23 cán bộ tham gia chuỗi đường đi của gỗ lậu

Thứ tư, ngày 28/12/2011 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 27.12, sau buổi làm việc với Cục Kiểm lâm và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), nhóm nghiên cứu của TS Tô Xuân Phúc, thuộc Tổ chức Forest Trend đã thông tin thêm về kết quả điều tra tình trạng khai thác gỗ lậu và quản lý rừng.
Bình luận 0

Theo TS Phúc, vừa qua báo chí có nêu việc ông cùng nhóm tác giả công bố một kết quả nghiên cứu các nhóm hưởng lợi ích từ việc buôn gỗ lậu. Trong đó, riêng lực lượng kiểm lâm hưởng 39%, còn lại là đầu nậu và người dân.

img
Đang tồn tại đường dây trong khai thác, phá rừng.

Theo TS Phúc, kết quả trên được ông nghiên cứu dựa trên tình trạng khai thác gỗ quy mô hộ gia đình người Dao khu rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Đà (Hòa Bình). Số liệu thu thập được lấy từ một xe vận chuyển 6m3 gỗ lậu.

Theo nghiên cứu này, có nhiều người tham gia vào dòng luân chuyển gồm: Người dân (tức người khai thác). Các cán bộ quản lý cấp địa phương. Thành phần thứ 3 là đầu nậu (người buôn).

TS Phúc cho biết: "Trong quá trình di chuyển, đường đi của gỗ qua nhiều địa bàn khác nhau và có tổng số 23 cán bộ thuộc các cơ quan khác nhau tham gia vào vụ việc này. Trong đó, ở xã có trưởng thôn, chủ tịch UBND, công an xã, kiểm lâm địa bàn. Về cấp huyện, có kiểm lâm, công an kinh tế, thuế, cảnh sát giao thông. Tới cấp tỉnh và thị xã (Hòa Bình), cơ cấu tương tự cấp huyện và có thêm một bộ phận là cảnh sát 113.

Nhóm 23 cán bộ này hưởng lợi khoảng 39% với tổng số tiền nhận được. "Nhiều cán bộ tại các cơ quan khác nhau tại cấp địa phương tham gia vào lưu thông của gỗ, trong đó kiểm lâm chỉ là một bộ phận" - TS Phúc dẫn kết quả nghiên cứu khẳng định.

Cũng theo TS Phúc, nhóm nghiên cứu của ông thực hiện nghiên cứu trên nhằm cảnh báo một thực tế là, khi xảy ra tình trạng chặt phá rừng, buôn lậu gỗ, dư luận cũng như cơ quan quản lý Nhà nước thường có xu hướng đề nghị trao thêm quyền cho cán bộ địa phương, kiểm lâm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đưa ra lập luận rằng, việc trao thêm quyền cho cán bộ địa bàn, trong đó có kiểm lâm có thể gây ra tác động ngược. Bởi làm như vậy sẽ tạo cơ hội cho cán bộ tiếp tục tham gia vào quá trình vận chuyển, bảo kê cho gỗ lậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem