Tôi dốc tay đổ hết đồ vật trong túi phép ra chiếc mâm nhôm nhỏ. Lỉnh kỉnh nào đồng, đá, sừng, răng… Chiếc màu nâu, chiếc màu vàng, có chiếc đen xỉn, kích cỡ cũng khác nhau. Một chiếc nanh hổ, một răng hàm tinh tinh, một nanh lợn lòi, một nanh chó sói, có thứ đã hóa thạch.
Một lưỡi rìu đồng Đông Sơn, một mảnh tước đá thời nguyên thủy. Dăm bảy chiếc sừng, linh dương, nai, có cả sừng tuần lộc bên tận châu Âu. Có viên đá hình răng hàm, có viên lại hình nanh hổ… Mo Lựng bảo, ông đã chia bớt cho người khác một số đồ, nếu không thì còn nhiều hơn nữa.
Bảo bối gia truyền của thầy mo Bùi Văn Lựng.
Cầm trên tay một nắm nanh, sừng thú hoang, thầy mo Lựng bảo: “Tất cả những nanh, sừng này phải được nhặt trong rừng, từ con thú đã chết lâu năm để lại. Nó có thể chết già, hay bị dã thú lớn giết hại, thịt xương tan đi, nanh sừng để lại.
Nếu bẫy hay bắn chết thú để lấy sừng nanh của chúng, thì khi làm phép không có tác dụng gì. Xưa đến nay, các cụ chỉ chọn chiếc sừng, nanh bên trái vì cho rằng, vía của nó mạnh hơn sừng, nanh phải gấp ba bốn lần”.
Rồi ông chỉ cho chúng tôi xem những dấu vết sần sùi nguyên vẹn của một chiếc sừng, chứng tỏ nó đã tự rụng ra khỏi xương sọ chứ không bị cưa cắt. Ở chiếc nanh lợn lòi to dài, cong vút, dễ dàng nhận thấy nó đã rơi ra tự nhiên, còn nguyên chân gốc.
Người Mường Bi quan niệm, chỉ nanh, sừng của muông thú nhặt được trong rừng thì khi làm phép mới linh thiêng .
Mỗi đồ trong túi phép này có một công dụng riêng. Trừ tà, tăng vía, tăng sinh lực… khi cần loại nào thì mo Lựng sẽ lấy món đồ đó ra ngâm vào chậu nước mát, dùng nước đó làm phép.
Tôi hỏi: “Tại sao những bảo bối này đều là nanh sừng, đá, đồng thô cứng?”. Mo Lựng trả lời không chút ngập ngừng: “Vì sức mạnh của con thú chính là ở sừng, nanh, vuốt. Chú sơn lâm cai quản rừng già với nanh to và vuốt sắc. Con lợn lòi có chiếc răng nanh hùng mạnh. Linh dương có đôi sừng nhọn hoắt…
Đồng, sắt, đá thì cứng rắn. Càng trải qua thời gian lâu đời càng mạnh mẽ. Nên mới nói, chiếc răng hàm tinh tinh hóa thạch của tôi được coi là bảo bối vô giá của các thầy mo là vậy. Nó là “vía” mạnh nhất trong túi phép của tôi”.
Chiếc răng hàm tinh tinh hóa thạch vô giá của thầy mo Lựng.
Người xưa tin rằng, có bên mình những thứ mạnh mẽ nhất của các loài thú, của thiên nhiên, thì sức mạnh của thầy mo sẽ theo đó mà tăng lên đáng kể.
“Tôi tận mắt chứng kiến ông tôi dùng chiếc răng tinh tinh và nanh hổ chữa trị cho một phụ nữ trong vùng sinh con xong bị sản hậu. Chị này nằm trong gian bếp, hôn mê, nóng lạnh thất thường, miệng luôn lảm nhảm như mê sảng.
Điều kỳ lạ khiến mọi người khiếp vía là chị gào gọi đến thứ gì trong nhà thì thứ đó xáo trộn. Khi chị kêu “bắt lấy con trâu” thì đàn trâu lồng lên húc sừng vào sàn nhà. Chị kêu “bắt con lợn lại”, thì trong chuồng ré lên tiếng lợn eng éc, lồng chạy ầm ầm…
Mọi người mời ông tôi đến, tôi đi theo. Ông xem qua, rồi lấy trong túi phép ra hai bảo bối ngâm vào bát nước sạch, cho thêm ít gừng tươi giã nhỏ vào, rồi ngậm vào miệng phun phì phì vào người ốm.
Rồi ông cất tiếng mo, hát một đoạn sử thi để truyền niềm tin về cuộc sống, về sự mầu nhiệm của trời đất cho người bệnh. Thỉnh thoảng ông lại rung chuông hay gõ trống đồng nhè nhẹ.
Chừng năm phút sau, người phụ nữ tỉnh lại, ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra với mình. Còn người nhà thì mừng khỏi phải nói, lạy tạ rối rít. Ông tôi bảo, ai bị ếm, bị ma tà thì túi phép của thầy mo chữa được, còn ốm đau bệnh tật thì chỉ nên đi bệnh viện chữa thôi”.
Một viên đá tự nhiên có hình chiếc răng hàm dùng để làm mo.
Theo lời thầy mo Lựng và những người biết chuyện, thì cụ Bùi Văn Đặng (ông nội của mo Lựng) vốn là một thầy mo cao tay bậc nhất trong vùng. Cụ Đặng là thầy mo thế truyền đời thứ 6 của họ Bùi đất Mường Bi, uy danh lừng lẫy.
Cụ Đặng mới mất năm 1999, nhưng những năm cuối đời vẫn được người quanh vùng dìu rước đi mo. Khi đã ngoài 90 tuổi, mắt đã mờ, nhưng tai cụ còn rất thính, đọc mo sang sảng cả ngày đêm mà không sai một câu một chữ nào.
Trong đàn con và cháu đông đúc của mình, cụ Đặng để mắt tới Bùi Văn Lựng, là đứa cháu nội sinh năm 1957, có ý truyền lại túi khót (túi phép). Năm 1977, Lựng đi bộ đội, rồi sang tình nguyện bên nước bạn Campuchia.
Cuối năm 1979, anh bộ đội dạn dày sương gió phục viên về làng, cưới vợ. Nhưng nhà có tang, phải ba năm liền mặc đồ trắng, kiêng ăn ốc, khoai môn…. Đến năm 1981 thì đứa con trai đầu lòng mới ra đời.
“Thời gian này ông càng hay dắt tôi đi theo giúp việc cho ông mỗi buổi mo. Lúc ông làm lễ, tôi thường nằm trong góc sàn nghe lời mo, rồi dần dần nhập tâm lúc nào chẳng rõ. Nhất là những buổi mo suốt mấy đêm ròng, không gian tĩnh lặng, lại có khung cảnh phù hợp, nên càng nhanh nhớ, dễ thuộc lắm.
Dần dần, thấy tôi đã thạo việc, thỉnh thoảng ông lại sai tôi đọc giúp bài mo đã thuộc. Thường thì mỗi tháng ông cháu tôi chỉ có một vài ngày nghỉ không đi mo, nên chỉ đến năm 25 tuổi tôi đã thành thục tất cả công việc của một thầy mo cần làm.
Lúc này, ông đã tin tưởng giao cho tôi đi hộ những buổi mo đơn giản, để tập trung vào những lễ nghi quan trọng hơn. Khi nhắm mắt, trao lại toàn bộ kho báu gia truyền là chuông túi kiếm gậy cho tôi, ông đã tận tình dìu dắt tôi suốt hơn 25 năm” – mo Lựng trầm ngâm hồi tưởng.
Sau hơn 25 năm được ông nội dìu dắt, ông Bùi Văn Lựng trở thành thầy mo thế truyền đời thứ 7 của họ Bùi
Có nghĩa là bỏ qua tất cả những người con cháu của mình, kể cả con trưởng, đích tôn, cụ Bùi Văn Đặng chọn một người cháu thứ Bùi Văn Lựng làm thầy mo thế truyền đời thứ 7. Những bí ẩn trong quyết định đó được thầy mo Lựng tâm sự rất thành thật rằng:
“Kể cả tôi cũng vậy thôi, sau này chọn người kế thừa cũng cần tìm một người trong dòng tộc hội đủ nhiều yếu tố. Đó phải là người có tuổi tác phù hợp, có căn số với nghề mo. Bên cạnh, người đó phải yên bề gia thất rồi, có con nối dõi, là một người đàn ông thực thụ, bản lĩnh vững vàng.
Nhưng điều không thể thiếu được là người muốn làm thầy mo phải thực sự tự hào, trân trọng nghề này. Có vậy, lời ca điệu múa khi diễn xướng sử thi mới xuất phát từ tâm khảm, truyền đến tâm thức con người, mà lay động đến cả những nơi huyền bí linh thiêng nữa”.
Tôi ướm bảo, muốn được tham gia chứng kiến một buổi mo, thầy mo Lựng nghĩ ngợi hồi lâu, rồi khẽ gật đầu…
(Còn tiếp...)
(Theo VTC News)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.