Sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh
Về vụ “Giá bồi thường 1m2 đất gần trung tâm thành phố không bằng tô bún”, UBND TP.Huế vừa trả lời nội dung phản ánh của Báo Dân Việt về vụ việc này.
Theo nội dung trả lời của UBND TP.Huế, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất bởi hạng mục xây dựng bể chứa nước sạch Quảng Tế 3 (phường Thủy Xuân, TP.Huế) đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan này. Hiện UBND TP.Huế đã chỉ đạo Phòng TNMT thụ lý đơn và phòng này đang thẩm tra, xác minh, làm việc với các đơn vị có liên quan bổ sung hoàn thiện hồ sơ để tham mưu UBND TP.Huế giải quyết đơn theo đúng quy định pháp luật.
Việc được áp giá đền bù đất quá thấp khiến những hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình bể chứa nước sạch Quảng Tế 3 không chịu giao đất và nhận tiền bồi thường.
UBND TP.Huế cho biết, trong quá trình giải quyết khiếu nại của người dân, chính quyền thành phố sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Về việc người dân bức xúc vì được bồi thường đất với giá quá “bèo”, UBND TP.Huế cho rằng việc áp giá bồi thường đất nông nghiệp thu hồi bởi công trình căn cứ theo 2 quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đó là Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 về việc ban hành ban hành bảng giá đất trên địa bàn tỉnh áp dụng trong thời gian 5 năm (2015 - 2019).
Theo UBND TP.Huế, căn cứ vào 2 quyết định trên, việc áp giá bồi thường về đất nông nghiệp cho người dân với giá 23.300đồng/m2 là đúng quy định.
Về việc nhiều hộ dân có đất nông nghiệp sử dụng ổn định trên 40 năm nhưng không được bồi thường, UBND TP.Huế giải thích rằng do những hộ dân này không đủ điều kiện được bồi thường.
UBND TP.Huế thông tin, trong phạm vi dự án có 12 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp hơn 40 năm nhưng không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất và không đăng ký tên chủ sử dụng đất tại hồ sơ đăng ký qua các thời kỳ, nên không đủ điều kiện được bồi thường về đất.
Các lý do cụ thể UBND TP.Huế đưa ra là tại bản đồ 299, đo vẽ năm 1985-1989, phần diện tích đất này thể hiện tên Công ty Đường sắt; còn bản đồ địa chính phường Thủy Xuân đo vẽ năm 1998 (bản đồ 202) phần diện tích đất này thể hiện tên UBND phường Thủy Xuân.
Dân không đồng tình
Trao đổi với PV về nội dung trả lời trên của UBND TP.Huế, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho rằng những nội dung trả lời này không thuyết phục nên họ không đồng tình. Về áp giá bồi thường đất nông nghiệp, theo người dân, việc áp dụng khung giá 23.300 đồng/m2 là không phản ánh đúng thực trạng về đất hiện hữu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Theo ông Võ Quang Bằng (người đại diện theo ủy quyền của nhiều hộ dân có đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án), chiếu theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, đất nông nghiệp của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là đất đang sử dụng ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép nên được xác định theo hiện trạng đang sử dụng. Như vậy, người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trong trường hợp này phải được bồi thường về giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm.
Người dân đồng loạt gửi đơn khiếu nại việc UBND TP.Huế áp giá đền bù đất quá thấp và việc nhiều diện tích đất bị thu hồi nhưng không được bồi thường.
Cũng theo ông Bằng, giữa khung giá đất nông nghiệp của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế so với giá đất thực tế người dân chuyển nhượng có vị trí tương tự trong khu vực chênh lệch nhau gần 100 lần. Vì vậy cần xác định giá đất theo hướng trung bình của 3 giá đất, gồm khung giá của Chính phủ, giá thị trường và khung giá của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Theo cách tính này, đất nông nghiệp của người dân phải được bồi thường với mức giá 1.010.013 đồng/m2 khi bị thu hồi. Cụ thể, lấy 99.750 đồng/m2 (khung giá đất của Chính phủ) cộng 2.900.000 đồng/m2 (giá đất thị trường) và cộng 30.290 đồng/m2 (khung giá của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế) sau đó chia 3 sẽ cho kết quả 1.010.013 đồng/m2.
Lý do không bồi thường nhiều diện tích đất nông nghiệp mà UBND TP.Huế đưa ra cũng bị người dân cho là không thỏa đáng. Theo các hộ dân, đa số những diện tích đất không được bồi thường này họ đều khai hoang, phục hóa và canh tác từ trước năm 1963, số ít còn lại được chính quyền giao đất canh tác vào năm 1976. Người dân canh tác, sử dụng đất này đều thực hiện kê khai đất theo sổ mục kê khai và theo Chỉ thị 299/CT-TTg nhưng đến nay không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân khẳng định, chiếu theo quy định, lẽ ra họ phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích đất này mà không phải nộp tiền sử dụng đất, do đất được giao trước Hiến pháp 1980. Vì vậy, việc UBND TP.Huế không bồi thường khi thu hồi những diện tích đất này là thực hiện không đúng pháp luật.
Ngoài ra, theo người dân, Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên- Huế, chủ đầu tư dự án, là một doanh nghiệp và việc thu hồi đất không phải để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc mục đích đặc biệt khác. Do đó, giá bồi thường về đất, tài sản trên đất phải do người dân có đất bị thu hồi và doanh nghiệp tự thỏa thuận, Nhà nước chỉ chấp thuận về chủ trương thu hồi đất.
Trên cơ sở đó, người dân đề nghị Phòng TNMT TP.Huế cần tham mưu UBND TP.Huế báo cáo UBND tỉnh và giao chủ đầu tư dự án tự thỏa thuận, chuyển nhượng đất của người dân đang sử dụng đất theo đúng quy định.
Như Dân Việt đã phản ánh, ngày 21/12/2018, UBND TP.Huế ban hành Quyết định số 6211/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện công trình bể chứa nước sạch Quảng Tế 3 (phường Thủy Xuân, TP.Huế). Việc triển khai công trình khiến 43 hộ dân sinh sống ở các tổ 16 và 17 phường Thủy Xuân bị ảnh hưởng do bị thu hồi 37.440,2m² đất.
Từ khi UBND TP.Huế ban hành quyết định trên, các hộ dân này bức xúc do được áp giá đền bù đất quá thấp. Gia đình ông Lê Văn Nhuận (tổ 16) có 298,4m2 đất nông nghiệp (thửa đất số 75) bị thu hồi để thực hiện công trình. Mặc dù bị thu hồi diện tích đất lớn như trên nhưng gia đình ông Nhuận chỉ được bồi thường về đất vỏn vẹn 13.905.000 đồng. Nguyên nhân là do chính quyền tính đơn giá bồi thường về đất nông nghiệp chỉ 23.300 đồng/m2. “Giá một tô bún bình thường ở TP.Huế hiện đã là 25.000 đồng, nên tiền bồi thường 1m2 đất chưa đủ để ăn một tô bún”- ông Lê Văn Nhuận bức xúc.
Bên cạnh bức xúc trước việc chính quyền đền bù đất nông nghiệp và đất ở với giá “bèo”, nhiều hộ dân còn không đồng tình trước tình trạng đất bị thu hồi nhưng không được bồi thường dù họ đã sử dụng đất ổn định trên 40 năm.
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Huyền- cán bộ địa chính UBND phường Thủy Xuân- cho biết: Hiện người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải tỏa do không đồng tình trước việc áp giá bồi thường thấp và nhiều diện tích đất không được bồi thường.
Theo bà Huyền, những điện tích đất bị thu hồi bởi dự án được người dân sử dụng ổn định từ trước năm 1975 đến nay, trong đó gồm những diện tích đất không được bồi thường. Những diện tích đất không được bồi thường có hồ sơ địa chính, có số thửa, diện tích đúng như người dân đang sử dụng, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà Huyền cho hay, trong các cuộc làm việc với thành phố, phường nhiều lần kiến nghị xem xét lại việc áp giá bồi thường đất cũng như việc nhiều hộ dân không được bồi thường khi bị thu hồi đất để tránh thiệt thòi cho dân. Tuy nhiên, khả năng của phường là chỉ có thể kiến nghị, bởi cơ quan quyết định việc bồi thường là UBND TP.Huế.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.