Xét xử vụ bầu Kiên: VietinBank "tố" ACB lách luật

Thứ sáu, ngày 30/05/2014 20:24 PM (GMT+7)
Trong phần tranh luận tại tòa, đại diện VietinBank cho rằng, việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng trách nhiệm thuộc về ACB. Ngoài ra, đại diện VietinBank còn nói ACB liều lĩnh, cố tình lách luật.
Bình luận 0
Hôm nay (30.5), TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về các tội danh "kinh doanh trái phép", "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "trốn thuế". Ngày thứ 10 của phiên xét xử sơ thẩm, các bên tiếp tục với phần tranh tụng.

VietinBank “tố” ACB lách luật

Về vấn đề liên quan đến khoản tiền 718 tỷ đồng, diện Ngân hàng ACB tiếp tục khẳng định, ACB đã có nhiều công văn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ và đề nghị VietinBank bồi thường tiền. Các căn cứ của VietinBank không chính xác. Việc VietinBank không giao thẻ tiết kiệm cho nhân viên ACB là lỗi của VietinBank. Nguồn gốc tiền hợp pháp hay không hợp pháp không làm thay đổi trách nhiệm của VietinBank… Trước đó, ngày hôm qua (29.5), luật sư của ACB cũng cho rằng, Vietinbank sơ hở, chủ quan và yếu kém để nhân viên của mình là Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB.

img
Đại diện VietinBank tố ACB lách luật và trốn tránh sự quản lý của Nhà nước.

Về phần mình, đại diện Ngân hàng VietinBank nêu quan điểm, về hình thức giữa 2 ngân hàng không có một giao dịch, thỏa thuận hay hợp đồng nào. Về nội dung, qua điều tra đã kết luận số tiền 718 tỷ đồng thực chất là của ACB gửi vào VietinBank. Tuy nhiên, đại diện của VietinBank đặt vấn đề là tại sao ACB không dùng thị trường liên ngân hàng này để gửi tiền vào VietinBank?

“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo ra một sân chơi riêng cho các ngân hàng với nhau là thị trường liên ngân hàng, vậy tại sao ACB không dùng thị trường liên ngân hàng này để gửi tiền vào VietinBank? Mâu thuẫn ở đây là gì? Người ta đang cố tình né tránh quản lý nhà nước, vì lợi nhuận cao, siêu lợi nhuận để cố tình lách luật, ở đây có sự lạm dụng, lách luật và lừa dối NHNN. Trong góc độ hạch toán, chắc chắn rằng ACB không bao giờ dám báo cáo với NHNN về chuyện ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền ở VietinBank mà sẽ hạch toán bằng con đường liên ngân hàng. Do đó đứng về góc độ quản lý nhà nước, NHNN không thể biết và không thể quản lý được nếu như các ngân hàng đều làm như vậy. Đây là hành vi lách luật và trốn tránh sự quản lý của Nhà nước”, đại diện VietinBank nói.

Về hoạt động ủy thác, đại diện Vietinbank cho rằng nếu cần, ACB có thể làm công văn xin ý kiến NHNN để được hướng dẫn, nhưng ACB đã cố tình lách luật. “Nhà nước chưa có hướng dẫn nhưng nếu các ngân hàng muốn thực hiện một nghiệp vụ nào đó thì chỉ cần làm công văn báo cáo NHNN, NHNN sẵn sàng chấp thuận nếu không trái luật. Nhưng ACB đang cố tình lách luật chứ không hề có một văn bản nào báo cáo”, đại diện VietinBank nói.

Về việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng, đại diện Vietinbank cho rằng trách nhiệm thuộc về ACB. “Trong hồ sơ thể hiện rất rõ có trên 80 lệnh chi của chính các cá nhân nhân viên ACB ký khống khi chưa có tài khoản nơi thụ hưởng và giao cái khống đó cho Huỳnh Thị Huyền Như. Đây là kẽ hở chết người để Như có đủ cơ hội thực hiện mà VietinBank không thể biết được. Tiền đi từ tài khoản thanh toán thông qua lệnh chi hoàn toàn không đi từ tài khoản tiết kiệm. Lỗi chết người này xuất phát từ các nhân viên của ACB”, đại diện VietinBank nói trước tòa.

Đại diện VietinBank cho rằng, việc ACB ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền khiến các ngân hàng “giật mình sửng sốt” vì mức độ rủi ro rất cao. Bản thân ACB nhìn trước được hậu quả nhưng vẫn liều lĩnh thực hiện. VietinBank không bao giờ dám giao tiền cho nhân viên đi gửi ở ngân hàng khác.

Hòa Phát không kiện, “bầu” Kiên vẫn không thoát tội

Liên quan đến cáo buộc bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong phiên tòa hôm nay (30.5), ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát đã có ý kiến.

Theo ông Long, ông và bị cáo Kiên từng là bạn bè lâu năm với nhau, thường xuyên trao đổi công việc, không có mâu thuẫn. “Tôi và anh Kiên không có mâu thuẫn, vướng mắc gì cả… Trên cơ sở lý luận khách quan, làm sao tôi nghĩ anh Kiên lừa tôi được. Hơn nữa, xét về vai trò là một lãnh đạo cầm tiền của cổ đông, làm sao lừa tôi để mua được”, ông Trần Đình Long cho hay.

img
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát nêu ý kiến tại tòa.

Ông Long khẳng định, tin tưởng bị cáo Kiên không lừa mình. “Suy cho cùng, mình đi mua một món hàng mà nghĩ rằng người ta lừa mình thì mua làm gì nữa. Trên cơ sở tôi với anh Kiên là bạn rất lâu, không bao giờ tôi nghĩ anh Kiên lừa tôi”, ông Long nói.

Theo ông Long, khi mua gói cổ phần từ ACBI, phía Hòa Phát cũng có sơ suất dẫn đến lãnh đạo Hòa Phát không nắm được thực trạng số cổ phần. Hòa Phát đã khẳng định từ sớm rằng thời điểm đó rất muốn mua cổ phiếu của Công ty CP Thép Hòa Phát. Việc hoán đổi cổ phiếu là nói với nhau, nhưng về mặt pháp lý là bầu Kiên mua cổ phiếu bất động sản của ông Long, ông Long mua cổ phiếu của bầu Kiên.

Tuy nhiên, trong phần đối đáp, đại diện VKS đã bác bỏ toàn bộ quan điểm gỡ tội của luật sư, quan điểm tự bào chữa của bầu Kiên, ý kiến của ông Long và đại diện phía Thép Hoà Phát. Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố với các bị cáo về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngoài việc bác bỏ quan điểm bào chữa ở tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS còn giữ nguyên tuyên bố vẫn giữ nguyên truy tố ở các tội danh "kinh doanh trái phép", "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và “trốn thuế” đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
Xuân Lực - Thắng Quang (Xuân Lực - Thắng Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem