Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao,
Thấy con cá bông lau nó nhảy nhào vô lưới,
Anh ngồi anh chắc lưỡi,
Chẳng biết ngày nào mới cưới đặng em!
(Ca dao địa phương)
Thường thì cá bông lau chỉ xuất hiện vào mùa khô, tức khi nước sông Cửu
Long đã trong, nhưng năm nay, ngay từ những ngày nước chưa giựt cạn,
người ta đã thấy rải rác đó đây ở các chợ vùng thượng nguồn sông Tiền,
sông Hậu, nhiều nhất vẫn là tại các chợ lớn, nhỏ khu vực sông Vàm Nao,
thuộc huyện Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Long Xuyên... Chính vì vậy sau
mấy ngày nghỉ Tết, đến mùng Ba thì bà con ngư dân ai nấy cũng “cúng ra
mắt” để từ đó tranh thủ xuống lưới ngay.
Ngày mùng Ba xuống lưới, cũng là ngày ra mắt cúng Bà Cậu, thường là một con vịt luộc, hoặc bánh trà...
Ngư dân ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt dẫn dài xuống miệt Kế Sách, cồn Cái Trâm, cồn Phong Nẫm, cù lao Dung (ra cửa Đại Ngãi – Long Phú, Sóc Trăng)... thỉnh thoảng vẫn câu được loại cá bông lau, nhưng cỡ nhỏ, chỉ khoảng 3 – 5kg. Khi đã về đến “Miệt Trên” thì cũng là lúc thể hình đã phát triển gấp rưỡi, gấp đôi. Ngộ cái là khi lội ngược dòng đến sông Vàm Nao thì tất cả đều rủ nhau dừng lại! Chúng chọn con sông này làm nơi quần cư nên mật độ có thể nói là… dày đặc!
Vàm Nao ngày trước từng là con sông dữ nổi tiếng. “Khởi thủy” thủy mạch chính của nó chỉ là một “con kinh trời sanh” vốn rất hẹp, đến mức dân gian cho rằng cành cây lớn hai bên bờ gần giao tiếp nhau, gọi “giao đu”. Toàn vùng cây cối mọc um tùm, cảnh vật sầm uất tối tăm, không ngớt vang lên những âm thanh rừng rú, chỉ với “chim kêu vượn hú” thôi cũng đủ rợn người.
Rong, cỏ nhất là lục bình từ thượng nguồn đổ xuống tấp vào dày đặc, cá tôm lấy đó “làm nhà”. Khi trời sa mưa, “nước quay kỳ nhì” cũng là mùa cá đẻ, ở đây chúng đua nhau sinh sản lền như nuôi trong hầm. Do đó các loài cá lớn như cá sấu, cá mập, cá đao, rắn đẻn… nom theo bắt mồi.
Dĩ nhiên “chuột sa hũ nếp” nên định cư luôn. Cứ thế, cá to cá nhỏ sinh sôi nẩy nở. Vàm Nao trở thành “ngư mãn” nên không thể không xảy ra chuyện “cá lớn nuốt cá bé”, tranh chấp nhau, hoặc đùa giởn nhau… Dù thế nào, Vàm Nao cũng không ngớt tiếng vùng vẫy, quẫy đuôi... của ngư kình, khiến người phải “kinh”!
Tới đây xứ sở lạ lùng,
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh!
Từ thượng nguồn đổ về, nhánh sông Tiền nhận nước nhiều hơn nhánh sông Hậu. Mùa nước nổi, hiện tượng xâm thực diễn ra ở sông Tiền rất dữ, nhất là những nơi nằm ngay mũi nước như tại Vàm Trước sông Vàm Nao, phía tả ngạn (xã Kiến An, huyện Chợ Mới nay) nơi đây ngày trước, năm nào đất cũng bị lở sụp từng mảng lớn, vài ba công đất là chuyện thường, gây thiệt hại rất đáng kể về người và của.
Lâu ngày do thủy phá, kinh Vàm Nao lấn dần ra, lấy một phần hồ bên hữu ngạn và “thôn tính” toàn bộ Xẻo Búng phía tả ngạn, nên nó to rộng ra thành “sông cái” nhưng không dài, chỉ khoảng 6 – 6,5km.
Đầu Xuân xuống lưới... và trúng cá.
Vào mùa nước trong, lúc mặt trời chưa chen lặn, sông Vàm Nao bỗng nhộn nhịp hẳn lên, bởi vào lúc này hàng trăm ngư dân đã “ra khơi”, thả lưới “kín sông”, la liệt. Mỗi tay lưới đều có đèn phao mắc theo viền lưới cách nhau khoảng 40m/ đèn, thế nhưng khi đêm xuống, nếu có dịp theo xuồng lưới ra khơi, hoặc đứng trên phà Thuận Giang (đưa ngang sông Vàm Nao) lúc đã rời bến, phóng tầm nhìn về Vàm Trên hoặc Vàm Dưới, phía nào cũng vậy, xa đến mút mắt, đâu đâu cũng đèn là đèn như sát khít nhau, lung linh kỳ ảo lạ thường, ta không thể không cảm nhận đây là “con sông đèn” vô cùng thơ mộng, như sông Ngân Hà ở hạ giới!
Do đặc điểm nhất định của sông nước, việc đánh bắt nơi đây hầu như ai cũng như ai chứ không có gì gọi là bí quyết cả – trúng hay thất là chuyện “hên xui”. Thường thì một đêm người ta chỉ đánh hai vác, mỗi vác kể từ khi thả lưới đến lúc kéo lên khoảng 4 tiếng đồng hồ. Vác đầu hôm dính cá không nhiều bằng vác khuya. Vào những ngày cao điểm, bình quân một đêm mỗi xuồng lưới được 3 – 4 con, hoặc hơn, mỗi con trung bình từ 5 – 8kg, giá cân cho bạn hàng tại bến hoặc cho những người mua làm quà gửi tặng người thân khoảng 70.000đ/kg – rẻ như cá linh!
Vậy mà mỗi ngày xỉu xỉu cũng kiếm được chút triệu. Ai nấy sắm vàng đeo đỏ tay, nhưng qua mùa rồi thì có khi cũng phải bán thôi! Nghề “hạ bạc” mà! Đó là nói cách nay khoảng 5 năm trở về trước, hiện cá bông lau trên sông Vàm Nao đã giảm khoảng 1/10, nên giá phải tăng gấp đôi, gấp ba, hoặc hơn.
Ngày Tết, vui Xuân và thả lưới trên sông Vàm Nao. Xuống lưới... trúng cá Ngày mùng 3 xuống lưới, cũng là ngày ra mắt cúng Bà Cậu, thường là một con vịt luộc, hoặc bánh trà... Trong khi chờ thăm lưới, anh em đâu xuồng lại Vui Tết trên sông. Thật may mắn, hàng chục con “cá bông lau đua nhau nhảy nhào vô lưới!”. Ai nấy cũng hớn hở! Ngư dân Hai Lan mới lưới được cá bông lau 7kg. Cho dù nửa đêm, khi ngư dân mới vừa lưới được cá “a lô”, các thương lái liền tức tốc đến tận các xuồng lưới thu mua để mang vào bờ cân lại cho bạn hàng. Thế là năm mới thắng lợi mới! Cá bông lau chế biến kiểu nào cũng ngon. Họ nâng ly chúc nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới!
Hữu Hiệp (Hữu Hiệp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.