Y phục xứng thời tiết, và phong tục

Phạm Quang Vinh Thứ hai, ngày 22/05/2023 14:00 PM (GMT+7)
Việc chính quyền thành phố Hồ Chí Minh gần đây khuyến nghị công chức "cởi áo vest" để từ đó, có thể tăng nhiệt độ của điều hoà, hạn chế sử dụng điện khi chúng ta bước vào một mùa hè có nguy cơ thiếu điện, chắc chắn nên là một hành động đáng để suy nghĩ, và cân nhắc ở quy mô quốc gia.
Bình luận 0

Nếu bạn từng đến Nhật Bản, và nếu bạn là đàn ông, mặc một chiếc poloshirt hay áo phông vào giờ tan tầm, bạn sẽ rất nổi bật, bởi hầu như mọi nam giới trên đường phố đều mặc áo vest với sơ mi trắng bên trong. Người Nhật Bản có lẽ là quốc gia châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất của văn minh phương tây về trang phục, có lẽ bởi cả phong tục, thói quen quy củ, nề nếp khiến họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng những bộ veston màu đen. 

Người Nhật sử dụng veston, một phần cũng bởi nó khá phù hợp với khí hậu cận ôn đới với mùa đông lạnh và mùa hè không quá nóng của họ. Nhưng khi đất nước này trải qua trận sóng thần hồi 2011, mùa hè năm ấy điện thiếu, và một trong những khuyến nghị của chính quyền, là đề nghị nam giới thay vì mặc vest, chỉ nên mặc sơ mi, và tăng nhiệt độ của văn phòng lên, để giảm bớt lượng điện tiêu thụ. 

Nếu bạn từng xem những bức ảnh chụp các công chức thuộc địa ở miền Bắc trước đây, sẽ dễ dàng nhận ra bộ y phục mùa hè của họ khá "lạ lẫm", với sơ mi cộc tay và quần ngắn. Trang phục công sở của viên chức, của cảnh sát, của giáo viên, của công chúng… đều khá phù hợp với thời tiết nóng bức vào mùa hè, và trong bối cảnh lúc ấy, là điều hoà nhiệt độ vẫn chưa được sáng chế ra.

Cụ Hồ Chí Minh cũng có không ít những bức ảnh với quần cộc, áo ngắn giắt vào quần, thậm chí cả trong những dịp lễ nghi, tiếp khách quốc tế. Có không ít những bức ảnh Cụ Hồ chụp chung với những người đồng chí, ở chiến khu hay ở Hà Nội, với trang phục lịch thiệp như vậy: Quần cộc và áo sơ mi bỏ trong quần, đeo thắt lưng. 

Tức là, quần cộc, áo sơ mi ngắn tay giắt vào trong và đeo thắt lưng đã từng là trang phục lịch sự, được công chức sử dụng rộng rãi vào thời trước những năm 60 ở Hà Nội.

Ở gần ta, người Myanmar dù gần gũi với văn minh Anh quốc, thì trang phục chính thức, như là lễ phục của họ, cũng là áo rộng, váy và dép xỏ ngón. Người Malaysia và Indonesia thì sử dụng áo batik, một loại trang phục trang trọng, người Philippines sử dụng talagog baron, loại áo kiểu như sơ mì dài, mỏng và mát, may từ vải dệt từ sợi dứa, một sản phẩm được tạo ra từ cả truyền thống tagalog bản địa và ảnh hưởng của văn minh Tây Ban Nha thời thuộc địa. 

Trong mấy chục năm nay, chúng ta cũng đã có những đổi thay nhất định về quan niệm đối với trang phục, chủ yếu từ ảnh hưởng của các giai đoạn phát triển và các nền văn hoá tác động vào cuộc sống từng giai đoạn. Tuy nhiên, trang phục kiểu tây phương, với áo vest đen hoặc sẫm, sơ mi trắng, quần tây, cà-vạt đã trở thành một thứ trang phục được coi là lịch thiệp tiêu chuẩn cho nam giới, trong khi áo dài được coi là trang phục lịch thiệp cho nữ giới.

Cái bất tiện của những thứ trang phục này, là sự kém thích ứng với thời tiết.

Với khi hậu nóng bức và độ ẩm cao vào mùa hè ở miền Bắc, thật bất tiện khi phải "diện bộ củ xếch" để đến dự một sự kiện nào đó hay đến công sở. Cho dù điều hoà nhiệt độ có luôn được bật ở nhiệt độ thấp, thì cũng có lúc phải đi ra ngoài, và khi ấy, mồ hôi dính dấp cùng với mùi mồ hôi sẽ trở nên hết sức bất tiện. Áo dài cũng trở nên vướng víu, nóng bức không kém gì, khi chị em phải mặc nó trong những ngày nóng bức.

Cũng đã có những lúc, một số vị đại sứ của chúng ta khi dự các nghi lễ chính thức, đi trình quốc thư, sử dụng những trang phục có tính chất cổ điển, dân tộc, như áo tứ thân hay áo dài nam giới cách tân, cũng lại có vị sử dụng áo đuôi tôm theo…truyền thống của nước sở tại. 

Nhìn một cách bao quát, hệ thống các loại trang phục được coi là lịch sự, sử dụng cho giao tiếp hàng ngày ở công sở, ở các cơ quan, văn phòng, những dịp trang trọng trong xã hội, gần như không tương xứng với thời tiết ở ta, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam nóng quanh năm, hay với mùa hè nóng bức khắc nghiệt ở miền Bắc.

Việc chính quyền thành phố Hồ Chí Minh gần đây khuyến nghị công chức "cởi áo vest" để từ đó, có thể tăng nhiệt độ của điều hoà, hạn chế sử dụng điện khi chúng ta bước vào một mùa hè có nguy cơ thiếu điện, chắc chắn nên là một hành động đáng để suy nghĩ, và cân nhắc ở quy mô quốc gia.

Các nhà chính trị, cán bộ các cơ quan và công sở có lẽ nên được khuyến khích và thúc đẩy để sử dụng những trang phục phù hợp với thời tiết và phong tục, và những bộ trang phục của Cụ Hồ và các công chức trong những ngày đầu tiên của chính quyền cách mạng nên được cân nhắc sử dụng như trang phục mùa hè lịch sự và chính thức. 

Cũng nên thúc đẩy và sử dụng những trang phục phù hợp với thời tiết trong những nghi lễ chính thức, ví dụ những chiếc áo lụa hay đũi theo phong cách những chiếc batik của người Malaysia hay barong talagog của người Philippines chẳng hạn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem