Ngày 23.8, Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA – thuộc Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 (tại Nha Trang, Khánh Hòa) phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho 50 cháu. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên thực hiện, đã xảy ra tai biến nghiêm trọng.
3/11 bé tử vong
Sáng 25.8, bé Pi Năng Tuấn Hữu (14 tháng tuổi, ở xã Khánh Bình, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) tử vong sau 3 ngày cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, ngày 23 và 24.8, hai bé là Nguyễn Quang Minh (14 tháng tuổi, ở xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa) và bé Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (11 tháng tuổi, ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã lần lượt tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - người trực tiếp gây mê cho cháu Tuấn Hữu và Tuyết Vân, cho biết: Hai cháu này là đầu danh sách gây mê, phát hiện triệu chứng tai biến nên chúng tôi không mổ để cấp cứu. Riêng bé Quang Minh thì đã mổ hoàn chỉnh, khoảng 30 phút sau mới tai biến và lập tức được chuyển viện. Đại tá, bác sĩ Phạm Văn Tiện - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 87 cho biết: Ngày phẫu thuật đầu tiên, đã có 3 trong 11 cháu bị tai biến.
“Cháu Quang Minh có lẽ thuộc dạng phản ứng chậm nên bị tai biến sau khi ca mổ đã hoàn thành”- bác sĩ Tiện nói. Tính đến nay, Bệnh viện Quân y 87 đã 3 lần phối hợp với OSCA thực hiện chương trình này, hai lần trước đã có 80 trẻ được phẫu thuật thành công. Còn theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Phó khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, 3 trẻ được chuyển viện đến đều trong tình trạng rất nguy kịch: Hôn mê sâu, suy, ngưng tuần hoàn, ngừng hô hấp, suy đa tạng, mất hết các phản xạ...
“Đưa con em vô rồi không thấy đưa ra...”
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, bà từng làm bác sĩ khoa Gây mê cấp cứu suốt 36 năm ở các bệnh viện lớn nhưng đây là lần đầu tiên gặp trường hợp tai biến sau gây mê. “Tất cả 11 cháu đều dùng 1 loại thuốc giống nhau. Anh em trong nghề đang nghĩ là quá mẫn (sốc thuốc)…” – bác sĩ Bình rưng rưng.
Tương tự, Giám đốc Bệnh viện Quân y 87 và các bác sĩ Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa đều đưa ra nghi vấn các cháu bị sốc thuốc gây mê. Tuy nhiên, chị Nguyễn Ngọc Tuyết Sương – mẹ của bé Tuyết Vân lại không tin là con mình tử vong vì sốc thuốc.
Chị cho biết: Cách đây 5-6 tháng bé Vân đã được mổ tạo môi tại Bệnh viện Nhi TP. Hồ Chí Minh, không hề bị dị ứng thuốc. Đợt này, cháu tham gia chương trình này để mổ hở hàm ếch. “Thấy con mình được xếp danh sách mổ đầu tiên em đã mừng lắm. Mà em đâu có ngờ, đưa con em vô rồi không thấy đưa con em ra” – chị Sương nghẹn ngào.
Chiều 25.8, bác sĩ Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: Từ trước đến nay tại Khánh Hòa chưa có trường hợp nào báo cáo là bị tai biến do sốc thuốc gây mê. Sở ngay lập tức đã dừng triển khai chương trình này đồng thời yêu cầu OSCA và Bệnh viện Quân y 87 trong ngày 26.8 phải có văn bản báo cáo sự việc để có cơ sở kết luận nguyên nhân.
Ông Lê Tấn Phùng – Trưởng Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn bộ số thuốc sử dụng trong quá trình phẫu thuật đều do Bệnh viện Quân y 87 cung cấp. Qua kiểm tra ban đầu thấy các loại thuốc gây mê đều là thuốc thông dụng, hầu hết bệnh viện nào cũng có sử dụng. Thuốc có hạn sử dụng đến năm 2016 và được cung cấp thông qua đấu thầu (không phải thuốc trôi nổi).
Chiều 25.8, ông Trần Ngọc Khánh - Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra vụ việc, sẽ tiến hành các bước khám nghiệm hiện trường, mổ khám nghiệm tử thi…
Tiềm ẩn rủi ro
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái -Trưởng khoa phẫu thuật chỉnh hình răng hàm mặt - Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội), người thường xuyên tham gia mổ phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch miễn phí cho trẻ em, phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch tuy không quá phức tạp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các cháu bị sứt môi, hở hàm ếch thường có cơ địa yếu và mắc thêm nhiều bệnh tật khác, trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở các bệnh viện địa phương thường không đầy đủ, rất khó xử lý các ca tai biến như co thắt, suy tim cấp, rối loạn đông máu (không có máu để tiếp)… “Do đó, các đơn vị khi đi phẫu thuật từ thiện cần khám sàng lọc kỹ, nên từ chối hoặc chuyển lên bệnh viện tuyến trên đối với các ca khó” - bác sĩ Thái cho biết.
Diệu Linh
Đình chỉ phẫu thuật, làm rõ nguyên nhân tử vong
Về vụ việc 3 trẻ tử vong sau phẫu thuật nụ cười tại Khánh Hòa, ngày 25.8, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã yêu cầu Sở Y tế Khánh Hòa xác minh, xử lý trách nhiệm những cá nhân và tập thể nếu có sai phạm. Đồng thời, đình chỉ chương trình phẫu thuật từ thiện của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA). Bộ Y tế cũng yêu cầu thành lập Hội đồng chuyên môn, đánh giá quy trình phẫu thuật và cấp cứu cho bệnh nhân, làm rõ nguyên nhân tử vong của 3 trẻ, rà soát cơ sở pháp lý, điều kiện thực hiện phẫu thuật, quy trình chuyên môn của OSCA. Tổ chức thăm hỏi động viên, giải thích cho thân nhân gia đình bệnh nhi bị tử vong...
Tuấn Kiệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.