Hình ảnh 2 người đàn ông khênh xác bệnh nhân nhiễm HIV tử vong về nhà.
Chiều 11/12, hình ảnh hai người đàn ông khiêng, một người khác đi sau thi thể người thân được cuốn chiếu trên đường và vừa đi vừa khóc trên một trang mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận.
Theo chia sẻ, hình ảnh này được chụp tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình và tử thi được đưa từ Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn về nhà.
Liên quan đến vấn đề vận chuyển bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh HIV/AIDS, PGS.TS. BS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hành động trên hoàn toàn vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường, làm tăng nguy cơ phát tán nguồn gây bệnh ra môi trường sống.
“Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình khẩn trương vào cuộc xác minh và có báo cáo chi tiết bằng văn bản về sự việc này”, ông Khuê nói.
Ông Khuê nói tiếp: “Khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện phải có có xe tang đi theo bảo vệ vệ sinh môi trường, theo quy định”.
Cũng theo ông Khuê, Bộ Y tế đã hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng người chết do HIV/AIDS thuộc các bệnh truyền nhiễm nhóm B. Thi hài khi vận chuyển phải được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được vận chuyển bằng phương tiện riêng. Nếu vận chuyển bằng phương tiện vận tải giao thông đường không, đường thủy, đường biển hoặc đường sắt thi hài phải được đặt ở buồng riêng và kín.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế
Ngoài ra, hiện nay cũng không có quy định bắt buộc bệnh viện phải có trách nhiệm vận chuyển tử thi mà chỉ có hỗ trợ xe (tùy từng điều kiện của bệnh viện). Vì bệnh viện phải ưu tiên đảm bảo xe cứu thương để phục vụ bệnh nhân sống, nên việc có hỗ trợ bệnh nhân tử vong tùy thuộc khả năng bệnh viện có dư xe hay không.
“Rút kinh nghiệm từ sự việc tương tự từng xảy ra tại tỉnh Sơn La hồi tháng 9, Bộ đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ về quy định vận chuyển người bệnh đã tử vong về nhà. Nhất là đối với các trường hợp bệnh nhân nghèo”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Trong trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa, trước khi vận chuyển, thi hài phải được khâm liệm theo quy định.
Về quy định giải quyết bệnh nhân tử vong, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, thông thường việc mai táng người bệnh tử vong do gia đình người bệnh thực hiện. Nếu người bệnh tử vong mắc các bệnh truyền nhiễm phải được tẩy uế, tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Vanh – GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cho biết, bệnh nhân tử vong ở viện, chúng tôi có đề nghị đưa tử thi bệnh nhân xuống nhà xác, làm thủ tục để cho xe đưa bệnh nhân về, nhưng do tính chất nhạy cảm, nên gia đình đã nhờ hàng xóm đến đưa về và mai táng theo phong tục địa phương.
GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn nói : “Chúng tôi cũng thấy việc cuốn chiếu, khiêng thi thể về là rất phản cảm nhưng gia đình họ ở gần bệnh viện, chỉ cách khoảng hơn 1km, lại quyết tự đưa về nên cũng rất khó”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.