Vốn tín dụng Ngân hàng CSXH tạo dựng ấm no nơi đất chiến trường xưa ở Điện Biên

Minh Nguyễn Thứ ba, ngày 28/05/2024 15:04 PM (GMT+7)
Để có thể "mang tiền Chính phủ cho bản, làng vay đủ", giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo, cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên vẫn "sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ tín dụng đã lên đường". Cán bộ đi làm không phân biệt ngày thường hay ngày nghỉ. Cứ đến phiên giao dịch là lên đường, mang vốn xuống xã cho bà con.
Bình luận 0

70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", mảnh đất Điện Biên nay đã phủ màu xanh của cây ăn trái, cây công nghiệp...

Thành quả ấy và dấu ấn kinh tế từng ngày phát triển càng cho thấy những công sức và nỗ lực mà người dân, chính quyền địa phương cùng chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã bỏ ra để xóa bỏ đói nghèo, tạo dựng sự ấm no trên vùng đất biên giới của Tổ quốc.

Mang vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đến với nông dân nghèo Điện Biên

Để có thể "mang tiền Chính phủ cho bản, làng vay đủ", giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo, cán bộ Ngân hàng CSXH vẫn "sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ tín dụng đã lên đường". Cán bộ đi làm không phân biệt ngày thường hay ngày nghỉ. Cứ đến phiên giao dịch là lên đường, mang vốn xuống xã cho bà con kịp đầu tư sản xuất, nuôi trồng.

Tại huyện Mường Ảng, từ đỉnh đèo Tằng Quái nhìn về thung lũng Mường Ảng bây giờ là bát ngát màu xanh của cà phê và mắc ca. Ngay cả ở Tát Hẹ - bản nghèo nhất của xã Ẳng Nưa, những khu đồi vốn chỉ trồng ngô sắn, giờ đã thành những vườn cà phê tươi tốt. Vay vốn tín dụng từ năm 2009 với 5 triệu đồng để mua bò sinh sản, song với quy mô chăn nuôi nhỏ, lại trong điều kiện khó khăn, nên đến năm 2016, dù vay thêm vòng vốn nữa với 50 triệu đồng để tăng đàn lên 4 con, hành trình thoát nghèo với gia đình anh Vàng A Đa (bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) vẫn chưa thấy ngày tới đích...

Vốn tín dụng Ngân hàng CSXH tạo dựng ấm no nơi đất chiến trường xưa ở Điện Biên- Ảnh 1.

Nguồn vốn chính sách được Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên trao đến tận tay người nghèo. Ảnh: M.N

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên Hoàng Ngọc Thương cho biết: Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong đó, tăng cường vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đảm bảo các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn, quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, tạo đà cho Điện Biên phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững.

Chính bởi vậy, khi manh nha thấy cây cà phê có thể trồng ở nhiều địa bàn của vùng Tây Bắc như quê hương anh, Vàng A Đa quyết tâm trở thành một trong những người mạnh dạn phá vườn ngô để trồng cà phê. Anh bán bớt bò để có vốn, tích cực học hỏi kỹ thuật, mua cây giống đầu tư trồng cà phê... Sự dám nghĩ dám làm của Vàng A Đa đã được đền đáp xứng đáng khi chỉ hơn hai năm sau, gia đình anh đã thoát nghèo. Tấm gương làm ăn kinh tế của Vàng A Đa đã được cả bản học theo và cùng bắt tay trồng cà phê.

Với bà Nguyễn Thị Ngọc (ở thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng), việc được vay vốn chính sách đã giúp gia đình bà trở thành hộ đầu tiên trồng bưởi ở đây. Khởi động với mỗi năm trồng 1ha bưởi, rồi dần dần có tích lũy, lấy ngắn nuôi dài, gia đình bà mở rộng lên 2ha và hiện đã có 5ha trồng cây bưởi diễn. Mỗi năm cả vườn bưởi và vườn cà phê mang lại cho vợ chồng bà Ngọc khoản thu nhập cả tỷ đồng.

Phát triển nguồn vốn, tăng độ phủ tín dụng

Cũng như Mường Ảng, người dân các huyện, thị khác của tỉnh Điện Biên cũng đang dốc sức phát triển kinh tế. Cùng với những định hướng phát triển kinh tế của địa phương, từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thậm chí mới thoát nghèo đều được cán bộ Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tích cực tư vấn, hỗ trợ, từ việc lựa chọn sinh kế để giảm nghèo cho đến chu kỳ vay vốn ngắn hạn và dài hạn phù hợp với vật nuôi, cây trồng. Phối hợp với các sở, ban ngành và tổ chức chính trị - xã hội hội đưa kỹ thuật công nghệ vào nuôi trồng để nâng cao năng suất và thu nhập cho hộ vay...

Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên và các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện đã chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh để đẩy nhanh công tác cho vay giảm nghèo cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Việc HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh mỗi năm chuyển 20 tỷ đồng và các huyện chuyển tối thiểu 0,1% tổng thu ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung cho vay với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo nên bước đột phá trong việc phát triển nguồn vốn và tăng độ phủ chiều sâu tín dụng chính sách trên địa bàn.

Đến 31/3/2024, nguồn vốn huy động của chi nhánh Ngân hàng CSXH Điện Biên đạt hơn 4.799 tỷ đồng, tăng hơn 123 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 2,6%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương đạt hơn 102 tỷ đồng, tăng hơn 33 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. Nguồn vốn tín dụng chính sách đang hỗ trợ 78.874 người nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế với tổng dư nợ đạt trên 4.787 tỷ đồng, tăng trên 117,4 tỷ đồng so với đầu năm.

Những nỗ lực của tập thể chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã góp phần đưa Điên Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp 24/63 tỉnh, thành trong cả nước năm 2022. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem