Xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng: Xã nghèo vượt khó ấn tượng, quê hương Hòa Phú thêm giàu đẹp

Trần Hậu Thứ ba, ngày 14/03/2023 17:37 PM (GMT+7)
Từ một xã miền núi còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã cán đích xã nông thôn mới vào năm 2014.
Bình luận 0

Hòa Phú xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một quá trình có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, những năm qua xã đã tập trung mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư hạ tầng, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Hòa Phú đổi thay

Ông Nguyễn Văn Bửu – Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ là "đòn bẩy" giúp địa phương phát triển đi lên, thời gian qua xã Hòa Phú đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, quy hoạch cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa, liên kết với các địa phương lân cận…

Xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng: Vượt khó ấn tượng, quê hương Hòa Phú thêm giàu đẹp - Ảnh 1.

Nông thôn mới đã giúp cho xã miền núi Hòa Phú chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: T.H

Xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng: Vượt khó ấn tượng, quê hương Hòa Phú thêm giàu đẹp - Ảnh 2.

Trong năm 2022, xã đã xây dựng tuyến đường giao thông nội đồng tại thôn Hòa Phước với chiều dài 320m, tuyến kênh mương nội đồng tại thôn Hòa Thọ chiều dài 600m, kênh mương nội đồng An Nhơn với chiều dài 540m, giao thông kiệt hẻm với tổng chiều dài 851m.

Xã Hòa Phú tiếp tục phối hợp thực hiện công tác vận động giải tỏa đền bù dự án khu tái định cư đường vành đai phía tây, đường dây điện 500kV, dự án mở rộng nhà Gươl thôn Phú Túc. Đồng thời lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự án kè chống sạt lở khẩn cấp hai đoạn sông tại thôn Đông Lâm và thôn Hòa Phước.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục trên địa bàn xã cũng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân được tăng cường, mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và phát triển.

Hòa Phú không còn những ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp, thay vào đó là những dãy nhà khang trang, kiên cố… Người dân được sử dụng mạng lưới điện an toàn và nguồn nước hợp vệ sinh.

Ông Bửu cho hay, hướng đến thực hiện đề án xã môi trường giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, xã Hòa Phú duy trì và nâng cao hiệu quả phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường. 

Tiếp tục triển khai phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền thực hiện đề án giảm chăn nuôi trong khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong năm, xã đã ra quân thực hiện phong trào Tết trồng cây tại tuyến đường ĐH5 thôn Hòa Thọ (100 cây sao đen).

Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá – tinh thần của người dân, địa phương đã triển khai các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị", thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của cộng đồng người dân tộc Cơ Tu. 

Năm 2022, xã có 1.256 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 95,73%), có 8/8 thôn đạt thôn văn hóa. Các công tác chăm lo, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, chu đáo, đúng quy định.

Xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng: Vượt khó ấn tượng, quê hương Hòa Phú thêm giàu đẹp - Ảnh 3.

Hòa Phú có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: T.H

"Nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân trong xây dựng NTM mà diện mạo xã Hoà Phú ngày càng đổi thay rõ nét. Những con đường đất nắng bụi, mưa bùn trước đây nay đã được bê tông hóa, thảm nhựa sạch sẽ; đường làng, cổng ngõ xanh - sạch - đẹp; khung cảnh làng quê hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp thanh bình, gần gũi…" - ông Nguyễn Văn Bảo - người dân ở thôn Đông Lâm phấn khởi nói.

Thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm

Ông Nguyễn Hải Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay, tham gia xây dựng NTM, xã hướng đến mục tiêu chính là nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh từ rừng và các mô hình kinh tế mới, đặc biệt là định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Trong năm 2022, xã có 154ha lúa gieo trồng đúng vụ, năng suất trung bình cả năm đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng 935 tấn. Mô hình trồng lúa hữu cơ tại cánh đồng các thôn An Châu và Hòa Thọ, Đông Lâm và Hòa Phước được người dân duy trì sản xuất. Cùng với đó, các loại cây hoa màu khác cũng phát triển tốt, cho năng suất ổn định, giúp cải thiện thu nhập.

Với lợi thế vườn đồi, xã Hòa Phú khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình nuôi gà đồi, lợn đen, dê. Hướng dẫn bà con chăn nuôi ứng dụng công nghệ xử lý đệm lót sinh học, hầm biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Vận động bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng bưởi da xanh, chuối thanh tiêu, các loại cây ăn quả với diện tích khoảng 2ha. Duy trì nuôi trồng thủy sản với diện tích 2,2ha, sản lượng khai thác trung bình đạt 30 tấn/ha.

Xã Hòa Phú có diện tích rừng khai thác và trồng mới trong năm 2022 là 260ha, năng suất trung bình đạt 90 tấn/ha, sản lượng thu hoạch 23.400 tấn. Tiếp tục duy trì và phát triển mô hình ươm keo giống tại thôn Hòa Hải và An Châu, sản lượng trung bình đạt 13 triệu cây/năm.

Bên cạnh phát triển rừng sản xuất, xã vận động nhân dân trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Địa phương phối hợp với kiểm lâm duy trì tuần tra quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn khai thác, tàng trữ, vận chuyển gỗ trái phép, phát lấn chiếm rừng ở các tiểu khu trên địa bàn xã, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng cháy chữa cháy rừng.

Sau khi tình hình dịch Covid-19 dần ổn định, các khu du lịch trên địa bàn xã Hòa Phú hoạt động trở lại, thu hút đông đảo khách du lịch. Hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch cũng vì thế được khởi sắc, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Các doanh nghiệp, cá nhân được chính quyền xã tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt là khuyến khích đầu tư mô hình phát triển nông, lâm, thủy sản kết hợp khai thác du lịch, dịch vụ dọc tuyến Quốc lộ 14G, khu vực trung tâm xã, thôn Phú Túc. Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được xã Hòa Phú quan tâm thực hiện. Trong năm 2022, xã đã giải quyết việc làm cho 116 lao động, giảm 30 hộ nghèo, phối hợp đưa 13 lao động nông nghiệp sang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc, hỗ trợ vốn vay cho 210 đối tượng với kinh phí 8,623 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực phát triển kinh tế về mọi mặt, năm 2022, xã Hòa Phú có tổng giá trị sản xuất ước đạt 272,01 tỷ đồng (đạt 101,12% so với nghị quyết HĐND xã đề ra). Trong đó, ngành nông-lâm-thủy sản ước đạt 198,07 tỷ đồng, tiểu thủ công nghiệp là 16,03 tỷ đồng, thương mại dịch vụ 57,91 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 52 triệu đồng/năm, đạt 108,33% so với kế hoạch.

Ông Cường chia sẻ thêm: "Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sựquan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ban, ngành, các hội đoàn thể cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, xã Hòa Phú đã đạt được một số kết quả tích cực. Qua đó nâng chất các tiêu chí và phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao theo đúng lộ trình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem