Vì sao vẫn chưa xử lý dứt điểm Công ty phân bón Thuận Phong (Ảnh: IT)
Thủ tướng yêu cầu báo cáo trong tháng 5
Trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Văn Lưu- Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai đã tìm cách thoái thác: “Việc này cứ gửi công văn về văn phòng của Viện chúng tôi sẽ trả lời, giờ tôi còn phải đi họp”.
Trước đó, ngày 9.4, trả lời các nông dân về câu hỏi Công ty Thuận Phong làm phân bón giả nhưng vẫn chưa bị khởi tố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chính phủ đã giao cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) và Bộ Công an trực tiếp điều tra xử lý nghiêm minh trước pháp luật".
"Các cơ quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5.2018. Đây là vụ việc được Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nhiều lần chất vấn" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trước đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Đồng Nai xác minh thông tin tố giác liên quan đến “hoạt động sản xuất phân bón giả” của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thuận Phong (địa chỉ Khu phố 7, phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Tháng 4.2015, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty Thuận Phong.
Sau đó, Đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa tại kho nhà máy của Thuận Phong, phát hiện khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai gồm hơn 3.000 chai ghi xuất xứ “Made in USA” cùng hàng trăm kg nhãn mác, tem xuất xứ khác.
Từ tháng 1.2014 đến khi bị phát hiện, Công ty Thuận Phong đã sản xuất và bán ra thị trường tổng số trên 40.000 chai các loại - tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước.
Theo kết quả điều tra, Công ty Thuận Phong đã sử dụng thủ đoạn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài (năm 2014 nhập khẩu nguyên liệu trị giá hơn 17,5 tỷ đồng), sau đó đóng chai, in nhãn mác đưa ra thị trường tiêu thụ.
Cũng liên quan tới vụ việc này, 6 bộ, ngành khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả.
Là người theo sát vụ việc của Công ty Phân bón Thuận Phong, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường băn khoăn, vì sao vụ việc rơi vào im lặng khó hiểu (Ảnh: IT)
Vụ việc rơi vào im lặng khó hiểu
Theo ông Trần Hùng – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường là một trong những cán bộ theo sát vụ Công ty Phân bón Thuận Phong: Tháng 3.2015, khi đó tôi đang công tác tại văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chúng tôi nhận được tin tố giác của quần chúng về việc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) có dấu hiệu sản xuất và lưu hành phân bón giả.
Từ nguồn tin đó, chúng tôi đã xác minh lại. Ngày 24.4.2015, các cơ quan liên ngành đã phối hợp mở kho của công ty này (tại tỉnh Đồng Nai), nằm trên đất của Bộ Quốc phòng, phát hiện những dấu hiệu của sai phạm. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã bắt quả tang các công nhân đang sang chiết, đóng gói phân bón vào các bao bì, chai lọ có tem nhãn xuất xứ USA nhưng thực tế được in tại Việt Nam.
Đó là những tem nhãn làm giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Việc này nhiều báo đã đưa tin. Tại đây, một lượng lớn phân bón bị bắt quả tang giao cho công an tỉnh Đồng Nai xử lý. Còn lại 29 mẫu sản phẩm giao cho QLTT tỉnh Đồng Nai đưa đi giám định. Tại biên bản kiểm tra, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong Khiếu Mạnh Tường đã ký vào biên bản phạm tội quả tang.
Kết quả giám định lần 1 tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy, 19/29 mẫu phân bón của Thuận Phong sai phạm, hàm lượng chất chính đều dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng đăng ký. Kết quả giám định lần 2 do Công ty SGS Việt Nam và Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Đông Nam Bộ thực hiện theo yêu cầu của Công ty Thuận Phong, 19 mẫu phân bón vẫn có hàm lượng chất chính dưới 70%. Thậm chí, có tới 17 mẫu có kết quả thử nghiệm thấp hơn lần 1.
Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong Khiếu Mạnh Tường đã ký xác nhận kết quả của 2 lần thử nghiệm các sản phẩm kém chất lượng, không đủ chỉ tiêu chất lượng.
“Không hẳn kỳ vọng mà tôi có niềm tin, vụ việc Thuận Phong phải được xử lý nghiêm trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Phải lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh phân bón để lấy lại niềm tin cho nhân dân. Nếu phát hiện những ai cố tình bao che, làm sai lệch hồ sơ, bỏ lọt tội phạm cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Trần Hùng nói. |
Với kết quả giám định như trên, căn cứ theo Nghị định 185 của Chính phủ, Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Qua đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia xác định, đây là vụ việc nghiêm trọng cần được chấn chỉnh ngay, lập lại thị trường về sản xuất, kinh doanh phân bón. Trở lại năm 2013, Công ty Thuận Phong đã bị UBND tỉnh An Giang xử phạt 45 triệu đồng về việc sản xuất kinh doanh phân bón giả. Theo quy định của luật pháp, vi phạm lần thứ hai thì phải khởi tố hình sự.
Các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Thuận Phong là rất rõ ràng. Sự việc cũng đã diễn ra 3 năm nay gây bức xúc dư luận và hơn 60 triệu nông dân về vấn nạn phân bón giả. Không chỉ vậy, đã có đến 6 bộ, ngành vào cuộc, đích thân 2 đời Phó Thủ tướng đương nhiệm chỉ đạo phải giải quyết triệt để. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, với các bằng chứng đã có, sự việc phải được đưa ra khởi tố. Song sự thật không phải như vậy mà đã trở nên phức tạp hơn.
Mới đây nhất, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ ra các dấu hiệu vi phạm của Công ty Thuận Phong về kinh doanh trái phép; giả mạo nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa; sản xuất phân bón giả. Tuy nhiên, vụ việc vẫn rơi vào im lặng khó hiểu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.