Yêu cầu ngừng chơi golf: "Văn bản trái luật, cần thu hồi"

Thứ năm, ngày 20/10/2011 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Văn bản Bộ trưởng Bộ GTVT “yêu cầu cán bộ, lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý từ cấp Vụ trở lên... không tổ chức hoặc tham gia các giải golf” được TS Lê Hồng Sơn cho là "trái luật và cần phải thu hồi".
Bình luận 0
img
TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (thuộc Bộ Tư pháp)

Nhìn nhận về tính pháp lý của Văn bản 6630 do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký ngày 17.10, trong đó “yêu cầu cán bộ, lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý từ cấp Vụ trở lên... không tổ chức hoặc tham gia các giải golf” , TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (thuộc Bộ Tư pháp) khẳng định: Văn bản này trái luật và cần phải thu hồi.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tính pháp lý của Văn bản 6630 do Bộ GTVT vừa ban hành?

- Tôi cũng vừa nhận được văn bản này. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật, vì thế nó phải đảm bảo những yếu tố pháp lý cần có. Tuy nhiên, qua tham khảo văn bản này, tôi nhận thấy đây là văn bản trái luật. Cụ thể, văn bản yêu cầu “các cán bộ, lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý từ cấp Vụ trở xuống không tổ chức hoặc tham gia các giải golf...”, có nghĩa là cấm.

Nó cũng khá giống với trường hợp một số văn bản quy phạm trái luật đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” trước đây như văn bản cấm học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật ở ngoài trường, cấm vận chuyển gia súc, gia cầm trong nội thành, cấm người ngực nhỏ điều khiển xe máy...

Dù cho đối tượng điều chỉnh của văn bản này hẹp hơn, chỉ nằm trong số cán bộ thuộc Bộ (từ cấp Vụ trở lên) hoặc lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, nhưng việc ban hành một văn bản như thế này vẫn là vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tinh thần của văn bản này là hết sức tích cực bởi nó ra đời trong hoàn cảnh “một số cán bộ lãnh đạo ngành GTVT mất quá nhiều thời gian để chơi golf dẫn đến xử lý công việc chậm...”?

- Tôi đồng ý là tinh thần của văn bản là tốt và thừa nhận sự nhiệt tình trong công việc của lãnh đạo ngành GTVT. Gần đây, sự năng nổ nhiệt tình của một số cán bộ lãnh đạo mới đã tạo được một luồng sinh khí mới mẻ.

img
 

Nhưng bên cạnh sự nhiệt tình và trách nhiệm, các vị lãnh đạo cũng phải nắm rõ quyền hạn của mình đến đâu và quyền của đối tượng mình định điều chỉnh bằng văn bản đến đâu. Văn bản này thể hiện sự chủ quan, duy ý chí của người ban hành.

Tôi có thể đặt ra một số giả định: Trong ngày nghỉ, tất cả cán bộ công chức đều có quyền sử dụng quỹ thời gian của mình vào bất kỳ việc gì, kể cả chơi golf, tại sao lại cấm người ta chơi golf? Rồi khi người ta hoàn thành tốt công việc, tại sao lại cấm chơi golf?

Nếu người ta chơi cái khác trong giờ hành chính, ảnh hưởng tới công việc thì có cấm không? Đấy là chưa nói, bây giờ, người ta có cả “ngoại giao trên sân golf” mà đôi khi làm việc trên sân golf còn hiệu quả bằng mấy làm việc tại cơ quan.

Vậy theo ông, hình thức văn bản nào là phù hợp và đúng thẩm quyền trong trường hợp này?

- Theo tôi, Bộ trưởng chỉ cần ban hành một chỉ thị với nội dung chấn chỉnh, nhắc nhở cung cách làm việc của các vị cán bộ, lãnh đạo trong ngành, yêu cầu họ dành thời gian nhiều hơn để giải quyết công việc của mình sao cho hiệu quả là đủ rồi.

Còn nếu đúng là cán bộ, lãnh đạo dưới quyền Bộ trưởng chơi golf trong giờ hành chính hoặc sử dụng tài sản công để chơi golf, Bộ trưởng phát hiện được thì hoàn toàn có thể xử lý hành chính và xử lý thật nghiêm vì cái này, luật đã quy định.

Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến với Bộ GTVT về việc ban hành văn bản này, thưa ông?

- Cái này thì còn phải chờ báo cáo lên lãnh đạo Bộ Tư pháp, phải xử lý theo quy trình. Còn theo ý kiến cá nhân tôi, Bộ GTVT cần phải thu hồi văn bản này vì đây là văn bản trái luật. Tôi nhắc lại, trường hợp này chỉ cần dùng một chỉ thị không quy phạm là đủ rồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem