Xét xử đại án VNCB: Giao dịch ngàn tỷ không cần thủ tục?

Nguyễn Hữu Thứ ba, ngày 03/01/2017 15:20 PM (GMT+7)
Với số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng cựu cán bộ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cho biết chỉ có một người đại diện đến thực hiện giao dịch tại ngân hàng, những người khác không đến làm thủ tục.
Bình luận 0

Ngày 3.1, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về các hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục phần thẩm vấn liên quan đến việc rút 5.190 tỷ đồng không có chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản.

img

Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh đến tòa.

Khai nhận tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định có quan hệ vay tiền giữa ông và ông Trần Quý Thanh, việc vay tiền có trả lãi. Bị cáo Danh yêu cầu được đối chất với ông Trần Quý Thanh để làm rõ vấn đề nhưng ông Thanh lại vắng mặt. Bị cáo cho biết không hề có chỉ đạo thuộc cấp chuyển 5.190 tỷ đồng ra khỏi tài khoản mà không có chữ ký của khách hàng.

Còn bị cáo Hoàng Đình Quyết (cựu Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cho rằng việc chuyển tiền có sự đồng ý của bà Trần Ngọc Bích, đây là thỏa thuận giữa bà Bích và Phạm Công Danh. Về thủ tục vay tiền bằng thế chấp sổ tiết kiệm, bị cáo Quyết cho rằng theo quy định khách hàng là người lập giấy đề nghị vay nhưng để thuận lợi thì ngân hàng cung cấp mẫu. Riêng khoản vay của bà Trần Ngọc Bích và nhóm khách hàng, ngân hàng thực hiện ký trước và giải ngân, còn khách hàng ký sau, và đây cũng chính là cái sai của bị cáo.

Tuy nhiên bị cáo Quyết giải thích vì xét mối quan hệ giữa ông Trần Quý Thanh và Phạm Công Danh nên tạo điều kiện cho khách hàng. Sau khi chuyển vào tài khoản của bà Trần Ngọc Bích, khách hàng yêu cầu chuyển 3.100 tỷ đồng vào tài khoản của ông Phạm Công Danh, còn 2.090 tỷ đồng vào tài khoản Mai Hữu Khương và Phan Minh Tùng.

Về các khoản vay 5.190 tỷ đồng của khách hàng, bị cáo Quyết thông tin ông Vũ Anh Tuấn là người đại diện người thực hiện yêu cầu. Các khoản vay trong các ngày 21.6 và 26.7 và cuối cùng là 30.7.2013 do ông Vũ Anh Tuấn đứng tên đại diện vay tiền. Khi lên vay ông Tuấn không có giấy ủy quyền gì, nhưng vì do bà Bích giới thiệu nên tin tưởng thực hiện giao dịch. Việc giải ngân cho vay là theo chỉ đạo của Phạm Công Danh.

Trong khi đó, bà Trần Ngọc Bích, ông Phan Hữu Tuấn (đại diện cho ông Trần Quý Thanh) đều khẳng định tuân thủ theo quy định của ngân hàng. Cả ông Thanh và bà Trần Ngọc Bích lên trực tiếp ngân hàng để giao dịch. Bà không ủy quyền cho ông Vũ Anh Tuấn thực hiện giao dịch với ngân hàng mà chỉ nhờ qua ngân hàng lấy hồ sơ vay tiền. Bà cũng khẳng định không đồng thuận việc chuyển tiền vào ngày 21.6 và 26.8.2013, không yêu cầu chuyển tiền.

Bà Bích cho rằng, ngân hàng đã hạch toán số tiền 5.190 tỷ đồng là sai. Trước đó bà Bích yêu cầu VNCB hoàn trả 5.190 tỷ cả tiền lãi phát sinh theo pháp luật; không thu hồi các khoản vay ngày 21.6.2013 do đã trả hết nợ cho VNCB, đồng thời bà yêu cầu VNCB trả lại 8 sổ tiết kiệm, giải tỏa kê biên bất động sản tại Vũng Tàu.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Đình Quyết cung cấp thêm thông tin toàn bộ giao dịch đều không có mặt ông Thanh mà chỉ thông qua Vũ Tuấn Anh và có người làm chứng. Giao dịch trong các ngày đều có camera ghi lại, nếu như VNCB còn lưu giữ thì xin trích xuất. Đại diện VKS cho rằng đây là tình tiết mới, quan trọng để xác định mối quan hệ vay mượn giữa Phạm Công Danh và Trần Quý Thanh nên đề nghị đại diện VNCB kiểm tra, cung cấp thông tin.

VKS cũng đề nghị triệu tập Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Tấn Lộc có liên quan đến giao nhận chứng từ 5.190 tỷ đồng với tư cách là người làm chứng. Nếu hai người này không chịu đến thì sẽ nhờ lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải đến tòa; đề nghị triệu tập bà Vũ Thị Như Thảo (cán bộ VNCB) để xác minh thông tin các khách hàng trên có đến trực tiếp ngân hàng giao dịch hay không.

Theo hồ sơ, trong thời gian tiếp quản điều hành Ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành VNCB), Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9.2016, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh mức án 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng với hai tội danh này, Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị tuyên phạt 22 năm tù; Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) bị tuyên phạt 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết bị tuyên phạt 19 năm tù. Còn 32 bị cáo khác liên quan đến vụ án này chịu mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem