Việt Nam qua góc nhìn của Alan Phan: Giải mã hiện tượng tái di dời sản xuất

Thứ bảy, ngày 25/01/2014 07:20 AM (GMT+7)
Tại sao các tập đoàn như Intel, Samsung lại quay sang Việt Nam, NTNN đã đi tìm câu trả lời trong cuộc phỏng vấn tiến sĩ Alan Phan.
Bình luận 0
LTS: Năm 2010, Tập đoàn Intel của Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất của họ ở Việt Nam với trị giá 1 tỷ USD. Ba năm sau đó, nhiều công ty khác đã nối đuôi Intel, đáng kể nhất là Tập đoàn Hàn Quốc Samsung, đang xây dựng nhà máy thứ 3 ở tỉnh Thái Nguyên. Tại sao các tập đoàn này lại quay sang Việt Nam, NTNN đã đi tìm câu trả lời trong cuộc phỏng vấn tiến sĩ Alan Phan.

img

Thưa tiến sĩ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến của hiện tượng tái di dời sản xuất. Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Intel, Nokia, Samsung đã rút vốn từ Trung Quốc để chuyển sang đầu tư tại Việt Nam. Xin tiến sĩ cho biết nguyên nhân nào đã tạo nên trào lưu này?

- Có rất nhiều nguyên nhân để tạo ra trào lưu này tùy vào phán xét của các tập đoàn đa quốc gia. Như các doanh nhân Hàn Quốc và Nhật Bản, hiện họ cũng xem xét trong mối tương quan chung giữa quan hệ của nước họ với Trung Quốc để quyết định có tiếp tục đầu tư ở thị trường Trung Quốc nữa hay không. Ngoài ra, giá cả sản xuất ở Trung Quốc bắt đầu lên cao, lạm phát cũng bước vào thời kỳ cao và lương ở Trung Quốc cũng bắt đầu tăng lên… là những nguyên nhân khiến Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước.

img

Trước đây, những tập đoàn đa quốc gia này đã từng kỳ vọng ở các thị trường mới như Lào, Myanmar, song thủ tục đầu tư không mấy thuận lợi. Họ nhìn thấy ở Việt Nam có những triển vọng phát triển hơn nên đã đầu tư sang Việt Nam. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là Việt Nam đang có chính sách khuyến mại để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bù vào phần suy thoái kinh tế. Nhà nước mình rộng rãi về phúc lợi cho các công ty FDI, chẳng hạn như Samsung, lợi nhuận của họ có thể đạt được 6 tỷ USD theo phép tính, nhưng đóng thuế của họ chỉ mất 50 triệu USD. Phải nói rằng, Samsung khó mà tìm được nơi nào mà tiền họ thu về cao mà đóng thuế lại thấp như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là các nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn thấy được tiềm năng ở thị trường Việt Nam.

Yếu tố Việt Nam có lao động nhân công giá rẻ và tay nghề cao không được tính vào chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia này hay sao, thưa ông?

- Thực tế không có chuyện đó đâu! Trong vấn đề lao động thì tiền nào của nấy. Nếu họ muốn có tay nghề cao thì phải mất thời gian huấn luyện cho nhân công Việt Nam, chứ tay nghề của lao động Việt Nam chưa phải là cao so với mặt bằng của các nước trong khu vực. Làm trong nghề tôi biết, chi phí cho nhân công không chiếm nhiều trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp nên nhân công giá rẻ không phải là yếu tố quan trọng. Quan trọng là vấn đề thị trường, thuế quan ưu đãi.

Một lý do nữa là địa thế của Việt Nam: Mặt hướng ra biển rất dài với nhiều hải cảng trang bị khá tốt, rất thuận lợi cho xuất khẩu. Bất cứ chiến lược đầu tư nào của các công ty đa quốc gia, thậm chí có những công ty đầu tư chỉ có vốn 80 triệu USD thôi, nhưng tài liệu phân tích thị trường của họ cũng lên đến mấy trăm trang. Nên việc các tập đoàn đa quốc gia này đã quay sang đầu tư vào Việt Nam, cũng phải hiểu rằng, họ đã phân tích thị trường Việt Nam đến mọi ngóc ngách.

Trở lại câu chuyện của Tập đoàn Sam Sung, họ đã tuyên bố tháng 3.2014, Samsung sẽ khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới tại tỉnh Thái Nguyên, liệu đây có phải là kế hoạch để biến Việt Nam thành một người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại di động như truyền thông nước ngoài dự báo hay không, thưa tiến sĩ?

- Người khổng lồ ở đây là Samsung chứ không phải Việt Nam. Bởi thực tế, chúng ta chỉ là gia công, còn công nghệ và thương hiệu sản phẩm vẫn là của Samsung. Khi sản phẩm của Samsung trở nên nổi tiếng thì sản phẩm sản xuất ở Việt Nam cũng sẽ có một hiệu ứng nhỏ, nhưng bản chất vẫn là họ thu tiền về, chứ chúng ta không thu tiền từ những sản phẩm này. Có chăng, từ việc thành công của Samsung, sẽ có các nhà suất điện thoại khác sẽ tìm đến với Việt Nam để hợp tác làm ăn.

Theo tiến sĩ, liệu có hệ lụy nào đối với Việt Nam khi có sự đầu tư ồ ạt như vậy?

Và trái với những gì đã xảy ra trong khoảng 10 hay 15 năm trước đây, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ thuộc các lĩnh vực lao động chi phí thấp, như dệt may và giày dép, mà còn thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin.

- Hệ lụy lớn nhất là khi FDI thống trị nền kinh tế thì kinh tế của chúng ta sẽ phụ thuộc vào nước ngoài và mình mất quyền chủ đạo. Nói như vậy cũng có nghĩa, những chính sách của chúng ta phải luôn tạo ra ưu ái cho họ, nếu làm “phật ý” thì họ lại rời bỏ chúng ta, chúng ta sẽ bị chới với ngay. Điều này phần nào cũng sẽ mâu thuẫn với chính sách của Chính phủ là Nhà nước chỉ đạo nền kinh tế. Thêm nữa, nếu các doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, trong lúc các doanh nghiệp nội chưa đủ sức chống chọi sẽ ngày càng tăng áp lực đè nặng lên doanh nghiệp nội.

Tuy vậy, cái lợi cũng rất nhiều. FDI sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, bất động sản sẽ tăng giá, người dân sẽ có tiền, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam mua nhà…

Dự kiến cuối năm nay, Hiệp định Tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ở Mỹ, New Zealand sẽ tìm đến đầu tư ở Việt Nam.

Mọi người đang nói đến “sân chơi” TPP với rất nhiều sự dè dặt. Theo tiến sĩ, liệu có phản ứng phụ nào sau “liều thuốc TPP” này hay không?

- Tất nhiên sẽ không có cái gì là 100% có lợi và 100% có hại. Nói về TPP, mọi cuộc đàm phán đang diễn ra và tất nhiên những thương lượng thiệt hơn cũng đã đề cập đến trong quá trình đàm phán. Theo đánh giá của cá nhân tôi, vài năm sau khi có TPP, sẽ có vài “phản ứng phụ”. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tính cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Có những sản phẩm của Việt Nam sẽ đi ra nước ngoài dễ dàng hơn, nhưng cũng có những loại nông sản thế mạnh của nước ngoài tràn vào Việt Nam và cạnh tranh với hàng nội, sức ép này sẽ đè nặng lên nông dân, nếu họ không nâng cao tính cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, sẽ có những mặt hàng được lợi như may mặc…

Có TPP, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dạy cho doanh nghiệp Việt Nam cách thức cạnh tranh, đào tạo được kỹ năng làm việc, có nhiều cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài. Nhưng vấn đề chính ở đây là ký TPP là để tránh suy thoái.

Xin cảm ơn ông!

Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem