“Bầu” Kiên bất ngờ khi bị bắt, bị buộc tội lừa đảo bạn

Thứ năm, ngày 29/05/2014 23:07 PM (GMT+7)
Trong phần tự bào chữa cho mình, “bầu” Kiên nói rằng khi nhận lệnh bắt vì tội kinh doanh trái phép, trời đất như sụp đổ. Đồng thời bị cáo cũng bức xúc vì bị cáo buộc lừa đảo bạn thân.
Bình luận 0
Ngày 29.5, ngày thứ 9 xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, sau phần bào chữa của các luật sư, các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Quang Tuấn, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ đã được tranh luận "gỡ tội" cho mình. Trong đó, trước vành móng ngựa, “bầu" Kiên một lần nữa khẳng định mình không làm trái phạm pháp luật.

Bất ngờ bị bắt vì hành vi kinh doanh trái phép

Trong phần tự bào chữa cho mình Nguyễn Đức Kiên tiết lộ, vô cùng bất ngờ khi bị cơ quan điều tra bắt giữ. Bị cáo Kiên nói: “Khi tôi nhận được lệnh bắt vì tội kinh doanh trái phép, trời đất như sụp đổ. Tôi không thể tin rằng minh kinh doanh 30 năm nay mà lại bị bắt vì tội kinh doanh trái phép”.

img
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến tại tòa.

"Bầu Kiên" cũng cho rằng cơ quan điều tra đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc cho rằng các công ty của bầu Kiên phát hành trái phiếu, thế chấp cổ phiếu của ngân hàng khác bán cho Ngân hàng ACB, lấy tiền ảo làm ảnh hưởng đến chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Bị cáo Kiên lập luận: "Các công ty của tôi khi phát hành trái phiếu đã thực hiện đúng quy định tại Nghị định 252 của Chính phủ, đã thực hiện đúng việc thế chấp, bán trái phiếu theo các hợp đồng được pháp luật quy định. Việc này tạo ra đồng tiền thật, việc góp vốn này thực hiện đúng chủ trương chính sách của Chính phủ trong việc tăng vốn điều lệ ngân hàng trước ngày 30.10.2010".

Bầu Kiên cũng đề nghị Viện kiểm sát (VKS) phải nói rõ việc đầu tư góp vốn phải có giấy phép thì quy định tại văn bản pháp luật nào.

Về việc đặt các lệnh mua bán vàng tại Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên cho rằng, người ký lệnh ủy thác là ông Lê Quang Trung (Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam), Kiên chỉ thực hiện các phiếu lệnh ủy thác đó và thông báo lệnh của ông Trung đến ACB.

"Tại hợp đồng ký kết giữa ông Trung và ACB đã quy định: Giao dịch trạng thái vàng từ bên B không có bất kỳ quy định nào cho phép công ty Thiên Nam được tác động hoặc chịu ảnh hưởng từ việc bên B là ACB ký hoặc ra lệnh với các tổ chức bên ngoài. Tại điểm 4, đặt lệnh qua điện thoại quy định: ACB và Thiên Nam bỏ trống, số điện thoại bỏ trống người đặt lệnh. Trách nhiệm của tôi trong việc này là giúp ông Trung thông báo lệnh đến ngân hàng ACB, việc thông báo này thể hiện trong trường hợp có tranh chấp giữa 2 bên. Bị cáo chỉ là người đặt lệnh qua điện thoại", lời bị cáo Kiên.

"Tôi là doanh nhân tên tuổi mà lại đi lừa đảo bạn"

Đó là câu nói của bị cáo Nguyễn Đức Kiên khi tự bào chữa cho mình ở cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Kiên nói rõ trước vành móng ngựa về cáo buộc lừa đảo: “Đây là tội danh tôi bức xúc nhất. Tôi là một doanh nhân có tên tuổi mà lại đi lừa đảo bạn thân của mình. Những người không biết bản chất sự việc sẽ nghĩ ra sao. Đây là một nghĩa cử tôi giúp bạn bè, giúp anh Long (ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát), ngoài ra không có bất kỳ mục đích nào khác. Tôi đã nêu nhiều lần trong hồ sơ nhưng cơ quan điều tra không đưa vào nội dung để đánh giá chứng cứ. Ngay tại tòa, anh Long đã thừa nhận 3 nội dung tôi thỏa thuận với anh Long là chính xác, không sai”.

Theo bị cáo Kiên, thỏa thuận của bị cáo với anh Long là thỏa thuận của hai chủ tịch, dù bằng lời nói thì cũng được pháp luật công nhận. “Tôi chưa bao giờ từ chối nghĩa vụ thực hiện của tôi cũng như công ty ACBI với Hòa Phát”, lời bị cáo Kiên.

Về quan điểm của VKS và cáo trạng nêu là ký biên bản HĐQT, Nghị quyết HĐQT là khống, bị cáo Kiên cho biết đồng tình với các luật sư và khẳng định đây là biên bản thật, không có bất kỳ chữ ký khống nào. “Tôi đã thực hiện đúng chức năng của chủ tịch khi điều hành 1 cuộc họp bằng văn bản”, lời bị cáo Kiên.

Bị cáo Kiên khẳng định, bị cáo không có động cơ chiếm đoạt. Bầu kiên lập luận: “Tôi không có động cơ, vì nếu có thì tôi không ứng tiền 264 tỷ của tôi thông qua tài khoản em gái tôi để trả Hòa Phát. Người kinh doanh như tôi, không bao giờ chiếm đoạt tiền rồi lại dùng số tiền lớn hơn rất nhiều để chuyển cho đối tác. Quan hệ của tôi với anh Long và lãnh đạo Hòa Phát được xây dựng nhiều năm từ khi Hòa Phát còn là công ty nhỏ, khách hàng của ACB. 20 năm hoạt động,Hòa Phát lớn mạnh như hôm nay là có sự hỗ trợ, hợp tác của cá nhân tôi cũng như của ACB."

Trong phần tự bào chữa cho tội danh “trốn thuế” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Kiên cũng đưa ra những lý lẽ để khẳng định mình không vi phạm pháp luật.

“Tôi không nói nhân thân vì tôi xác định tôi vô tội. Tôi chỉ muốn nói là tôi không làm mất tiền của ai, không làm bất kỳ vi phạm pháp luật nào. Tôi bị nhìn nhận như đại gia phá sản, lũng đoạn thị trường ngân hàng. Tôi khẳng định trước HĐXX không làm bất kỳ điều gì trái pháp luật”, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói trước khi tòa tạm nghỉ đến ngày mai tiếp tục xét xử.
Xuân Lực – Thắng Quang (Xuân Lực – Thắng Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem