Vụ chuyến bay giải cứu: Việc nhận hối lộ xảy ra tại 4 bộ, 2 tỉnh, 5 cơ quan ngoại giao

Gia Bình Thứ ba, ngày 04/04/2023 13:58 PM (GMT+7)
Những “chuyến bay giải cứu” trong dịp Covid bùng phát bị lợi dụng để trục lợi. Sai phạm này xảy ra tại Văn phòng Chính phủ cùng 4 bộ, 2 tỉnh thành và 5 cơ quan lãnh sự của Việt Nam.
Bình luận 0

Năm 2020, ông Phạm Bình Minh, khi đó là Phó thủ tướng cho phép tổ chức chuyến bay thương mại, đưa công dân về nước tránh dịch Covid. Tuy nhiên, việc này bị dừng do gặp khó khăn về cách ly tại địa phương.

Một Phó thủ tướng khác khi đó là ông Vũ Đức Đam với tư cách Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid đã cho phép tổ chức các chuyến bay công dân tự nguyện trả phí về nước (chuyến bay combo).

Vụ chuyến bay giải cứu: Việc nhận hối lộ xảy ra tại 4 bộ, 2 tỉnh, 5 cơ quan ngoại giao - Ảnh 1.

Hàng nghìn chuyến bay giải cứu đã được tổ chức dịp Covid bùng phát. Ảnh: VNA.

Việc tổ chức chuyến bay Combo do Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế, Giao thông – Vận tải tổ chức; còn các tỉnh thành phụ trách cách ly công dân.

Doanh nghiệp muốn cấp phép chuyến bay combo phải xin chủ trương cách ly từ các tỉnh thành rồi nộp tới Bộ Ngoại giao. Hồ sơ tiếp đến được tổ công tác của các bộ thẩm định, trình Văn phòng Chính phủ.

Theo kết luận điều tra ban hành ngày 3/4, việc tổ chức các chuyến bay giải cứu đã bị lợi dụng với mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân. Các bị can đã đưa - nhận hối lộ, vi phạm quy định của Nhà nước. Khi vụ án được điều tra, điều tra viên chính trong vụ còn lừa đảo, nhận tiền "chạy án".

Các sai phạm tại Bộ Quốc phòng được tách hồ sơ để cơ quan tố tụng quân đội xử lý. Tại kết luận lần này, phía An ninh điều tra đề nghị xử lý hình sự các quan chức, nhân viên của Văn phòng Chính phủ cùng 4 bộ, 2 tỉnh thành và 5 cơ quan ngoại giao.

Tại Văn phòng Chính phủ có 4 bị can chịu cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng gần 15 tỷ đồng. Nhiều nhất là Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, nhận 4,2 tỷ đồng. Nhóm này có vi phạm trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ chuyến bay giải cứu, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp trục lợi.

Bộ Ngoại giao cũng có 5 cán bộ bị cáo buộc "Nhận hối lộ" trong đó cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng "cầm" 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thân quen. Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận 25,8 tỷ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng nhận 12,2 tỷ; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh văn phòng cục nhận 1,8 tỷ và Lưu Tuấn Dũng, cựu Phó phòng bảo hộ công dân, nhận 527 triệu.

Ngoài ra, có 5 bị can là đại điện ngoại giao cũng bị cáo buộc nhận hối lộ gồm Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ tại Nhật Bản, nhận 1,8 tỷ đồng; Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự tại Osaka, hơn 2 tỷ; Lý Tiến Hùng, cán bộ Đại sứ quán tại Nga, nhận 437 triệu; Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ tại Angola, 864 triệu; Trần Việt Thái, cựu Đại sứ tai Malaysia, nhận 11,6 tỷ đồng.

Các thuộc cấp của ông Thái tại Malaysia cũng nhận hối lộ gồm Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh cùng mức 11,6 tỷ đồng; Đặng Minh Phương, hơn 6 tỷ đồng.

Tại Bộ Y tế, bị can Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bị cáo buộc nhận hối lộ tới 42,6 tỷ đồng khi "tạo điều kiện" cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu. Hiện tại, Kiên đã trả lại 12,2 tỷ trong số này cho các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải có 2 người bị cáo buộc nhận hối lộ gồm Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ hợp tác quốc tế, nhận 1,7 tỷ đồng và Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải Hàng không, 1,9 tỷ đồng. Họ bị cáo buộc trục lợi trong quá trình tham mưu, xét duyệt các chuyến bay giải cứu của một số doanh nghiệp.

Ở Bộ Công an, có 3 cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh bị cáo buộc nhận hối lộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay combo. Trong đó, cựu Phó cục trưởng Trần Văn Dự nhận 7,6 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu, hơn 27 tỷ và cán bộ Vũ Sỹ Cường nhận hơn 9,3 tỷ.

Khi vụ án được điều tra, cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, còn nhận hơn 2,6 triệu USD để "chạy án" cho 2 bị can là lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Tuấn đưa 800.000 USD trong số này cho Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra kiêm điều tra viên chính của vụ án. Hưng đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền này.

Ngoài các bộ và cơ quan ngang bộ, lãnh đạo Hà Nội và Quảng Nam cũng bị cáo buộc nhận hối lộ. Trong đó, ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhận hơn 2 tỷ đồng khi duyệt chủ trương cách ly cho 5 doanh nghiệp. Còn Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ một doanh nghiệp thực hiện cách ly, bay giải cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem