Viên đá lạ lùng “bỏ bùa” ông lão kỷ lục gia

Thứ ba, ngày 24/06/2014 18:00 PM (GMT+7)
Rồi ban ngày cũng phải đi làm, tối về ông lại mê mẩn bên “bảo vật”. Ông luôn cảm thấy viên đá có gì đó tiềm ẩn mà chưa khám phá ra.
Bình luận 0

img

Viên đá kỳ diệu 'bỏ bùa' ông lão kỷ lục gia

Từ một người bán bong bóng hè phố, đến một nghệ nhân, một kỷ lục gia, hành trình ấy với ông Võ Văn Hải (SN 1955, ngụ tổ 9, khối 6, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có dấu ấn từ khi ông gặp một viên đá vô cùng lạ lùng.

Người đàn ông “săn” kỷ lục

Để ông nán lại trò chuyện không phải dễ. Tuy nhiên khi gặp được người quan tâm đến tác phẩm của mình, ông lại sẵn sàng dành thời gian để nói về chúng. Ông tuềnh toàng hơn những gì mà người ta vẫn tưởng tượng về một kỷ lục gia. Chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ bỏ buông, đôi dép cũ.

Ông nói rằng sự giản dị ấy là bởi trong ông quá khứ bán bong bóng dạo vẫn luôn ngự trị. Nhớ lại những ngày gian khó lăn lộn kiếm sống để nuôi những sở thích khác người của mình, ông kể quê ông ở Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Năm 1979 ông tham gia thanh niên xung phong. Trở về năm 1983, ông làm công nhân ngành thủy sản tỉnh Tiền Giang và lập gia đình. Tuy nhiên ông luôn ao ước được đặt chân lên mọi miền của đất nước Việt Nam. Ước mơ ấy khiến không có điều gì bó buộc giữ chân ông được.

Năm 1986, ông cùng vợ con về Buôn Mê Thuột lập nghiệp, từng làm rất nhiều nghề: Khởi điểm là một anh bán bong bóng dạo để vẽ trên bóng những gì mình thích. Sau đó ông chuyển sang bán cháo dạo, làm xe ôm, bán rau, bán kem vỉa hè… Giờ ngẫm lại ông luôn cảm ơn quãng thời gian khổ cực ấy, vì nhờ đó mà ông đi được nhiều nơi, nắm bắt và ghi lại những gì mình gặp để có những tư liệu hữu ích sau này.

Cũng theo ông Hải, chính quá trình phiêu lưu ấy đã nuôi dưỡng thú sưu tầm của ông. Ông góp nhặt và không hề bỏ qua bất kỳ thứ gì mình cho là đặc biệt. Nhất là với những viên đá, ông luôn nhìn ra “hồn” của chúng. “Thực ra tôi tạo cho mình một thú chơi “ngông” mà chỉ riêng mình có đối với những vật vô tri vô giác. Mục đích chính chỉ là để cho tinh thần thoải mái, giảm thiểu những suy tư muộn phiền vì cơm áo gạo tiền. Tôi chơi để chơi thôi chứ không bao giờ nghĩ chơi để lập kỷ lục”, ông Hải nhớ lại.

Nhưng cơ duyên đến, những thành công liên tiếp “gõ cửa”. Kể về lần đầu tiên đoạt giải đầy bất ngờ, ông Hải chia sẻ, năm 1997 bắt gặp khúc gỗ có hình thù kỳ dị vứt bên vệ đường nên mang về bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Đánh liều, năm đó ông đem khúc gỗ đó biến thành tác phẩm dự thi bộ môn gỗ tự nhiên trong “Hội hoa xuân” tổ chức tại TP. HCM. Bất ngờ, tác phẩm đã vinh dự đạt huy chương vàng.

Thực ra đó chỉ là một khúc gỗ bổ ra không được mà đun chẳng xong, bị người ta vứt đi vì nghĩ rằng nó vô dụng. Vậy nhưng tôi nhìn thấy ý nghĩa biểu tượng trong nó và đem đi dự thi với cái tên “Trở về cội nguồn”. Bằng cách diễn giải thuyết phục, tôi đã chinh phục được ban giám khảo. Đến nay tác phẩm ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa. Nhờ giải thưởng này mà mọi người biết đến, mời tôi tham dự nhiều cuộc thi khác, còn gia đình bắt đầu ủng hộ đam mê của tôi”, ông Hải tâm sự.

Khi phong trào chơi đá nghệ thuật bắt đầu rộ lên, ông bắt đầu chuyển hướng tập trung sưu tầm đá. Ông cười hớn hở: “Tôi có nguyên một bộ huy chương mà bao người thèm khát”. Đó là trong lần dự thi “Hội vui xuân Huế 2005”, ông mang hết những vốn liếng tác phẩm tâm đắc nhất của mình đi thi. Toàn bộ các huy chương: vàng, bạc, đồng ông đều ẵm về. Từ chối thẳng thừng trước lời đề nghị bán bộ tác phẩm với giá cao, ông Hải tự nguyện tặng lại cho UBND TP. Huế trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn.

Khác với mọi người là cách chơi đá của ông Hải. Những viên đá “biến hóa” qua tay ông cùng lời thuyết minh, không còn là những viên đá khô cứng, vô tri vô giác mà dường như mềm mại hơn. Công bằng mà nói, tài thuyết phục của ông cũng khá. “Ở mỗi viên đá, tôi đều đề thơ lên. Người thưởng thức ban đầu chưa thể thấu hiểu nội dung tác phẩm nhưng qua những vần thơ sát thực thì họ bắt đầu nắm bắt được “hồn của đá”.

Đã có người khách Việt kiều xem tác phẩm của tôi mà bật khóc. Tôi nghĩ rằng bản thân đã được trời phú cho năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh. Đó là lợi thế mỗi lần dự thi”, ông tủm tỉm. Ông cũng chính là một trong những người thành lập hội chơi đá nghệ thuật đầu tiên ở Đắk Lắk.

Viên đá “bỏ bùa”

Năm 2011, thêm một danh hiệu kỷ lục đến với ông ngoài sức tưởng tượng. Cơ duyên để có được thành công ấy đã xuất hiện từ năm 2003 và âm ỉ theo ông. Ông nhớ lại, năm đó có một người hàng xóm đào giếng vớ được một viên đá nặng gần 2 ký có màu sắc và hình thù kỳ dị. Người này rao bán khắp nơi chẳng ai mua.

Đoán ông Hải sẽ rất hứng thú nên anh ta mang đến tận nhà. Như duyên số, lần đầu tiên bắt gặp, ông đã bị viên đá hút hồn. Ông nài nỉ vợ bỏ ra 5 chỉ vàng gom góp được để mua lại viên đá. Tối ngày ông mê mẩn nghiên cứu đến quên ăn, quên ngủ, quên luôn vợ con, quên chuyện đi làm kiếm cơm.

Rồi ban ngày cũng phải đi làm, tối về ông lại mê mẩn bên “bảo vật”. Ông luôn cảm thấy viên đá có gì đó tiềm ẩn mà chưa khám phá ra. Một lần dùng kính lúp để soi chơi, ông há hốc miệng bất ngờ: “Khi soi kính lúp vào viên đá, tôi như nhìn thấy cả một thế giới hình ảnh sinh động, kỳ bí. Tất cả đều không rõ ràng và khó để diễn tả được”.

Ông chụp hình phiên đá rồi phóng lớn lên. Vô cùng kinh ngạc khi hiện ra là những hình ảnh lạ lùng, đầy màu sắc họa tiết hoa văn. Bằng tư duy làm nghệ thuật của mình, ông Hải nhận ra chúng thật sự có hồn của núi sông, con người Việt Nam và cả những sự kiện nổi tiếng trong và ngoài nước như: Sự kiện chiến thắng Bạch Đằng, nàng Tô Thị hóa hòn vọng phu… Sau nhiều ngày miệt mài, ông đã cho ra tổng cộng 243 bức ảnh từ viên đá.

Trong đầu ông lóe lên một ý định rằng sẽ tập hợp những bức hình này thành một cuốn sách “có một không hai”. Và rồi suốt mấy năm, bằng tư duy và kinh nghiệm từ các chuyến đi của mình, ông đã miệt mài tìm ra những hình tương đồng trong thực tế để đối chiếu với những bức hình chụp ra từ viên đá. Cuối cùng ông đã cho ra đời một cuốn sách vô cùng kỳ công.

Cuốn sách dày 168 trang, nặng 81kg (khổ 61x84cm), bìa được ghép lại từ nhiều nu cây cà phê và sách in trên giấy dó Đông Hồ. Ngoài nội dung nghiên cứu nghệ thuật chơi đá cảnh bằng nghệ thuật vi ảnh, sách còn có hàng trăm bức họa được chụp và phóng lớn hàng nghìn lần bằng nghệ thuật vi ảnh từ các góc độ khác nhau của viên đá.

img

Ông Hải tự hào khi mình là người đầu tiên thành công chơi đá nghệ thuật dựa trên nguyên lý “Ngoạn thạch vi ảnh”. Ông giải thích, “ngoạn thạch vi ảnh” là nghệ thuật chơi đá ở góc độ siêu nhỏ, phóng đại vài trăm lần, để diễn đạt cái tiềm ẩn thật sự của thiên nhiên. Với tác phẩm này, tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao 2 kỷ lục (cuốn sách duy nhất có bìa bằng nu cây cà phê; và cuốn sách có giấy phép xuất bản ít nhất).

Ông cho rằng “viên đá kỳ diệu” ấy nay được trả đến tiền tỉ nhưng ông không bán. Cũng bởi thế mà một thời gian ông bị người ta nói là “gã khùng chê tiền trên cao nguyên đất đỏ”. Bởi với số tiền đó, ông hoàn toàn có thể cùng vợ con đổi đời. Ông khảng khái: “Tình yêu của tôi dành cho đá là bất diệt, bạc vàng không thể mua được”.

Bán nhà lấy vốn đi 63 tỉnh lấy mẫu đất ghép bản đồ Việt Nam

Ông Hải chia sẻ rằng từng đi nhiều nơi và tham quan 63 tỉnh, thành cả nước. Cách đây hơn 3 năm, xuất phát từ suy nghĩ cần phải làm gì đó quảng bá đất nước, tri ân những người có công, trong đầu lóe lên một ý tưởng khác người. “Tôi quyết định lập kế hoạch đi lấy mẫu đất tại các khu nghĩa trang liệt sĩ của 63 tỉnh thành trong cả nước rồi ghép thành bản đồ cao 5,4m và rộng 3,6m. Tôi tâm niệm rằng người mất sẽ về với đất, cho nên những mẫu đất này sẽ rất linh thiêng. Đến mỗi nơi tôi đều chụp ảnh lại ghi dấu và lấy xác nhận của chính quyền địa phương”, ông Hải chia sẻ.

Nhớ lại những ngày tháng gian nan đi khắp đất nước thực hiện ý tưởng, ông Hải chia sẻ bắt đầu lên đường vào ngày 1/1/2011. Địa danh đầu tiên ông lấy mẫu đất là Đắk Lắk. Sau đó lịch trình của ông là đi về phía Đông Nam Bộ, dọc miền Trung, rồi ra miền Bắc, “một mình một ngựa” cùng chiếc xe máy cà tàng.

Có những lúc túi không có lấy một đồng, nhìn vợ con khó nhọc mà đam mê chưa thỏa, ông Hải cũng áy náy. Nhưng vì tâm huyết với nghệ thuật, ông thuyết phục vợ bán căn nhà trên phố để lấy kinh phí. Số tiền 350 triệu bán nhà, ông dành đến 200 triệu để thực hiện những chuyến đi xa dài ngày, còn lại ông mua căn nhà tạm bợ cho vợ con sống. “Tuy nhiên để “lấy ngắn nuôi dài”, khi đi các tỉnh tôi cũng làm thêm những sản phẩm mĩ nghệ để bán dọc đường. Có những lúc ốm đau nghĩ ngợi thấy mà nản.Nhưng rồi nhìn lại quá trình bỏ công sức ra không thể để phí hoài như vậy nên tôi quyết tâm cao hơn. Nếu dừng lại tôi sẽ thấy áy náy với chính mình và những nơi tôi đã đi qua, với cả những mẫu đất đã cất công đem về”, ông Hải nói.

Khó khăn nhất là đường ra đảo Trường Sa. Đang lúc lo lắng tác phẩm sẽ khó hoàn hảo nếu thiếu một địa danh thì có một người bạn vì ngưỡng mộ ý tưởng này mà gửi tặng cho ông một con ốc từ đảo Trường Sa. Như vậy ông cũng cảm thấy bớt đi phần áy náy. Đến nay ông đã cơ bản hoàn thành việc lấy mẫu đất. Ông dự tính hoàn thiện tác phẩm vào đợt kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Sau khi công bố tác phẩm ông sẽ đưa về Đền Hùng như là sự trở về cội nguồn.

Người thân của ông cho biết, cũng vì quá say mê và tâm huyết với nghệ thuật mà cách đây hai năm ông đã bị tai nạn phải khâu hàng chục mũi trên đầu. Mọi thứ có giá trị trong gia đình đều đội nón ra đi để đổi lấy sinh mạng ông. Thế nhưng thoát chết trở về ông vẫn không nguôi từ bỏ những đam mê đã ngấm vào máu thịt. Mặc cho gia đình ngăn cản vì lo cho sức khỏe, mặc căn bệnh hoại tử đại tràng, ông vẫn quyết thực hiện cho kỳ được những kế hoạch của mình.

BOX: Ngoài những kỷ lục trên, ông Hải còn sở hữu kỷ lục khác là cuốn sách gỗ độc bản về tiểu sử Trương Định. Nội dung sách thể hiện bằng 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp, được viết bằng bút điện trên nền gỗ sao và gỗ hương được gia công kỹ lưỡng. Ông Hải đã tặng cuốn sách gỗ này như một lễ vật cho đền thờ Trương Định ở Gò Công (Tiền Giang). Ông cũng sở hữu bộ tem gỗ mang dáng dấp của 54 dân tộc Việt Nam được vẽ bằng bút điện.

Ông Hải thường ghi chép lại tỉ mỉ các chuyến đi của mình để làm tư liệu. Vận dụng vốn văn chương trời phú và hơn 20 năm tích góp những trải nghiệm, khám phá, năm 2012 ông cho ra đời cuốn “Việt Nam quê hương tôi”, giới thiệu về các địa danh của Việt Nam, con người và bản sắc dân tộc.

Chia sẻ về dự định về cuốn sách đang ấp ủ, ông Hải cho biết, hiện ông đang trong quá trình sáng tác thơ lục bát giới thiệu các địa danh nổi tiếng trên đất nước ta và sẽ đặt cho nó cái tên là “Hồn quê Việt Nam”. “Tôi ao ước ngoài những tác phẩm trên, tôi sẽ viết xong cuốn hồi ký về cuộc đời gắn bó với nghệ thuật của mình trước khi bị bệnh tật đánh gục. Tôi sẽ đặt cho nó cái tên là “Niềm tin trong nước mắt””, ông Hải tâm sự.

Chưa hết ngạc nhiên, chính ông Hải cũng đã thiết kế thành công 46 mẫu với trên 500 sản phẩm gỗ cà phê, trong đó đã hoàn thành 28 mẫu với 300 sản phẩm trưng bày. Bộ sưu tập tiền và tem cổ với số lượng không đếm nổi cũng là một góc “gia tài” khác của ông lão “kỳ dị” này.

(Theo Xã hội )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem