Vượng Râu "mổ xẻ" phim 'Tấm Cám': Kịch bản kém và quá nhiều..."sạn"

Mỵ Lương (thực hiện) Thứ sáu, ngày 26/08/2016 13:48 PM (GMT+7)
“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đang là bộ phim thu hút sự chú ý của khán giả, người khen cũng nhiều mà người chê cũng không ít. Nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng (nghệ danh Vượng Râu) sau khi xem xong “Tấm Cám” cũng có những bình luận mang đậm cá tính của anh trên trang cá nhân. PV Dân Việt đã trò chuyện với nghệ sĩ Vượng Râu.
Bình luận 0

Với vai trò là đạo diễn, diễn viên kiêm nhà sản xuất phim, cảm nhận của anh như thế nào khi xem xong bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”?

img

Nghệ sĩ Vượng Râu

- Trước tiên là khen Ngô Thanh Vân đã lên một bậc từ "đả nữ" sang làm đạo diễn. Xem xong  bộ phim, ghi nhận của tôi là sự nỗ lực và đánh giá cao về cái tâm của Ngô Thanh Vân khi làm. Bởi bản thân mình trong vai trò sản xuất chục năm nay tuy chỉ là phim hài bình dân đã tốn kém rồi. Bởi tôi biết dùng khoảng 30 giây kỹ xảo rất tốn kém, thực hiện mất nhiều thời gian. Vậy mà với bộ phim như "Tấm Cám" có nhiều đại cảnh và nhiều kỹ xảo trong khi kinh phí 20 tỷ cho một bộ phim chiếu rạp theo thể loại này là quá khó. Vân làm được như thế là quá giỏi.

Tuy nhiên, cũng có điều cảm thấy tiếc và với một người như Vân mình tiếc hơn. Bởi tôi biết Vân thừa sức làm được.

Vậy anh có thể nói rõ hơn điều hấy tiếc nuối trong bộ phim này là gì? Và nếu là người góp ý, theo anh bộ phim nên nào thế nào sẽ hay hơn?

- Đầu tiên, tôi nói về kịch bản nói đúng hơn là mô-típ không có gì mới mẻ cả. Lủng củng về nội dung. Dù  ý tưởng của bộ phim tốt nhưng người chắp bút non tay, hoặc người biên tập không thể hiện rõ vai trò biên tập nên kịch bản không hấp dẫn từ phút đầu tiên, thiếu ép phê.  Thêm nữa là bộ phim có ý định khai thác hài nhưng làm không tới nơi.

Mấy màn có ý đồ gây hài chưa đẩy lên cao trào nên cứ lùng bùng. Ví dụ những đoạn lồng tiếng của ông công công chưa hay. Hay câu thoại của công công nói là năm Ất Tuất mà thực tế không có chỉ có Giáp Tuất, Bính Tuất, Mậu Tuất… Việc làm hài không tới nơi sẽ khiến mọi người hiểu là câu thoại trong phim là sai. Hay câu thoại của công công nói là năm Ất Tuất mà Ất Tuất trong can chi là không có. Chỉ có Nhâm Tuất, Giáp Tuất, Bính Tuất, Mậu Tuất. Nếu đưa Ất Tuất vào làm hài thì phải đẩy tới nơi không người xem không hiểu sẽ nghĩ rằng biên kịch và diễn viên nói sai hoàn toàn.

Về diễn xuất, ca sĩ Issac xinh trai và môi quá mỏng nên vào vai này chưa đã lắm dù diễn khá tốt. Diễn viên nhiều đoạn bị diễn phản ứng trước khi chưa kịp nghe xong câu thoại. Trong nghề gọi là tiền diễn và hậu diễn. Tiền diễn là diễn đề pha cảm xúc trước bạn diễn.

Hậu diễn là sau dứt câu thoại (nghe cho thấy, nhìn cho thấy) mới được phản ứng theo cấp độ từ thấp đến cao hoặc ngược lại. Giá như Ngô Thanh Vân diễn vai Mẹ Cám tinh tế hơn (diễn thâm) và ăn trầu liên tục thì nó sẽ cực kỳ ấn tượng và chất điện ảnh lột tả rất nhiều!. Thêm nữa là nhiều đoạn diễn có thể do lúc lồng tiếng hoặc do kịch bản làm nghệ sĩ, diễn hơi cương.

img

Cảnh trong "Tấm Cám: Chuyện chưa kể"

Tôi vẫn cảm thấy tiếc nhất màn thử hài. Nếu như đạo diễn xem qua vở chèo “Tấm Cám” của hai tác giả Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ thì sẽ “chôm” được nhiều đòn hay. Ví dụ như nhiều người thử hài nhưng chân Giao chỉ toẽ làm 5 ngón nên không vừa, Cám thử cũng không thể vừa vì chân to và thô kệch nên Hề Thìn có câu:

"Ai đúc bàn chân mắt ốc lồi

Ngón thì củ ấu ngón bình vôi

Ngón thì sắc tựa như dao nhọn

Ngón lại loạn quanh tựa ốc nhồi..."

Ối chân ơi là chân ơi!? Chân này về mà cày ruộng!

Một chi tiết tuy nhỏ nhưng nếu nhà làm phim không để ý cũng sẽ thiếu tính thuyết phục với khán giả. Trong bộ phim này, ví dụ như cây cau trong bộ phim khi Tấm trèo lên hái cau. Để thuyết phục người xem về cái chết của Tấm, đạo diễn nên cho ngã xuống ao như trong truyện hoặc đập đầu vào thành giếng. Điều đó thuyết phục hơn là việc trèo lên cây cao cao có 5 mét, lá cau bao giờ cũng xoè ra nên nó sẽ giảm sức nặng và như thế khó có thể Tấm chết được!

Phần bối cảnh cũng khá là đẹp và bắt mắt, chỉ tiếc cảnh Tấm phi ngựa lộ rõ mương bê tông dọc con đường mà mấy đoạn đường Hoàng Tử đi đều trải rơm. Tôi hơi tiếc đoạn này! Và không gian chùa Bái Đính không hợp cho phim cổ trang bởi nó to nhưng không thuần Việt. Việc chọn bối cảnh Thiền tự không hợp cho cung điện. Bởi cung điện thường thoáng đãng và thiền tự thường nhiều cây cối.

Riêng về trang phục không nằm vào thời nào, các quan mặc áo thiết triều với loại vải gấm mật tông (cái này mới có) và quan phục gần nhất chúng ta có thể nhìn qua nhiều bức ảnh. Hoàng Tử mặc những bộ quần áo không hợp lý và chưa đẹp. Về phần này, nếu như Ngô Thanh Vân mời hoạ sĩ NSND Hoàng Song Hào và NSND Doãn Châu cùng nhà Thiết kế Sỹ Hoàng sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn một điều nữa là bộ phim chưa làm được điều thuần Việt.

Thực tế, dù nhận nhiều bình luận trái chiều về chất lượng phim song “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” vẫn thu hút lượng khán giả rất lớn, nhanh chóng thu về doanh số khủng chỉ sau vài ngày công chiếu. Theo anh, đâu là sức hút của bộ phim?

- Cũng là người đi xem bộ phim này với tinh thần thưởng phạt công tâm, tôi thấy phim mang tính chất giải trí là chính. Không nêu cao thông điệp nghệ thuật, nhân văn cao vì khâu kịch bản kém. Điều làm lên sự hấp dẫn đó là việc quảng bá, truyền thông bộ phim rất tốt.

Ngay cả việc ban đầu bộ phim gặp phải vấn đề “lùng bùng” với hệ thống rạp chiếu nào đó đã gây sự tò mò và sức hút rồi. Thứ hai, là việc chọn lựa diễn viên - khuôn mặt hot như ca sĩ Issac, Hạ Vi …khiến thu hút khán giả trẻ dù diễn xuất quá là bình thường, nếu Sơn Tùng đóng có khi “vỡ rạp” chứ chả đùa.

Tuy nhiên, có một vấn đề phải trả giá cho sự “câu khách” chính là chất lượng phim không cao. Ngược lại, chọn chất lượng thì khán giả tới rạp không đông. Cho nên, bất cứ người làm phim nào cũng phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định sản xuất phim, ngay cả phim hài tôi đang đảm nhiệm cũng vậy.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem