Một vùng đất cổ ở Quảng Ngãi có nghề phơi nước biển trên đá nóng từ hơn 2.000 năm trước

Thứ sáu, ngày 26/07/2024 05:48 AM (GMT+7)
Ở Việt Nam, cư dân Văn hóa Sa Huỳnh đã đạt đến trình độ đỉnh cao trong rèn luyện sắt, nấu đúc thủy tinh, nên đương nhiên họ biết đến nghề làm muối từ rất sớm.
Bình luận 0

Các nghiên cứu khảo cổ, dân tộc học đã chứng minh người cổ đại tạo ra muối thông qua sự bốc hơi nước nhờ mặt trời hoặc đun sôi nước muối. 

Và trong hầu hết các trường hợp, đặc biệt là ở thời tiền sử ở Châu Âu và Châu Á, nước muối được lấy từ nước muối nội địa suối và hồ có độ mặn cao. 

Ở Việt Nam, cư dân Văn hóa Sa Huỳnh đã đạt đến trình độ đỉnh cao trong rèn luyện sắt, nấu đúc thủy tinh, nên đương nhiên họ biết đến nghề muối từ rất sớm.

Theo dòng sử liệu...

Muối có hai dạng cơ bản: Muối mỏ và muối phơi nước từ biển. Trong đó, muối mỏ chiếm vị trí chủ yếu trong hoạt động khai thác và sử dụng của con người, muối sản xuất thủ công phơi nước chiếm tỷ lệ khoảng 20%. 

Trên thế giới, việc sản xuất muối diễn ra rất sớm ở vùng văn hóa Lưỡng Hà với sự phát triển của văn minh đô thị ở Syro-Mesopotamia trong thiên niên kỷ thứ tư B.C, người ta phát hiện Qraya nằm bên sông Euphrates là nơi sản xuất muối để cung cấp cho thành phố Syro-Mesopotamia.

Vùng đất cổ ở Quảng Ngãi có nghề làm muối từ 2.000 năm trước, phơi nước biển trên đá nóng- Ảnh 1.

Trảng Muối (Quảng Ngãi) là nơi làm muối của cư dân cổ xưa đến hiện nay. Ảnh: NGỌC KHÔI

Văn hóa Liangzhu được công nhận là xã hội “nhà nước” đầu tiên ở phương Đông Châu Á và phát triển ở phía đông Trung Quốc đồng bằng ven biển ở 3.300 năm Trước Công nguyên. 

Nền kinh tế dựa vào nông nghiệp trồng lúa, đặc trưng các khu định cư với đô thị cổ, kỹ thuật chế tác ngọc bích tinh xảo và nghề làm muối. 

Địa điểm Daxie thời kỳ đồ đá mới, trên đảo Daxie cùng tên ngoài khơi bờ biển Hoa Đông được công nhận là địa điểm sản xuất muối biển sớm nhất được khai quật cho đến nay ở Trung Quốc, cung cấp bằng chứng cho thấy việc sản xuất muối biển ở bờ biển phía đông Trung Quốc đã được các cộng đồng thời kỳ đồ đá mới áp dụng.

Việt Nam, một quốc gia ở xứ nhiệt đới, có hơn 3.200km đường bờ biển với đặc điểm nổi bật của thềm lục địa thoải và kín gió, có thể nhìn thấy rất nhiều làng muối hiện diện trên khắp miền duyên hải, từ bắc chí nam. 

Trong đó, miền Trung vùng đất của Văn hóa Sa Huỳnh luôn tiếp cận với nhiều luồng hải thương quốc tế, các tuyến thương mại nối từ cửa biển lên thượng nguồn đi sâu vào lục địa, đã khiến cho nơi này có số lượng lớn về các diêm trường. Từ đây, muối sẽ mang đi khắp nơi qua hệ thống cảng thị cửa biển, qua các phiên chợ nguồn ở miền núi.

Muối là thành phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của con người; nó cũng được sử dụng để lưu trữ và vận chuyển cá và thịt từ thời tiền sử. Do đó, muối thậm chí có thể cung cấp nền tảng kinh tế cho một cộng đồng hoặc đóng vai trò là phương tiện tương tác xã hội, điều này có thể đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và hình thành các xã hội phức tạp ban đầu. 

Muối thậm chí có thể cung cấp cơ sở kinh tế cho một cộng đồng hoặc đóng vai trò là phương tiện tương tác xã hội, điều này có thể đã thúc đẩy quá trình các đô thị cổ và hình thành các tổ chức xã hội phức tạp ban đầu.

Trong bản đồ phân bố các di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, các địa điểm Sa Huỳnh quan trọng đều nằm gắn liền với cửa sông ra biển và cánh đồng muối. 

Trường hợp cụ thể đối chiếu với vùng Quảng Ngãi thì ta sẽ thấy quan hệ gắn bó giữa nơi cư trú của người Sa Huỳnh với cửa sông biển và cánh đồng muối, đó là: Di tích Sa Huỳnh - cửa Sa Huỳnh - đồng muối Tân Diêm; Di tích Bình Châu - cửa Sa Kỳ - đồng muối Diêm Điền (đã mất); Di tích Gò Quê - cửa Sa Cần - đồng muối Tuyết Diêm (đã mất).

Đây là bằng chứng khảo cổ phản ánh hoạt động sản xuất muối của người Sa Huỳnh, nơi đây trở thành đầu mối giao thương trên biển và vận chuyển theo đường sông lên các điểm Sa Huỳnh núi lan tỏa theo đường rừng đến các buôn, nóc, plei ở vùng núi cao nguyên xa xôi, muối của cư dân Sa Huỳnh là phương tiện tương tác xã hội, là động lực giao lưu hai chiều xuôi - ngược.

...đến vùng làm muối cổ xưa

Vào ngày hè trưa nắng, nhiệt độ lên tới 400C, tôi cùng chị Bùi Thị Vân, Nguyễn Thị Gá và cháu Trần Thị Thu Thủy đi đến vùng Trảng Muối. Đó là vùng có nền mặt đá bằng phẳng, nơi tổ tiên của họ xưa kia đã làm muối trên mặt đá.

Trảng Muối là tên gọi địa phương, là vùng bằng phẳng chuyên làm muối trên mặt đá. Trảng Muối có nền đá lộ thiên có độ bền tốt, đảm bảo tồn tại lâu dài dưới sự xói mòn liên tục của sóng biển nước biển và cảnh quan di sản ruộng muối được lưu giữ cho đến ngày nay.

Trảng Muối có diện tích khoảng 10ha, một bên giáp biển, một bên giáp núi, nằm gần các khu cư trú và mộ táng của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh. 

Trảng Muối có 2 khu vực: Khu vực hồ chứa nước biển khá lớn, nước biển chảy vào tự nhiên theo triều cường và sóng, nước trong hồ chứa đã được giang nắng nên có độ mặn cao hơn nước biển bình thường. Khu vực ruộng muối trên đá là các ô nhỏ trên mặt đá được be bờ đất sét, hoặc hố trũng.

Từ hồ chứa nước biển đã được giang phơi, người ta dùng thùng nhỏ lấy nước đem đổ vào các ô ruộng muối. Khoảng 1 tuần nước biển phơi nắng sẽ bốc hơi trở thành tinh thể muối trắng óng ánh, hạt muối lớn hơn so với muối bình thường.

 \Cư dân ở vùng xóm Cỏ hiện nay vẫn thực hành làm muối trên trảng đá ở Trảng Muối như tổ tiên xưa. Hầu hết các ô làm muối cổ có đặc điểm clorua xâm nhập với thời gian lâu dài vào lớp vỏ đá làm mòn, có màu sẫm đen.

Vùng đất cổ ở Quảng Ngãi có nghề làm muối từ 2.000 năm trước, phơi nước biển trên đá nóng- Ảnh 2.

Muối tinh thể thu hoạch trên các ô ruộng muối cổ. Ảnh: NGỌC KHÔI

Trảng Muối chính là nơi sản xuất muối biển phơi nước trên đá của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh khoảng hơn 2.000 năm trước. 

So sánh với đồng muối cổ Dương Phố ở Hải Nam (Trung Quốc) có niên đại khoảng năm 800 Sau Công nguyên. Khu vực này bao gồm hơn 1.000 tảng đá, được cắt phẳng ở trên cùng, được sử dụng làm bay hơi nước biển để sản xuất muối. Hai địa điểm này có chung một phương pháp phơi nước biển trên đá để kết tinh muối.

Làng muối Sa Huỳnh nằm trong không gian Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh và là thành tố không thể tách rời với nền văn hóa khảo cổ này. 

Truyền thống làm muối biển liên tục kéo dài từ Sa Huỳnh - Chămpa - Đại Việt không bị đứt quãng. Do đó, cần nghiên cứu quy hoạch địa điểm Trảng Muối nằm trong Công viên Di sản văn hóa muối Sa Huỳnh.

TS Đoàn Ngọc Khôi (Báo Quảng Ngãi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem