Vụ "bị cướp biển Somalia bắt 4 năm": Vay lãi nóng đi hỏi tin chồng

Hữu Anh Thứ sáu, ngày 18/03/2016 16:00 PM (GMT+7)
Không biết bao nhiêu lần vợ và người thân của thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt phải vay mượn tiền làm lộ phí ra Hà Nội hỏi về tung tích chồng. Nhưng, tất cả chỉ là những lời hứa suông khiến họ mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng suốt 4 năm qua...
Bình luận 0

Nỗi khổ của người vợ

Chúng tôi về tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, TX.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đến nhà thuyền viên Nguyễn Văn Xuân (SN 1981) bị cướp biển bắt giữ đã 4 năm nay khi đi lao động trên tàu cá Đài Loan. Mặc dù làng Hòa Lộc đã lên tổ dân phố, nhưng đa phần người dân ở đây vẫn trông chờ vào mấy sào ruộng. Thấy người lạ vào nhà, 4 mẹ con chị Nguyễn Thị Quỳnh (vợ thuyền viên Xuân) ái ngại nấp phía sau nhà, chúng tôi phải lên tiếng nhiều lần chị Quỳnh mới lấm lét dắt 3 đứa con nhỏ vào.

img

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (bìa trái) cùng các con và bố, mẹ chồng đau đớn không biết anh Xuân hiện còn sống hay đã chết.

“Đã 4 năm 2 tháng rồi kể từ ngày chồng tôi bị cướp biển bắt giữ, mỗi lần hỏi Công ty XKLĐ Vinamotor về tính mạng thuyền viên, công ty đều nói đang đàm phán để giải cứu. Không hiểu họ giải cứu thật không và giải cứu như thế nào, mà đến nay 4 năm chưa có kết quả”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân)

Khi biết chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu về trường hợp thuyền viên Nguyễn Văn Xuân bị cướp biển bắt cóc nhiều năm mà chưa có tung tích gì, chị Quỳnh nhòe lệ kể: “Tội lắm các chú à, lúc nãy thấy các chú đến nhà, tôi tưởng họ đến đòi tiền nợ, chưa có trả đành dắt con ra phía sau nhà tránh mặt. Từ ngày nhận được tin chồng bị cướp biển bắt cóc đến nay đã hơn 4 năm, mẹ con tôi không nhận được tin tức gì của anh Xuân cả. Quá lo lắng, tôi và bố chồng đã 3 lần ra Công ty XKLĐ Vimotor ở Hà Nội để hỏi tin tức chồng, nhưng vẫn chưa có thông tin gì cụ thể”.

Ông Nguyễn Văn Hòa (bố của thuyền viên Xuân) nói: “Vợ chồng tôi ngoài 70 tuổi cả rồi, mỗi lần ra Hà Nội là cả chặng đường gian lao. Ở quê chỉ có 12 thước đất, cuối vụ cũng chỉ được vài ba tạ lúa, con dâu tôi phải đi làm phụ hồ kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ. Vì vậy mỗi lần đi hỏi tin tức thằng Xuân, nó phải đi vay 3 - 4 triệu đồng tiền lãi nóng để làm lộ phí. Có những đợt ra ở 2-3 ngày chờ gặp lãnh đạo công ty XKLĐ hỏi cho ra nhẽ, nhưng hết tiền, tôi và con dâu đành ngủ ngoài hành lang công ty, muỗi cắn sưng người”.

Bà Nguyễn Thị Thủy (mẹ thuyền viên Nguyễn Văn Hạ, ở xóm Quảng Ích, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh) xót xa: “Gia đình tôi đã hơn 5 lần ra Công ty XKLĐ Vinamotor  và ra cả Bộ Ngoại giao để dò hỏi tung tích con. Mỗi lần khăn gói ra Hà Nội là cả một đoạn trường, đến nay chi phí đi lại, ăn uống tốn hàng chục triệu đồng, mà số tiền này phải đi vay mượn mới có, chứ hai ông bà già ở quê ăn uống đang phải chạy vạy từng bữa. Hoàn cảnh quá khó khăn, vợ thằng Hạ phải dắt 3 đứa con về tỉnh Hòa Bình gửi ông, bà ngoại để đi làm nuôi con”.

4 năm trôi qua nhưng vẫn "đang… giải cứu"

Trao đổi với phóng viên, chị Quỳnh ngán ngẩm nói: “Đã 4 năm 2 tháng rồi kể từ ngày chồng tôi bị cướp biển bắt giữ, mỗi lần hỏi Công ty XKLĐ Vinamotor về tính mạng thuyền viên, công ty đều nói đang đàm phán để giải cứu. Không hiểu họ giải cứu thật không và giải cứu như thế nào, mà đến nay 4 năm chưa có kết quả”.

Còn mẹ của thuyền viên Hạ - bà Thủy nói trong nước mắt: “4 năm qua gia đình tôi luôn sống trong bất an, nhiều đêm thức trắng vì lo lắng cho tính mạng con trai”.

img

Gia đình bà Nguyễn Thị Thủy mòn mỏi chờ tin con trong vô vọng.

Bà Thủy kể: Anh Hạ cưới vợ rồi sinh con, 7 người trong nhà mà chỉ có 3 sào ruộng nên làm không đủ ăn. Thấy bạn bè cùng trang lứa đổ xô đi nước ngoài, Hạ nhờ bố mẹ đi vay 12,5 triệu đồng để làm hồ sơ đi XKLĐ. Giấc mơ thoát nghèo đâu chưa thấy, đùng một cái, giữa tháng 4.2012 gia đình nhận được điện thoại con gọi về báo bị cướp biển Somalia bắt, bố mẹ báo với công ty và chủ tàu để chuộc người.

“Lúc đó, tui nghe qua điện thoại mà như sét đánh bên tai. Thương con nóng ruột nóng gan mà nó cứ bặt vô âm tín, tui chẳng có đêm nào ngủ ngon. Nhiều lúc ăn cơm nghĩ đến con trai đang bị đày đọa giữa biển mà tui chẳng nuốt nổi" - bà Thủy thở dài.

Sự lo lắng bất an càng tăng dần kể từ ngày bị bắt đến giữa năm 2013, gia đình tiếp tục nhận được vài ba cuộc điện thoại cụt lủn của con gọi về nói bị bọn cướp biển đánh đập, giam giữ và không cho ăn uống. Bọn cướp biển yêu cầu mỗi người phải nộp 30.000USD mới thả người, còn không đáp ứng bọn chúng sẽ bắn. Từ cuối năm 2013 tới nay, gia đình không nhận được cuộc điện thoại nào của các thuyền viên nữa.

Còn ông Phan Xuân Linh (71 tuổi, ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; bố của thuyền viên Phan Xuân Phương) cho hay: “Thời điểm đó là năm 2012, vợ tôi nghe xong cuộc điện thoại ngắn ngủn của con thì ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu. Sau đó nhiều lần đi hỏi về tin tức con, nhưng bặt vô âm tín. Quá  lo lắng cho tính mạng của con nên vợ tôi ngã bệnh nằm liệt giường đã hơn 2 năm nay”.

Cầu cứu trong vô vọng

Phản ánh với PV, anh Nguyễn Văn Hưng (em trai thuyền viên Hạ) nói: “Ngoài 5 lần bố mẹ, chị dâu khăn gói ra công ty XKLĐ ở Hà Nội cầu cứu, gia đình đã làm đơn, thư trình báo nhiều nơi, gửi đơn đến các ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTBXH, Cục Quản lý lao động ngoài nước…, thậm chí làm đơn cầu cứu đến cả cá nhân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTBXH. Nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì hồi âm về trường hợp thuyền viên bị bắt cóc”.

img

Người thân thuyền viên Hạ đã gửi hàng chục lá đơn đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ, nhưng không có hồi âm.

Anh Hưng chia sẻ thêm: “Mới đây nhất, đầu tháng 12.2015, gia đình tôi ra Công ty XKLĐ Vinamotor tiếp tục hỏi thì phía công ty trả lời "Hiện các thuyền viên còn sống, gia đình cứ từ từ để giải quyết chứ đừng thông tin cho báo chí sẽ  ảnh hưởng đến các thuyền viên bị bắt và quá trình đàm phán để giải cứu", nên gia đình tôi chỉ biết ngóng tin từ phía công ty”.

Vợ của thuyền viên Xuân vừa kể vừa đưa chiếc túi bóng dày cộp đựng các giấy tờ như hợp đồng lao động và hàng chục lá đơn cầu cứu từ năm 2013 đến nay gửi các cơ quan chức năng và bộ, ngành.

“…Kể từ thời điểm bị bắt đến nay đã 4 năm, nhưng chồng tôi vẫn chưa được giải cứu. Tôi làm đơn này cầu cứu đến quý ông Bộ trưởng, quý bà Bộ trưởng và lãnh đạo ban ngành xem xét, phối hợp tìm cách giải cứu chồng tôi về đoàn tụ với gia đình. Hằng ngày 3 đứa con tôi luôn hỏi "bố khi nào về hả mẹ?" làm cho tôi càng thêm đau đớn và sầu thảm…” - đó là nội dung một trong hàng chục lá đơn mà chị Quỳnh đã gửi đến cơ quan chức năng.

Chị Quỳnh không giấu giếm: “Mỗi năm cứ đến Tết, Công ty XKLĐ Vinamotor lại gửi về 5 triệu đồng nói là quà tết hỗ trợ cho gia đình thuyền viên. Số tiền này đối với những người nông dân như gia đình tôi là rất lớn, nhưng cũng chẳng sung sướng gì khi tính mạng chồng mình chưa biết còn sống hay đã chết, trước sự im lặng đáng sợ của các cơ quan liên quan”.

Chị Trần Thị Lĩnh (hàng xóm của thuyền viên Xuân) nói: “Hoàn cảnh vợ chồng chị Quỳnh rất đáng thương, lúc chồng đi XKLĐ, đứa con đầu mới học lớp 1, đứa út chưa đầy 7 tháng tuổi. Nay vợ con nheo nhóc, nhà cửa tan hoang, phải chạy ăn từng bữa. Nhiều khi phải nhờ hàng xóm láng giềng cho bát gạo, củ khoai. Trong nhà, tài sản giá trị nhất là con bò được hội chữ thập đỏ hỗ trợ...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem