Mâu thuẫn cấp dưới
Trả lời câu hỏi “Có hay không việc tránh né, không giải đáp thắc mắc của các cổ đông liên quan tới tình hình tài chính doanh nghiệp, thu nhập của Chủ tịch HĐQT tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, ông Long cho biết: “Tôi vẫn đọc báo cáo giữa các thành viên của HĐQT. Nội dung cuộc họp đã được thông báo đầy đủ. Riêng chương trình nghị sự, khi bước vào cuộc họp đều được tất cả các thành viên thông qua”.
Tuy vậy, trên thực tế theo tài liệu PV có được, các câu chất vấn của cổ đông trong Đại hội cổ đông thuộc nội dung báo cáo thường niên của công ty nhưng đều bị ông Long bỏ qua. Báo cáo của HĐQT cũng rất sơ sài, chưa đúng và đủ theo quy định điều lệ công ty (Điều 35) về kinh doanh, tài chính và lợi nhuận. Mức thu nhập của Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT đều là nội dung phải báo cáo thường niên nhưng cũng không được thể hiện đầy đủ.
Trong phần trả lời của mình, ông Long cũng cho rằng những người đứng đơn tố cáo ông đều là do thù ghét với ông. Cụ thể, với ông Phạm Đào Hiếu, ông Long cho biết ông này trước đây là trưởng phòng, nhưng do phòng của ông Hiếu hoạt động không hiệu quả nên bị sáp nhập. Ông Hiếu đã cùng nhiều nhân viên khác của phòng ông Hiếu trước đây tự xin chấm dứt hợp đồng lao động ra ngoài thành lập công ty riêng.
Tuy vậy, theo tìm hiểu của PV, ông Phạm Đào Hiếu (chỉ là Phó phòng chứ không phải Trưởng phòng của Vietrans) đang làm việc tại Phòng Vận tải quốc tế khá hiệu quả, tuy nhiên ông Long đã xoá bỏ phòng và không thanh toán tiền thưởng nhiều năm lên tới cả tỷ đồng. Tập thể cán bộ nhân viên phòng đã có đơn kiến nghị yêu cầu ông Long phải trả tiền thưởng từ năm 2011 – 2015, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Hiện đơn vị ông Hiếu đang làm việc không phải là công ty riêng mà được thành lập theo quyết định của chính ông Thái Duy Long. Thực tế, tại Công ty này Vietrans đóng tới 20% cổ phần và chính ông Long đang làm Chủ tịch HĐQT, nhận thù lao 5 triệu đồng/tháng.
Về trường hợp ông Bùi Thế Độ, ông Thái Duy Long cho rằng khi công ty tiến hành tái bổ nhiệm, do ông Độ không có đủ số phiếu nên sinh ra thù ghét ông Long. Nhưng trên thực tế, khi bổ nhiệm lại ông Độ, ông Long đã gọi từng cán bộ lên phải chỉ đạo gạch bỏ ông Độ. Chính ông Phạm Đào Hiếu và ông Hoàng Tiến Sơn là 2 người trong số được ông Long gọi lên chỉ đạo gạch bỏ ông Độ đã xác nhận điều này.
Trụ sở Vietrans tại 15Bis Lý Nam Đế (Hà Nội). Ảnh: PV
Trả lời loanh quanh
Với câu hỏi “tại sao trước khi thành lập các công ty con tại Công ty liên doanh Bông Sen và Công ty CP Sài Gòn không thông báo cho CBNV, không công khai việc đầu tư và mục đích đầu tư?”, ông Long giải thích rằng do đó là những công ty có pháp nhân riêng, không hề liên quan tới hoạt động của Vietrans. Nhân viên của công ty ở Hà Nội không ai có cổ phần ở hai công ty đó, cổ phần của họ đều là của Nhà nước. Thực tế, đây đều là các công ty con, công ty cháu, nhánh, là các đơn vị logistics trực tiếp liên quan đến hoạt động cảng biển và nghiệp vụ của Vietrans, Vietrans góp vốn trực tiếp phần lớn hoặc gián tiếp.
Như Công ty CP hàng hải Bông Sen là công ty CP nhưng vốn góp từ liên danh của Vietrans và Lotus, chủ yếu khai thác các dịch vụ từ cảng Lotus của Vietrans. Hay Công ty CP Xây dựng Vietrans C.I.E cũng là vốn góp lớn từ Vietrans nhưng chưa bao giờ ông Long thông báo với cổ đông về việc mở công ty này. Điều hành và hoạt động do người thân của ông là ông Nguyễn Văn Khánh.
Ông Long cũng khẳng định việc ông đã quá tuổi (64 tuổi) nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, TGĐ của Vietrans là do tại Đại hội Cổ đông năm 2012, ông vẫn được bầu làm Chủ tịch HĐQT nên phải làm tới hết nhiệm kỳ. Ngoài ra, theo ông Long, vì Vietrans là công ty CP nên không chịu sự chi phối của Luật cán bộ, công chức, nếu còn sức khỏe và được cổ đông tín nhiệm vẫn có thể tiếp tục công tác vì ông không phải là cán bộ, công chức của Bộ Công Thương.
Một nghịch lý là ông Long dù không phải là công chức Bộ Công Thương nhưng lại được đại diện vốn của Vietrans (gần 99,5% vốn trong công ty Vietrans là của Nhà nước). Đó là chưa kể, với một đơn vị có vốn góp từ Nhà nước trên 50% thì theo Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ 1.7.2015), không được kiêm 2 chức vừa Chủ tịch vừa Tổng Giám đốc như ông Thái Duy Long.
Về việc bổ nhiệm người thân làm lãnh đạo của Công ty, được biết Thái Duy Đức (cháu ruột ông Long) trước khi ông Long làm Tổng Giám đốc chỉ là 1 cán bộ bình thường. Nhưng khi ông Long lên làm Chủ tịch kiểm Tổng Giám đốc thì ngay sau đó đã cất nhắc ông Đức lên làm Trưởng Phòng xuất nhập khẩu.
Về tòa nhà trụ sở mới xây tại 15 Bis Lý Nam Đế, theo tìm hiểu, toà nhà có diện tích mặt bằng khoảng gần 400m4 (nhưng chỉ xây dựng cho 212m2) với 9 tầng nổi và 1 tầng hầm, 1 lửng, nhưng kinh phí xây dựng hết hơn 80 tỷ đồng. Nhưng điều khó hiểu là khi phải bỏ ra số tiền lớn như vậy để xây trụ sở (trong đó có vay ngân hàng một nửa, một nửa là tiền của Công ty như ông Long thừa nhận), tuy nhiên, tiền cho thuê tòa nhà chỉ 3 tỷ đồng/năm. Như vậy, lợi nhuận tính ra 3%/năm, không đủ trả lãi suất ngân hàng chưa kể khấu hao.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.