Vi Thùy Linh tâm sự về nghề viết

Thứ tư, ngày 31/08/2011 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần VIII sẽ diễn ra từ 8-11.9 tại Tuyên Quang. Mỗi kỳ hội nghị, tôi lại hẫng: Cây bút quen hôm nào đã bỏ nghề hoặc ngừng viết, thêm nhiều gương mặt mới... Cứ thế, quy luật đào thải nghiệt ngã làm sao.
Bình luận 0

Hội nghị lần VIII này là kỳ thứ 4 tôi dự, đúng dịp tròn 16 năm gắn bó thi ca. Biểu đồ hình sin không đủ thể hiện đầy đủ khoảng thời gian ấy. Bão tố, nhọc nhằn, nước mắt, buồn nản, quyết liệt, hy vọng, nồng nhiệt, âm thầm... bao trạng thái cảnh huống, không thể đưa vào các biểu đồ, tìm sự hoà cảm trọn vẹn trong hình dung của ai, dù sâu sắc.

img
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nghệ thuật không cần “thâm niên”

Vì có tác phẩm khi 15 tuổi, nên tôi và các bạn cùng lứa (ít ỏi) còn trụ đến hôm nay đã thành những cái tên quen với văn học trẻ đương đại. Tôi bác bỏ kiểu "lên ngôi" do sống lâu. Với nghệ thuật, không thể dùng thâm niên và tuổi tác làm tiêu chí "phân cấp".

Việc Ban tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần này lấy mốc đại biểu sinh từ 1976 trở lại là cách xác định ổn thoả khi lấy mốc thời gian theo quy luật đời người. "Tam thập nhi lập", qua 30 tuổi là bắt đầu trung niên, dù muốn trẻ lâu, chúng tôi cũng không thể chối bỏ, lảng tránh sự thật ấy.

Nhìn lại lịch sử văn chương thế giới và VN, nhiều tác giả xuất hiện, bùng nổ từ khi còn rất trẻ, là thanh niên. Với “Sự mất ngủ của lửa” (1992) khi 35 tuổi, Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định phong cách. Nhiều năm sau giải thưởng của ông, nhiều người vẫn cố ý bài bác lu loa thơ Thiều là "thơ dịch", là "tìm tòi", nhất định không chịu công nhận sự thật, tập thơ ấy là "Big Bang" của thơ VN thời đổi mới.

Mặc mọi phủ nhận, hiềm khích, bút chiến, bằng từ trường lớn và năng lượng phong nhiêu, Nguyễn Quang Thiều vẫn mới tới hôm nay, ông là một trong những nhà thơ quan trọng của nền thơ đương đại VN.

"Tôi chờ tiếng kêu đâu đây hội tụ tháng năm này/ Và sẽ nảy lộc mới/ Một sớm mai bàng hoàng đứng lại/ Thấy hàng cây cao vượt khỏi mình" (thơ Đỗ Doãn Phương). Vẫn biết nhân tài là của hiếm, nhưng vốn tính liên tài, lúc nào tôi cũng mong có nhiều em trẻ đầy tiềm năng sau lứa chúng tôi, xuất hiện.

Tôi đã chờ, chờ mãi, mới chỉ thấy có Trương Quế Chi (1987) đáng để tin và hy vọng. Quế Chi đã tốt nghiệp 2 khoa Báo chí -Truyền thông và Điện ảnh tại ĐH Tổng hợp Lyon 2 và sắp theo học thạc sĩ Điện ảnh tại ĐH Sorbonne (Pháp). Chi không chọn văn chương làm nghiệp, dù em viết khá hơn không ít những người có "thẻ" lại thiếu tư duy chuyên nghiệp.

Lửa đâu để bừng cháy?

Biết rằng sự cô đơn cần cho nghệ sĩ khi sáng tạo, song tôi chẳng vui gì khi đội hình trẻ rời rạc, thiếu hợp lực, liên tài. Tôi khát khao đua sáng trong đội hình đông, mạnh, hào hứng, cuồng nhiệt. Lửa đâu để bừng cháy? Lửa còn bao nhiêu trong tôi như ngày nào thiếu nữ, cả tin, hăm hở và đầy khát vọng? Lần đầu tới Tuyên Quang, tôi coi trọng sự kiện hơn 5 năm mới có 1 lần. Dẫu thế nào, tôi cũng chờ ngày khai mạc tới, gặp bạn viết, anh em, dù biết còn lâu mới tới lúc có sự đồng thuận liên tài hiệp lực.

Không ít lần tôi kêu gọi, lôi kéo các bạn tôi vào Hội Nhà văn. Họ xứng đáng nhưng họ không thiết. Làm thơ vì tình yêu (tuy nồng độ khác nhau) chứ không nhằm có được cái thẻ hội viên "khoe mẽ" như ai, hay "cho vui" lúc thành hưu trí. Những đam mê nửa vời, những ngọn lửa manh mún, tản mạn, khi nào hội lại thành sóng lửa, khi trong mỗi cây bút trẻ được định danh đến hôm nay nhiều lúc mệt mỏi, nản lòng.

Những đam mê nửa vời, những ngọn lửa manh mún, tản mạn, khi nào hội lại thành sóng lửa, khi trong mỗi cây bút trẻ được định danh đến hôm nay nhiều lúc mệt mỏi, nản lòng.

Tôi nhớ tới những người bạn âm thầm yêu say thơ mà không có mặt tại Tuyên Quang lần này, hay Hội An lần trước: Trần Tuấn, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Quang Hưng. Những tấm phù hiệu, những cuốn sách đã tự có số phận của chúng. Và chúng tôi, mơ mình trở lại thuở bắt đầu, về thời đẹp nhất, sôi nổi nhất đã thuộc về ký ức.

Hội là hội tụ, là ngày hội. Khi nào hội đủ anh tài, đủ lửa đam mê để thành cuộc quần anh hội với những cái tên sáng giá, ưu tú và kiêu hãnh như chúng ta (chứ không phải "dư luận" nào) thực tâm mong mỏi ? Có bao lăm ai cuồng say và liều lĩnh xả thân vì tình yêu, vì văn chương giữa cõi hiện sinh đang xuống cấp nhiều mặt, thực dụng bủa vây này?

Để tạo được nghệ thuật ấy, không thể cũ và giả, bất tài lại hay tham. Không thể đánh đồng, đánh tráo ánh sáng giá trị mới, kinh điển với cũ kỹ, lười nhác, ấu trĩ, ngụy tạo, giả hiệu; nghệ sĩ thực tài với thi sĩ vỏ và nghệ sĩ rởm. Dẫu đời sống là một sân khấu lớn, tôi không đến các vũ hội hoá trang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem