Viêm xoang, không lửa khó có khói

Thứ tư, ngày 29/09/2010 14:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu tìm một căn bệnh đang phải chịu cảnh "trên đe" của thầy thuốc "dưới búa" của bệnh nhân thì viêm xoang chắc chắn là ứng viên hàng đầu.
Bình luận 0

Tuy nhiên, không đến 15% số người bị bệnh này phải dùng kháng sinh, còn lại, cách phòng- chữa khá đơn giản.

Không khuẩn dùng chi thuốc kháng sinh?

Tuy bệnh thường có yếu tố bội nhiễm đi kèm, nhưng nếu đổ hết tội cho vi khuẩn thì không hẳn đúng. Theo báo cáo còn nóng hổi của y sĩ đoàn bên Đức, 80% viêm xoang không bắt đầu với bội nhiễm mà do cảm cúm, nhất là cảm lạnh. Ở xứ mình, bên cạnh chuyện thay đổi thời tiết, tình trạng dị ứng do ô nhiễm môi trường thường khi nghiêm trọng hơn cái lạnh ở xứ người. Đổ hết cho vi khuẩn là oan!

Nói thế cũng có nghĩa là không cần phải dùng thuốc kháng sinh trong mọi trường hợp nghi ngờ viêm xoang nếu không có nguy cơ nhiễm khuẩn. Y sĩ đoàn ở các nước phương Tây ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi đồng thanh khuyến cáo thầy thuốc đừng lạm dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp viêm xoang vì nếu không đúng chỉ định thì thuốc kháng sinh không cải thiện triệu chứng cũng không thu ngắn thời gian phát bệnh, đặc biệt khi siêu vi là nguyên nhân.

Cũng theo thầy thuốc bên Tây, không đến 15% trường hợp viêm xoang phải dùng thuốc kháng sinh. Dùng thuốc quá bừa bãi chính là lý do khiến nhiều loại kháng sinh đời mới bị mất tác dụng một cách đáng tiếc vì vi khuẩn có cơ hội lờn thuốc rất nhanh. Ở nước ta, điều đó đã từ lâu không còn là điều đáng tiếc mà là đáng trách khi hiếm khi tìm được bệnh nhân viêm xoang không "bị" thuốc kháng sinh. Đó là chưa kể đến số đối tượng tự điều trị nhờ nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không cần toa thuốc!

Đơn giản mà đẩy lùi bệnh

Một số thầy thuốc không lưu ý đến các nguyên nhân dẫn đến viêm xoang rất thường gặp nên chỉ tập trung vào thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau để rồi bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng chuyển thể sang viêm xoang mãn với đủ thứ hậu quả nhiêu khê cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc.

Cũng chính vì thế mà thầy thuốc coi trọng quan điểm điều trị toàn diện đồng lòng tán dương việc áp dụng các phương tiện sinh học, đặc biệt là tinh dầu trong cây thuốc, để điều trị cảm cúm, thay vì xem đó như chuyện trời kêu ai nấy dạ, chẳng hạn như với các biện pháp tương đối đơn giản dưới đây mỗi khi vừa chớm phát hiện dấu hiệu sụt sịt, nghẹt mũi, đau đầu…

- Xông hơi cổ họng và mũi bằng nước ấm pha tinh dầu của các cây thuốc có tác dụng vừa kháng viêm vừa long đàm như tràm, khuynh diệp, húng chanh, gừng… khoảng 5-10 phút vào buổi tối. Đừng quên uống ngay 300-500ml nước sau khi xông hơi để bù trừ lượng nước thất thoát do đổ nước mắt nước mũi.

- Ngâm chân nước ấm hay hơ ấm lòng bàn chân bằng máy sấy tóc hay đèn hồng ngoại.

- Nếu nghẹt mũi đừng hỉ mũi thật mạnh để cố tống đàm nhớt vì chỉ vô tình tăng áp lực trong hầu họng khiến chất tiết bị đẩy ngược vào xoang. Trái lại nên nhiều lần trong ngày dùng tay đẩy đầu mũi lên cao đồng thời với động tác thở ra để nước mũi dễ được bài tiết ra ngoài. Nên dùng khăn có tẩm tinh dầu cây thuốc để khi hỉ mũi cũng là lúc hít dầu.

- Tất nhiên cần dùng thuốc nhỏ mũi nếu đang nghẹt cứng nhưng sau đó nên giới hạn việc dùng thuốc vì thuốc tuy có hiệu quả trước mắt nhưng sau đó càng dùng thuốc niêm mạc càng dễ khô.

- Dùng thuốc kẽm, 30mg mỗi ngày, trong vài ngày liên tục ngay khi ghi nhận dấu hiệu ngứa cổ, nhảy mũi, đau đầu… để nhờ kẽm hỗ trợ sức kháng bệnh.

Viêm xoang không vô cớ gõ cửa nạn nhân. Trong nhiều trường hợp bệnh rõ ràng nhanh chân vào nhà vì được chủ nhà ân cần mời mọc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem