Từ năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm trong GPMB thực hiện dự án cụm công nghiệp (CCN) thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Năm 2018, Sở TN&MT tỉnh đã báo cáo tỉnh về kiến nghị của các doanh nghiệp và người dân đề nghị tỉnh giao cho Sở này tổ chức thanh tra (đột xuất) việc chấp hành pháp luật về TNMT, quy hoạch xây dựng trong CCN Yên Lạc. Nguyên nhân do đâu?
Cắt xén nhiều hạng mục
Dự án CCN thị trấn Yên Lạc được phê duyệt năm 2005, UBND thị trấn Yên Lạc làm chủ đầu tư, nhưng vì không có khả năng thực hiện, năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng - Thăng Long (gọi tắt là cty Thăng Long) thay UBND thị trấn Yên Lạc làm chủ đầu tư, được giao 4,23 ha đất và đã nộp tiền sử dụng đất 1 lần cho 49 năm.
Người dân vui vì có cụm công nghiệp làng nghề hoành tráng tách khỏi khu dân sinh, đảm bảo môi trường sống sạch đẹp. Nhiều người dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm để vào CCN.
Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, khi vào CCN, nhiều chủ sản xuất nhận thấy: Dự án bị bóp méo, nhiều hạng mục hạ tầng bị cắt xén thậm chí những hạng mục không có trong quy hoạch lại phình to như có nhiều nhà dân được cấp đất sống ngay trong quy hoạch của dự án. Nói là CCN nhưng không có khu xử lý nước thải, rác thải. Bãi đậu xe và tập kết hàng hoá được đem bán cho nhiều hộ kinh doanh khác. Khu công viên cây xanh kết hợp bãi tập thể dục bị xây kín cổng cao tường, phía trong chủ dự án xây nhà sàn trông như một biệt phủ!
133 hộ dân trong cụm làng nghề phản đối công ty xây dựng Thăng Long về quản lý -điện- giao thông trong cụm làng nghề (Ảnh: Thế Lữ)
"Nóng" nhất là câu chuyện khiếu kiện của bà Dư Thị Bắc (nguyên chủ sở hữu lô đất số 33), cụ thể: Năm 2011 công ty Thăng Long chuyển nhượng QSDĐ cho doanh nghiệp tư nhân Giấc Mơ lô số 33, diện tích 1.320m2. Năm 2017, doanh nghiệp tư nhân Giấc Mơ chuyển quyền sử dụng lô đất 33 cho ông Nguyễn Văn Kim và vợ là Nguyễn Thị Huệ và được cấp sổ đỏ ngày 12/6/2017. Tiếp nhận QSDĐ, ông Kim và bà Huệ cải tạo mặt bằng thì bị nhiều người dân lên huyện phản đối bởi lấp cả mương thoát nước của cụm dân cư thị trấn. Phía ông Kim, bà Huệ cho rằng, mình được quyền cải tạo mặt bằng trong diện tích sổ đỏ 1.320 m2. Như vậy sai phạm này thuộc về ai?
Làm rõ tranh chấp trên, Sở TN&MT tỉnh thừa nhận: khi kiểm tra bản vẽ điều chỉnh QHCT tỷ lệ 1/500, UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 1195/QĐ-UBND ngày 11/5/2010 không thể hiện rãnh tiêu thoát nước (mặc dù rãnh này đã có trước khi xây dựng cụm công nghiệp làng nghề). Vì vậy bản đồ địa chính thu hồi, giao đất cho công ty Thăng Long kèm theo QĐ số 1780/QĐ-UBND ngày 23/6/2010 của UBND tỉnh cũng không để lại rãnh tiêu thoát nước cũ của các hộ dân thôn Đoài thị trấn Yên Lạc. Sau khi tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (lần 3) tại QĐ số 3195/QĐ-UBND ngày 6/11/2015 phần đất rãnh tiêu thoát nước đã được tách khỏi 2 thửa đất lô số 33 của doanh nghiệp Giấc Mơ và lô số 34 của cty Mạnh Cường.
Sai sót được kết luận rõ như vậy, diện tích lô đất số 33 cũng đã được điều chỉnh từ năm 2015 vậy mà đến ngày 12/6/2017, Sở TN&MT vẫn cấp sổ đỏ đủ diện tích 1.320 m2 cho ông Nguyễn Văn Kim và bà Nguyễn Thị Huệ! Với cách làm trên, các hộ dân trong CCN cho rằng đây là “lập lờ đánh lận con đen” biểu hiện lợi ích nhóm, sự bắt tay giữa Sở TN&MT với chủ dự án!?
Kiến nghị thanh tra đột xuất
Để giải quyết việc tranh chấp diện tích tiêu thoát nước bị CCN đè lên, Sở TN&MT và một số cơ quan liên quan kiến nghị UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích rãnh thoát nước nằm trong dự án CCN để trả lại cho dân. Các chủ lô đất 33 và 34 sẽ được Nhà nước và chủ đầu tư bồi thường hỗ trợ về tài sản và đất đai bị thu hồi.
Bà Dư Thị Bắc, đại diện uỷ quyền của ông Nguyễn Văn Kim và bà Nguyễn Thị Huệ, không đồng tình và cho rằng: “Khi bỏ tiền mua 1.320m2 đất ở vị trí đẹp, nay bị điều chỉnh giảm diện tích xuống còn 1.241,3 m2. Tôi không đồng ý, bởi: cắt xén diện tích, ảnh hưởng tới tâm lý kinh doanh. Diện tích đất không còn hợp tuổi, hợp phong thuỷ, đã thay đổi công năng cho nên ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Nếu bị điều chỉnh diện tích thì tôi sẽ trả lại lô đất đã mua và chủ đầu tư phải đền bù theo giá thoả thuận”.
Bãi đậu xe của CCN đã được chuyển nhượng cho các hộ dân trở thành bãi tập kết gỗ
Về sai phạm của công ty Thăng Long (chủ đầu tư dự án): Các hộ dân và DN cho rằng chủ đầu tư đã bán phần đất dự án dành cho bãi đỗ xe và tập kết hàng hoá cho 9 hộ kinh doanh, trong khi đây là phần hạ tầng thiết yếu cho hoạt động của CCN. Bán bãi đậu xe, trong khi phần bổ sung dự án vẫn chưa được thực hiện gây bức xúc cho CCN cũng như khách ngoài vào giao dịch hàng hoá.
Dự án đi vào hoạt động đã 8 năm nay nhưng không có khu xử lý chất thải, nước thải đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cụm làng nghề. Lỗi này một phần thuộc về chủ đầu tư, một phần thuộc về UBND tỉnh do đã chấp thuận phê duyệt quy hoạch bể xử lý nước thải cận kề với khu dân sinh nên bị người dân phản ứng gay gắt. Chủ đầu tư đã không xây dựng khu xử lý chất thải mà kiến nghị tỉnh điều chỉnh dự án cấp thêm hơn 9.000m2 đất bổ sung về phía đông CCN để xây bể nước thải, bãi tập kết đỗ xe, trồng cây xanh.
Khu công viên cây xanh bị xây kín cổng cao tường thành biệt phủ
Nhiều chủ doanh nghiệp trong CCN cho rằng: trước khi đầu tư một khoản tiền lớn vào CCN, họ tin được hưởng hạ tầng kỹ thuật hiện đại có bãi đậu xe tập kết hàng hoá, có khu cây xanh để cải thiện chất lượng không khí trong môi trường sản xuất, có chỗ dạo chơi tập thể dục khi nghỉ ngơi, có bãi xử lý rác thải để giảm thiểu ô nhiễm… Nhưng nay các hạng mục trong hệ thống logic đã bị cắt xén dẫn đến giá trị của đất trong CCN bị giảm so với quy hoạch ban đầu.
“Chủ đầu tư nên nhớ rằng: Khi bỏ tiền ra mua, chúng tôi không chỉ dừng lại ở quyền sở hữu về đất, mà theo đó có quyền được hưởng các tiện ích chung như đã nêu trên”, một chủ doanh nghiệp nêu quan điểm.
Từ thực tế trên, nhiều doanh nghiệp đề nghị có cuộc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về TNMT, quy hoạch xây dựng trong cụm làng nghề Yên Lạc.
Tiếp nhận đề nghị này, ông Nguyễn Hồng Sinh, giám đốc Công ty Thăng Long cho rằng: "Việc thanh kiểm tra quy hoạch xây dựng các hạng mục trong CCN, cty sẽ phối hợp với các cơ quan nhà nước để thực hiện theo quy định”.
Ngày 29.5.2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định điều chỉnh dự án lần thứ 4, bổ sung hơn 9000 m2 đất cho dự án. Tuy nhiên cho đến nay, phần bổ sung này vẫn nằm trên giấy, bởi các hộ dân có đất không đồng thuận do mức giá đền bù quá thấp trong khi chủ đầu tư công ty Thăng Long lại bán đất cho doanh nghiệp với giá kinh doanh. Do vậy chưa biết đến bao giờ CCN làng nghề có các hạng mục bổ sung như thiết kế ban đầu…
Ở góc độ khác, UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh giảm diện tích lô đất cây xanh (1.876 m2) để tạo quỹ đất dịch vụ trả cho các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án; điều chỉnh giảm diện tích đất đấu mối hạ tầng kỹ thuật để xét cấp đất ở giãn dân.
Hai quyết định này này của tỉnh đã dẫn đến nhiều hộ dân được cấp đất trong khuôn viên dự án xây nhà kiên cố, sống trong khu công nghiệp đã được quy hoạch trước. Điều này vi phạm Quy định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định: trong khu công nghiệp không có nhà ở dân sinh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến CCN bị méo mó so với quy hoạch ban đầu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.