Việt Nam chưa báo động mất cân bằng giới tính

Thứ năm, ngày 22/07/2010 04:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tỉ số giới tính khi sinh của nước ta theo tổng điều tra dân số năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái, cao hơn một chút so với con số thông thường 105/106. Con số này chưa phải là cao ở mức báo động.
Bình luận 0
img
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, Việt Nam chưa có báo động về mất cân bằng giới tính.

Hôm qua 21-7, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở T.Ư đã chính thức công bố kết quả điều tra toàn bộ và tổng kết cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Kết quả cho thấy, chưa có báo động về mất cân bằng giới tính như dư luận lo ngại.

Dân số đạt gần 86 triệu người

Kết quả toàn bộ cho thấy, vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009 dân số VN là 85.846.997 người. Tính từ cuộc tổng điều tra trước, dân số Việt Nam tăng thêm 9.523.000 người, bình quân mỗi năm tăng 952.000 người. Như vậy, mức tăng dân số của Việt Nam tiếp tục giảm. Tỉ suất tăng dân số bình quân năm giảm từ 1,7% thời kỳ 1989-1999 xuống 1,2% thời kỳ 1999-2009.

img 10 năm qua, không những chúng ta thực hiện khá tốt mục tiêu giảm sinh mà còn có bước tiến trong việc nâng cao chất lượng dân số. Tỉ lệ người biết chữ tăng nhanh hơn 10 năm trước và đạt 94,0% dân số từ 15 tuổi trở lên. Đến nay chỉ còn 4 triệu người chưa đi học, chiếm 5% dân số từ 5 tuổi trở lên mà tập trung chủ yếu ở các độ tuổi già. Tỉ trọng nhóm dân số trẻ em giảm mạnh, tỉ lệ phụ thuộc giảm nhanh. Tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh tăng liên tục và đã đạt 72,8 tuổi. img

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

Từ năm 2006 đến nay, tổng tỉ suất sinh của nước ta liên tục giảm và đạt dưới mức sinh thay thế (2,03 con/phụ nữ). Cơ cấu dân số theo tuổi có sự thay đổi theo hướng tích cực. Tỉ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% vào năm 1999 xuống còn 24,5% năm 2009. Ngược lại, tỉ trọng dân số nhóm tuổi 15-64 (nhóm tuổi lao động) tăng từ 61,1% lên 69,1% và nhóm từ 65 tuổi trở lên tăng từ 5,8% lên 6,4%.

Đây là thời kỳ dân số nước ta có ưu thế về lực lượng lao động, còn được gọi là thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng” (thời kỳ mà tỉ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống dưới 30% và tỉ trọng người già từ 65 tuổi trở lên còn ở mức dưới 15% trong tổng dân số).

“Thời kỳ cơ cấu dân số vàng có thể kéo dài từ 30-50 năm. Đây là một lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động thời kỳ này trong vài thập kỷ tới”- ông Đỗ Thức - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Tỉ số giới tính khi sinh của nước ta theo tổng điều tra dân số năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái, cao hơn một chút so với con số thông thường 105/106. Con số này chưa phải là cao ở mức báo động. Tuy nhiên, điều tra này cũng cảnh báo, cần có biện pháp ngăn chặn hiện tượng lựa chọn giới tính dẫn đến mất cân bằng giới tính.

Di dân lớn từ nông thôn vào thành thị

Cũng theo cuộc điều tra này, dân số Việt Nam tại khu vực thành thị là 25.436.896 người, chiếm 29,6% tổng dân số cả nước, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 1999. Dân số của khu vực nông thôn là 60.410.101 người. Từ 1999-2009, mức sinh của nông thôn cao hơn thành thị còn mức chết lại không chênh lệch đáng kể. Điều đó cho thấy đã có luồng di dân lớn từ nông thôn vào thành thị. Dân số phân bố không đều trên 6 vùng kinh tế-xã hội.

Đông dân nhất là đồng bằng sông Hồng, tiếp đến là Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Vùng có dân số ít nhất là Tây Nguyên. Do dân số tăng lên nên mật độ dân số Việt Nam đã tăng từ 231 người/km2 năm 1999 lên 259 người/km2 năm 2009; thuộc loại cao, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Philippines).

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kết quả điều tra cho thấy bức tranh sinh động của dân số Việt Nam; phản ánh những thành tựu to lớn của đất nước trong thực hiện đường lối đổi mới và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước thời kỳ 2001-2010.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem