Vụ phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên: Có thể xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm
Vụ phá rừng pơ mu Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Có thể xem xét xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm
Lam Anh - Văn Hoàng
Chủ nhật, ngày 09/05/2021 09:23 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt về vụ việc phá Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam - cho biết: "Tùy vào mức độ vi phạm có thể xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính".
Sau khi tìm hiểu loạt bài "Phá rừng pơ mu Vườn quốc gia Hoàng Liên do Dân Việt phản ánh", ông Dũng nói: "Giờ cần kiểm tra để biết được chính xác mức độ vi phạm của vụ việc, tỉnh sẽ nắm thông tin và đưa ra hướng xử lý vụ việc đó. Có cả hai hình thức xử lý liên quan đến diện tích và khối lượng, ở đây kết hợp cả hai".
Trao đổi với PV Dân Việt ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đã giao cho ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Tuy nhiên, sáng 6/5 trao đổi với Dân Việt ông Nghĩa cho biết: "Mình chưa thấy có thông tin nào phá rừng pơ mu ở Lào Cai cả. Có gì liên hệ với Văn phòng Tổng cục hoặc Cục Kiểm lâm".
Còn ông Trần Thế Liên, Chánh văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp - cho biết đã nắm được thông tin phản ánh qua thông tin điểm báo của Tổng cục. Theo quy chế phát ngôn thì lãnh đạo Tổng cục sẽ trả lời.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên - cho biết: Nếu công nhận các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia có những giá trị đa dạng sinh học mang tầm quốc gia, toàn cầu, thì việc giao các VQG Hoàng Liên về cho địa phương quản lý có vẻ chưa hợp lý. Bởi tôi nghĩ hệ thống này, nếu công nhận những giá trị to lớn của nó như trong tất cả hồ sơ khi thành lập nêu ra, thì nên được quản lý tập trung bởi một cơ quan đủ tầm ở cấp trung ương, ở cấp trung ương mới có khả năng điều phối nguồn lực, tài chính để đảm bảo cho hệ thống VQG hoạt động đúng chức năng, vai trò và giá trị của nó".
Ông Hoàng Quốc Bảo, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai nói: "Tôi đã đọc hết các bài mà Báo Dân Việt phản ánh rất xác đáng".
Theo đó, tại điểm E, Khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 quy định về tội phạm khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định rằng: Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 3m3 đến dưới 8m3 gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 1m3 đến dưới 3m3 gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ06 tháng đến 3 năm.
Phạm tội Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 8m3 đến dưới 15m3 gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 3m3 đến dưới 10m3 gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên 15 m3 trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 10 m3 trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Điểm D khoản 1 Điều 243 Bộ Luật hình sự 2015 và sửa đổi năm 2017 quy định rõ Tội hủy hoại rừng như sau: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng đặc dụng có diện tích từ trên 1.000m2 đến dưới 3.000m2 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Tại điểm G, Khoản 2. Phạm tội hủy hoại Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 m2 đến dưới 5.000 m2 thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Ngoài xử lý theo quy định của Luật hình sự, theo quy định của pháp luật, trường hợp Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp do Nhà nước quản lý có nhiệm vụ được giao là đại diện Nhà nước quản lý, bảo vệ rừng nhưng có vi phạm, không thực hiện trách nhiệm để khai thác hoặc phá rừng trái pháp luật trên diện tích được giao thì Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ đó sẽ bị xem xét, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm về việc thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao theo quy định tại Điều 1 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013.
Tại Điều 1, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/06/2012 được hướng dẫn bởi Điều 1 Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP
Nêu rõ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính,
"Điều 1: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính".
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
4. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan."
Tại Điều 78 Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 nêu rõ các hình thức kỷ luật cán bộ
1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Bãi nhiệm.
2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.
3. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
4. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tin cùng chủ đề: Cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Vui lòng nhập nội dung bình luận.