Vụ tranh chấp BVĐK Hòa Bình: VKS đề nghị hủy yêu cầu khởi kiện

Đình Việt Thứ sáu, ngày 25/10/2019 17:32 PM (GMT+7)
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Huân. Đồng thời đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tuyên hủy các biên bản được ban hành sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 24/12/2018.
Bình luận 0

Kiện ra tòa vì cho rằng quyền lợi bị xâm phạm

Ngày 24/10, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải bài viết: “Hải Dương: Tranh chấp sở hữu, bệnh viện bị quấy rối”. Bài viết phản ánh thông tin, trong quá trình tái cấu trúc Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, có địa chỉ tại phường Hải Tân, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), một cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông vào tháng 12/2018 đã được tổ chức sau khi một cổ đông là ông Vũ Văn Khoa phát hiện một số cổ đông sáng lập khai khống vốn điều lệ dẫn tới việc bệnh viện này bị cơ quan thuế tỉnh Hải Dương truy thu và xử phạt tiền thuế.

img

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: HĐ

Tại cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông này, bà Nguyễn Thị Thu Trang được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện. Hội đồng quản trị bệnh viện sau đó ban hành 1 biên bản cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông và 5 nghị quyết.

Sau khi cuộc họp này diễn ra, cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm nên ông Nguyễn Đức Huân, một trong ba cổ đông sáng lập Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã làm đơn khởi kiện Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của bệnh viện này là bà Nguyễn Thị Thu Trang cùng cổ đông Vũ Văn Khoa.

Ngày 24/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức phiên xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên.

Tại phiên tòa, luật sư đại diện của ông Nguyễn Đức Huân cho rằng, ông Vũ Văn Khoa triệu tập cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông vào ngày 24/12/2018 là vi phạm nghiêm trọng Khoản 1, Điều 141, Luật Doanh nghiệp 2014 và vi phạm Khoản 1, Điều 40 Điều lệ công ty.

Luật sư của ông Huân đề nghị HĐXX tuyên hành vi tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vào tháng 12/2018 là trái pháp luật và tuyên hủy 6 văn bản (gồm 1 biên bản cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông và 5 nghị quyết của Hội đồng quản trị đề cập ở trên).

Trong khi đó, luật sư của ông Vũ Văn Khoa và bà Nguyễn Thị Thu Trang đã bác bỏ toàn bộ những cáo buộc trên và khẳng định cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đã được tiến hành đúng trình tự pháp luật. Năm 2017, ông Vũ Văn Khoa mua lại cổ phần tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và trở thành cổ đông.

Ông Khoa sau đó phát hiện ra việc nâng khống vốn điều lệ và đã yêu cầu Hội đồng quản trị làm rõ thông tin nhưng không được đáp ứng. Sau đó, ông Khoa đã thực hiện quyền của cổ đông để triệu tập cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông vào tháng 12/2018. Cuộc họp này có sự tham dự của những cổ đông góp vốn thực và tổng số cổ đông tham dự nắm hơn 65% số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó cuộc họp đã được tiến hành đúng pháp luật.

Ở thời điểm thành lập Công ty năm 2002, Công ty có vốn điều lệ do 3 cổ đông sáng lập góp là 1,85 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2008, theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiếm toán - tư vấn định giá ACC Việt Nam, vốn góp chủ sử hữu từ 3 cổ đông sáng lập đạt 7,1 tỷ đồng.

Từ tháng 1/2007 đến tháng 2/2008, Công ty đã tiếp nhận thêm 9,6 tỷ đồng vốn góp từ 4 cổ đông mới. Như vậy vốn góp chủ sở hữu của tất cả các cổ đông 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2008, khi kết nạp các cổ đông mới, 3 cổ đông sáng lập đã đăng ký lại cho Công ty số vốn điều lệ là 27.735 tỷ đồng, chênh lệch với số vốn góp thực tế là 11,035 tỷ đồng.

Số tiền nâng khống này sau đó được quy đổi thành cổ phần chia đều cho 3 cổ đông sáng lập (gồm ông Nguyễn Đức Huân, bà Phạm Thị Chiển, ông Trần Văn Thắng).

img

Bệnh viện đa khoa Hòa Bình nơi đang xảy ra tranh chấp. Ảnh: Đình Việt

Tại phiên tòa ngày 24/10, phía nguyên đơn không đưa ra được bất cứ một cơ sở pháp lý nào để chứng minh việc 3 cổ đông sáng lập tự ý nâng khống 11,035 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ của Công ty lên 27,735 tỷ đồng là đúng.

Luật sư phía bị đơn cho rằng, luật sư phía nguyên đơn đã đánh tráo khái niệm giữa vốn góp của cổ đông và vốn chủ sở hữu. Việc các cổ đông tự định giá tài sản đất của công ty chỉ là thỏa thuận giữa các cổ đông, không dựa trên bất kỳ căn cứ nào.

Đề nghị bác yêu cầu khởi kiện 

Nêu quan điểm tại tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Hải Dương cho rằng: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như thông báo số 64/TB-UBND ngày 11/8/2004 của UBND tỉnh Hải Dương về việc chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và văn bản về việc đồng ý cho Công ty Nam Cường chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Hòa Bình.

Sau đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Hải Dương cấp ngày 12/10/2005 cũng đứng tên Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình... Vậy nên, phải xác định mảnh đất đó là tài sản của Công ty, không phải là tài sản riêng của bất cứ cá nhân nào.

Việc các cổ đông tự thỏa thuận với nhau để định giá mảnh đất đó trị giá 18,135 tỷ đồng vào ngày 2/1/2010, trừ đi số vốn là 7,1 tỷ đồng đã góp trước đó, còn lại 11,035 tỷ đồng coi như là vốn góp bổ sung của 3 cổ đông sáng lập là không đúng quy định của pháp luật…

Việc ông Khoa với tư cách một cổ đông nắm giữ hơn 10% cổ phần triệu tập cuộc họp bất thường ĐHĐCĐ là đúng pháp luật. Việc bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT lập sổ cổ đông và danh sách cổ đông trên cơ sở số vốn góp thực tế của mỗi người là hoàn toàn đúng pháp luật…

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Hải Dương cho rằng không có căn cứ để chấp thuận các yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn và đề nghị HĐXX TAND tỉnh Hải Dương bác các yêu cầu của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương xác định ông Vũ Văn Khoa tiến hành triệu tập phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông ngày 24/12/2018 là có căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ công ty.

Đối với nội dung cáo buộc ông Vũ Văn Khoa tổ chức cuộc họp khi chỉ có 44,52% số cổ phần có quyền biểu quyết tham gia là trái quy định pháp luật, đại diện viện kiểm sát căn cứ vào các kết quả kiểm toán, hồ sơ thuế và báo cáo tài chính của công ty đã xác định số vốn thực góp của các cổ đông chỉ là 16,7 tỷ đồng chứ không phải là 27,735 tỷ đồng.

Do đó tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết phải dựa vào số vốn góp thực tế để làm căn cứ tính toán. Vì vậy, tại cuộc họp bất thường Đại hội đồng cổ đông ngày 24/12/2018 đã có trên 65% cổ đông có quyền biểu quyết tham gia là hợp lệ.

Vì vậy đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Huân. Đồng thời đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tuyên hủy các biên bản được ban hành sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 24/12/2018.

Trong khi đó, HĐXX cho rằng vụ án có một số tình tiết phức tạp, cần có thời gian để đánh giá. Vì vậy, tòa sẽ nghị án và bản án sẽ được tuyên vào hồi 9h30 ngày 30/10.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem