XKLĐ: Nên "bỏ trứng vào nhiều giỏ”

Thứ ba, ngày 13/12/2011 10:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều lao động đặt kỳ vọng vào việc đi Hàn Quốc tới mức theo đuổi 4-5 kỳ kiểm tra tiếng Hàn mà vẫn “xôi hỏng bỏng không”. Lời khuyên của các chuyên gia là thay vì chờ đợi, lao động nên chuyển sang thị trường XKLĐ khác…
Bình luận 0

Nối dài danh sách chờ đợi

Theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), kỳ kiểm tra tiếng Hàn ngày 17-18.12 tới đây thu hút tới 66.863 lao động đăng ký. Nghệ An là tỉnh có số lao động đăng ký đông nhất, với 12.500 người. Tại tỉnh này, thời điểm đăng ký thi tiếng Hàn (giữa tháng 11.2011) đã xảy ra tình trạng hỗn loạn khi hàng vạn người thức đêm thức hôm chen lấn để nộp hồ sơ.

img
Nhiều lao động đã lựa chọn đi Malaysia. Ảnh: Một lớp đào tạo giáo dục định hướng cho lao động đi Malaysia tại Công ty XKLĐ Châu Hưng ở Hưng Yên.

Anh Hồ Sỹ Thọ (25 tuổi), trú tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là người may mắn được ghi danh tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Thọ cho biết, anh học tiếng Hàn Quốc đến nay đã được 4 năm và đã thi đi thi lại tới 4 lần, trong đó có 2 lần đã qua được kỳ kiểm tra tiếng Hàn, gửi hồ sơ đi mà vẫn chưa được chọn để sang Hàn Quốc làm việc.

“Chứng chỉ tiếng Hàn chỉ có giá trị trong 1 năm, học xong, kiểm tra xong mà không đi được thì hết hạn phải theo học tiếp. Nếu đợt này may mắn đỗ thì tôi cố gắng chờ, còn nếu trượt lại ôn và thi lại chứng chỉ tiếng Hàn cho tới khi nào đi được thì thôi”- Thọ quả quyết.

Theo ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), kỳ kiểm tra này có 66.863 hồ sơ đăng ký nhưng phía bạn chỉ chọn 15.000 hồ sơ để chuyển lên mạng việc làm cho chủ sử dụng lao động chọn lựa. Như vậy, sẽ có 51.863 hồ sơ của lao động sẽ bị loại. Ngay cả khi lao động đã lọt vào danh sách 15.000 hồ sơ được chọn đưa lên mạng, cũng chỉ có từ 1/2 tới 1/3 trong số này được tuyển, nghĩa là tối đa chỉ có 10.000 người xuất cảnh được. Như vậy, sau kỳ kiểm tra, sẽ có khoảng gần 57.000 người phải chờ đợi các cơ hội khác.

Nếu nhìn toàn cảnh, trong số 110.000 người đã từng tham gia 8 kỳ kiểm tra tiếng Hàn trước, mới chỉ có 63.721 người được lựa chọn xuất cảnh, thì có tới 56.000 người không có cơ hội xuất cảnh. “Nếu chỉ tính tiền đi lại, phí tham gia các kỳ kiểm tra thì khoản tiền mà số lao động này bỏ ra cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Như vậy quá lãng phí. Lao động phải thực sự cân nhắc, nếu đạt yêu cầu về tiếng Hàn, có năng lực làm việc, có tay nghề thì mới nên đăng ký kiểm tra tiếng Hàn”- ông Hải nói.

Nhiều cơ hội cho lao động lựa chọn

Không chỉ lãng phí về tiền bạc, nhiều lao động tham gia 4-5 lần kiểm tra tiếng Hàn còn lãng phí cả thời gian. Chu Mạnh Huấn, ở xã Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, em đã mất 4 năm để theo đuổi việc XKLĐ đi Hàn Quốc, trong thời gian ấy em không dám đi đâu, làm gì và gia đình cũng mất khá nhiều chi phí cho “cò” qua các lần kiểm tra…

Trong khi đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước- thông qua Ban chỉ đạo XKLĐ các tỉnh liên tục thông tin về các thị trường XKLĐ đang rất cần lao động Việt Nam như Malaysia, Trung Đông, Đài Loan… Ông Đào Công Hải cho biết: “Người lao động có ấn tượng không tốt về các thị trường lao động này, chê lương thấp… Thực tế, tại Malaysia, các doanh nghiệp XKLĐ đều ký được đơn hàng với mức lương 4-8 triệu đồng/tháng. Chi phí xuất cảnh rất thấp”.

Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thẩm định rất nhiều hợp đồng nhân lực về ngành sản xuất gỗ, nhựa, xây dựng đi Malaysia, Trung Đông (UAE, Arabia Saudi), Lào, Sip, Macao, Đài Loan...

Danh sách các tỉnh có đông lao động đăng ký tham gia kiểm tra tiếng Hàn gồm: Nghệ An 12.500 người, Thanh Hóa 7.600 người, Hà Tĩnh 4.975 người, Bắc Giang 3.539 người, Hà Nội 3.455 người, Hải Dương 3.144 người, Quảng Bình 3.009 người

Đại tá Nguyễn Ngọc Hoan - Giám đốc Công ty Đào tạo nghề và xuất khẩu lao động (Long Biên, Hà Nội) cho hay, công ty ký được khá nhiều đơn hàng tốt, mức lương lên tới 7-8 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông mà không thể tuyển được. Thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty đã tới các tỉnh vùng sâu, xa như Điện Biên, Lai Châu… để tuyển lao động mà vẫn không đủ.

“Nếu lao động chuyển hướng đi các thị trường XKLĐ khác, mức lương tính trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí ăn ở), 3 năm cũng có hơn 200 triệu đồng mang về nhà. Trong khi ở nhà chờ đợi đi Hàn Quốc vừa tốn kém, vừa mất việc mà không có thu nhập”- ông Hải khẳng định.

Sự lựa chọn vẫn là ở phía lao động. Tuy nhiên, lựa chọn thế nào để đạt mục đích kinh tế, tạo việc làm thì rất cần sự tỉnh táo, bình tĩnh.

Bài tiếp: Để ngẩng cao đầu xuất cảnh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem