng tác giả kỉ lục châu Á
năm 2012 với chiếc bánh “Phượng Hoàng Vũ”) cho biết, ớt ở miền Trung cũng có
nhiều loại: Ớt chìa vôi, ớt chỉ thiên, ớt bom, ớt chuông, ớt mọi (màu tím), ớt cao sản, ớt chuồn chuồn, ớt xanh, ớt đỏ… Mỗi loại ớt có mùi vị cay riêng
nên cần chọn lựa thích hợp từng món. Chẳng hạn ăn nem lụi, bún bò, bắt buộc phải
có ớt tương.
Ớt
tương được chưng cũng lắm công phu. Trước hết phải chọn loại ớt không quá cay
và bắt buộc phải có màu đỏ. Ớt đỏ được luộc qua, băm nhuyễn và chao qua dầu
ăn, cho thêm chút tóp mỡ, ít đường. Có người cho thêm vào hỗn hợp này chút ít
cà chua chín đỏ, ít nước. Tinh tế hơn nữa, có người cho thêm một chút tương
bần khiến tương ớt có vị rất khác lạ. Món tương ớt khi hoàn thành vừa không
quá cay nhưng đặc sánh, dẻo thơm ở miệng. Theo nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà, những
món ăn ngay như bún phở… cần ăn kèm tương ớt để vị cay dễ tan. Hoặc như bún hến, nhiều người cho thêm ớt chưng hoặc ít tương ớt, khi trộn đều món ăn và vị
cay mới hòa quyện.
Ớt
không thể thiếu trong món nước chấm của người miền Trung. Còn
khi kho các món cá đặc biệt các loại cá đồng, bắt buộc phải cho ớt tươi hoặc ngon
nhất là kho cùng vài quả ớt đã phơi ơi se vỏ. Càng kho lâu, miếng cá vừa có vị
ngòn ngọt, mằn mặn và vị ớt thấm vào hơi cay cay nơi đầu lưỡi. Vậy nên nói về
quả ớt khi kho cá, nhà thơ Văn Công Hùng đã từng viết: “Cái bùi, cái béo,cái ngon, cái ngọt, cái bổ, cái tươi, cái
nhân nhụy, cái nồng nã của con cá như lặn hết vào quả ớt. Quả ớt căng ra,
viên mãn và phủ phê, ngập cái tinh túy của nồi cá kho, nghiêng răng cắn một miếng và một đũa cơm thôi thì khổ sở bực bội ở đâu không biết, đến đây thì dừng lại cho cái hít hà giãn nở của khuôn mặt, của
ánh mắt, của cái ánh hồng trên má và cả lấm tấm những giọt mồ hôi, vì cay, vì
khoái”.
Ngoài
ra, có một số món lại cần một quả ớt xanh cắn vào để vị cay nồng tan trên đầu
lưỡi như: Mực xào, canh chua. Theo kinh nghiệm
của nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà, có thể kể đến một số món ăn nhiều vị cay
nhất ở miền Trung như: ếch xào sả ớt, gà xào sả ớt … Trong đó, ếch xào sả ớt
bao gồm các gia vị cay của sả, ớt , tỏi, hành tiêu. Tinh tế hơn, có thể cho
thêm vào món này đôi ba quả mắc khén khiến món ăn có thêm vị cay nồng như hương
hồi hoặc quế…
Lý
giải về việc tại sao dải đất miền Trung thường ăn rất cay, nghệ nhân Tôn Nữ Thị
Hà cho rằng, nói một cách đơn giản, sở dĩ người miền Trung thường ăn cay là để
chống lại cái lạnh và mưa dầm như một phương thức thích nghi với cuộc sống. Tuy
nhiên, về sâu xa, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Huế đặt giả
thiết rất có lý: “Theo chân chúa Nguyễn Hoàng, tổ tiên người Huế đã di cư vào
đất Thuận Hóa. Sống chung với người Chăm nên họ cũng bắt chước một số tập tục
về ẩm thực của người Chăm. Một trong những tập tục đó là “ăn ớt”. Sống trong
môi trường thiên nhiên ấy “lam sơn chướng khí” , trái ớt cay đã giúp họ chống
chọi được với các thiên nhiên, chống chọi được với cái lạnh và mọi thứ độc hại
đầy rẫy trong môi trường mới”.
Nhiều
người kể lại, có những năm mất mùa, nhiều người nghèo miền Trung còn “ăn ớt
thay cơm”. Họ đem ớt ra kho mặn với muối ruốc rồi ăn dần
mỗi ngày. Hầu như nhà nào cũng có hũ ớt quả ngâm muối để ăn với cơm trong những
ngày mưa dầm. Vậy nên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết rất tinh tế: “biết
ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi”. Thực ra , ăn ớt còn là để đánh lừa vị giác, để
quên đi sự đạm bạc khi thiếu thốn.
Ngoài
những lý do giải thích trên, nghệ nhân Tôn Nữ thị Hà còn cho rằng, người miền
Trung có nhiều thức ăn gắn liền với mắm: mắm nêm, mắm ruốc, mắm cá rò, mắm
tôm chua, mắm tép, mắm dưa đèo, mắm cá cơm…Các loại mắm nếu không có ớt thì sẽ
rất tanh. Vì vậy, ớt được cho vào các món mắm để bớt tanh và khi ăn có cảm
giác thêm phần thú vị. Dần dần, văn hóa ớt trở nên rất quan trọng trong nấu nướng
của người vùng này. Nhất là khi phần lớn các món ăn miền Trung thường có nêm tí
mắm cho đậm đà nên ớt lại càng cần thiết. Chẳng hạn, nấu canh chua phải cho
tí ớt màu vào “để bát canh có màu sắc đẹp hơn , nếu không sẽ bị “trắng dã” như
ma trôi. Ớt bột phải làm từ loại ớt phơi khô được nắng và tự giã bằng tay.
Nhận
xét về việc tại sao người miền Trung rất hay ăn cay, nữ sĩ gốc Huế – Thái Thị
Kim Lan (Trường ĐH Lugwig – Maximilian, Đức) cho rằng, nói người miền trung
ăn cay chỉ là một huyền thoại. Thực ra ớt chỉ là gia vị để tô điểm thêm cho món
ăn mà thôi. Tuy vậy, cái “huyền thoại” ấy vẫn khiến nhiều người ngần ngại khi nếm
thử thức ăn miền Trung. Thế nhưng nhiều người vẫn cứ xì xụp thưởng thức để nhớ
cái hương vị cay tê nơi đầu lưỡi. Để khi đi xa, họ lại nói với nhau : “Không
ăn cay, còn đâu là đặc sản miền Trung”.
Gia đình và Xã hội (Theo Gia đình và Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.