10 nhà nuôi 7 nhà thất bại, vẫn liều bỏ tiền tỷ dụ chim trời về ở

Thứ ba, ngày 24/07/2018 19:05 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, số lượng nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng đột biến. Mặc dù nuôi yến vẫn được xem là nghề “hên xui”, nhưng do giá trị của yến sào ngày càng tăng khiến người dân ồ ạt đầu tư thử vận may…
Bình luận 0

Nhiều may rủi

Sau một thời gian dành dụm tiền bạc, năm 2011, ông Lương Văn Trình ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom  quyết định xây dựng ngôi nhà 2 tầng để ở. Khi nhà đến giai đoạn hoàn thiện thì ông phát hiện có chim yến tìm về trú ngụ.

img

Nhà nuôi yến rất dễ nhận biết.

Từng nghe đến giá trị của yến sào nên ông Trình liên hệ với chuyên gia về chim yến để tìm hiểu thêm thông tin. Không ngờ họ bảo nhà của ông có khả năng nuôi yến. Do vậy, ông quyết định thử vận may. 

“Tôi đã tìm thuê được đội tư vấn kỹ thuật về khảo sát và đầu tư công nghệ tốn hơn 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống âm ly, loa phát tiếng dụ yến, máy phun sương điều chỉnh độ ẩm nhà nuôi… chờ chim bay về làm tổ”, ông Trình tâm sự.

Theo ông Trình, khoảng 3 tháng sau những cặp yến đầu tiên đã làm tổ trong nhà. Nhưng cũng phải chờ tới 2 năm ông mới bắt đầu có nguồn thu, bình quân mỗi tháng thu 1kg tổ yến.

"Nuôi yến khá đơn giản bởi đây là loài chim trời, ít dịch bệnh, không tốn công chăm sóc cũng chẳng cần đầu tư thức ăn. Quan trọng nhất trong quá trình nuôi phải giữ độ ẩm phù hợp với yến (độ ẩm 85% trở lên). Tuy nhiên, để dụ được yến về rất khó. Thực tế ở vùng này cứ 10 nhà nuôi thì 7 nhà thất bại.

img

Người dân thu hoạch tổ yến.

Ông Nguyễn Bá Quang Bình, một hộ nuôi yến ở huyện Trảng Bom cũng cho hay, giá 1kg tổ yến mới khai thác bán ra thị trường lên đến hàng chục triệu. Song, việc đầu tư xây một nhà yến cũng rất lớn, cứ 100m2 phải bỏ ra cả tỷ đồng. Đồng thời, phải mất vài năm chờ yến về làm tổ, thậm chí có nhà xây đã lâu nhưng yến không về.

Theo ông Bình, nuôi yến không chỉ đầu tư tiền tỷ để xây dựng nhà mà còn phải thuê tư vấn. Bởi chỉ có chuyên gia mới có cách dụ yến về. Giá tư vấn được tính cứ mỗi m2 tốn cả triệu đồng. “Gia đình tôi cũng có ngôi nhà yến 200m2. Do xây dựng nhà yến kết hợp nhà ở nên giảm bớt chi phí đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư phần thô cũng tốn gần 3 tỷ đồng, chưa kể chi phí thuê tư vấn, sau 5 năm mới thu được lứa tổ yến đầu tiên”, ông Bình chia sẻ.

Mặc dù nhiều hộ bỏ tiền thuê nhà tư vấn, nhưng tỷ lệ nuôi thành công cũng cực kỳ thấp. Bởi tư vấn chỉ đảm bảo dụ yến về ở chứ không chịu trách nhiệm việc có thu nhập từ tổ hay không. Có trường hợp sau khi thấy yến về sống, tư vấn rút đi, chờ mãi cũng chẳng thấy có thêm con nào về...  

Bất cập

Tình trạng phát triển ồ ạt nhà nuôi chim yến như hiện nay do không kịp nhân đàn dẫn đến mất cân bằng. Điều này không chỉ gây tổn thất về kinh tế cho hộ đầu tư mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.

img

Thu hoạch tổ yến

Trên địa bàn ấp Bảo Vinh B, xã Bảo Vinh, TX Long Khánh cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi chim yến, với gần 20 nhà yến mới mọc lên. Ông Nguyễn Hoàng, ấp Bảo Vinh B, tự học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước đầu tư xây nhà nuôi yến trên diện tích hơn 10m2. Ông lắp đặt hệ thống phun sương tạo hơi ẩm, máy đo nhiệt độ, camera quan sát, sóng âm thanh gọi yến về... May mắn là đàn yến đã kéo về và phát triển lên đến hàng ngàn con đang cho thu hoạch.

img

Hệ thống phát âm thanh dụ yến về làm tổ hoạt động suốt ngày đêm.

Từ thành công của chủ trại yến này, một số người ở nơi khác âm thầm tìm đến mua đất xây nhà để ngóng... chim về làm tổ. Tiếng ồn từ hệ thống âm thanh khuyếch đại, chất thải của chim gây mùi hôi thối.... đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ xung quanh.

Một người dân (giấu tên) ở xã Bảo Vinh rầu rĩ kể: “Thời gian đầu chỉ có vài nhà nuôi nhưng đến nay đã tăng nhiều. Tiếng chim kêu rinh tai từ sáng đến tối, mùi hôi bốc lên từ rất khó chịu. Những lỗ đục chi chít trên tường làm mất mỹ quan đô thị".

img

Nhiều địa phương người dân tự phát xây nhà nuôi yến.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, nuôi yến là một nghề đã có từ lâu. Gần đây giá yến sào tăng cao thì nghề này càng phát triển mạnh. Năm 2013, toàn tỉnh chỉ có gần 20 nhà nuôi yến ở TP Biên Hòa, đến nay đã lên tới 225 nhà ở các huyện, thị.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai cho biết: “Nuôi yến là một nghề cho thu nhập cao dù nhiều rủi ro, song hiện vẫn chưa có một cơ chế quản lý nuôi phù hợp. Do đó phát triển nuôi yến ồ ạt cũng phát sinh nhiều bất cập”.

img

Nhà xây dựng xong đã lâu nhưng yến không về làm tổ.

Theo ông Quang, trước đây Bộ NN- PTNT có thông tư quy định thủ tục cấp nuôi và các quy định tạm thời kèm theo, nhưng sau đó lại bãi bỏ nên việc quản lý còn hạn chế. Đặc biệt ở khu vực đông dân cư, các hộ vẫn phải chịu cảnh bị "tra tấn" tiếng ồn.

“Trước đây có quy định thời gian mở loa phát dụ yến hằng ngày, tiếng ồn dẫn dụ không quá 70 decibel. Tuy nhiên, quy định này cũng bị bãi bỏ nên nhiều nơi mở loa suốt ngày đêm. Loa phát âm thanh dụ yến đã ồn, khi chim về làm tổ thì càng ồn hơn. Cần phải có quy định cụ thể để quản lý chặt nghề này”, ông Trần Văn Quang cho hay.

Minh Sáng (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem