Sự vắng vẻ ở Suối Mỡ một phần vì mùa vui hội đã qua, nhưng phần cũng vì người ta rỉ tai nhau về những huyền bí nơi thâm sơn cùng cốc. Và sự thật dần được hé mở.
Những lời nguyền…Suối Mỡ là một địa điểm du lịch đẹp và hấp dẫn du khách đến thăm quan, khám phá vì vùng đất còn giữ được phần hoang sơ. Thế nhưng, nơi đây ghi nhận việc nhiều khách du lịch đến với suối Mỡ đã chết rất thương tâm.
Ảnh minh họa.
Một điều kỳ lạ là nạn nhân của những cái chết này thường là những thanh niên tuổi ngoài đôi mươi, nam cách nữ chừng mười tuổi và khu vực bị chết rất gần nhau. Người dân nơi đây vẫn bảo nhau: “Đó là Quế Mị Nương về bắt những “đồng nam, đồng nữ” làm người giúp việc cho mình”.
Truyền thuyết kể lại, vùng đất này xưa kia được Công chúa Quế Mị Nương khai hoang, lập ấp xây dựng nên. Trong một lần du ngoạn đến thung lũng Huyền Đinh, công chúa thấy nơi đây đất đai khô cằn, dân chúng đói khổ đã dùng năm đầu ngón tay đè xuống những tảng đá, lạ thay, một dòng nước ào ạt chảy ra tạo thành dòng suối mang nước đến cho dân làng.
Quế Mị Nương sau khi mất đi được dân lập đền thờ là đền Thánh Mẫu thượng ngàn. Nhưng nàng thiếu những cung tần, hầu cận ở bên cạnh mà những người này lại phải là những “đồng nam, đồng nữ” mới có thể phù hợp với công việc bên cạnh Thánh Mẫu.
Chính vì thế, Quế Mị Nương đã “bắt” những người đến tham quan ở khu vực suối Mỡ để làm người giúp việc cho mình. Hơn nữa, “người” thường “bắt” vào tầm tháng 3, tháng 4 hàng năm, đó là thời điểm mùa xuân, cỏ cây sinh chồi nảy lộc, con người rạng rỡ, tươi vui mới có thể phục vụ “người”.
Anh Nguyễn Văn Hải - bảo vệ khu vực này vừa kể lời nguyền, vừa kính cẩn nhìn về phía dòng suối chảy rì rầm: “Công chúa có ơn lớn với người dân nơi đây, nhưng vẫn mong người độ lượng đừng bắt thêm người nữa, những cái chết cứ nối tiếp nhau, giờ ai đến nơi này cũng hoang mang”.
Theo nhiều người dân khác, nguyên nhân khởi nguồn lại là từ cái chết của một người đàn ông cách đây rất lâu tại suối Mỡ. Người chết không tìm thấy xác, nhưng suối Mỡ từ đó cũng trở nên ầm ào, dữ dằn hơn, cái lạnh gai người khiến người ta rùng mình.
Chị Phạm Thị Huế, người trông xe cho khách du lịch, ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Linh hồn người đàn ông không được siêu thoát nên mọi người cứ theo dớp đó mà chết. Vì người chết giăng bẫy để bắt một linh hồn khác thay thế cho mình, có vậy mới sớm được siêu thoát, đầu thai làm người”.
Để làm yên lòng người dân, năm vừa qua Ban Quản lý khu du lịch đã mời cao tăng về cầu an cho những vong hồn chết đuối ở khu vực suối Mỡ, mong cho họ nhanh chóng được siêu thoát. Nhưng có lẽ đó chỉ là biện pháp tinh thần, còn trên thực tế những lời nguyền được đồn thổi này xuất hiện vì những nguyên nhân khác.
… hay có người chết nhưng đều do bị ngãTận mắt ngắm dòng suối Mỡ tung bọt trắng xóa trùm lên những tảng đá lớn chông chênh, trơn bóng cũng đủ thấy địa hình hiểm trở nơi đây. Suối Mỡ không quá dốc, hai bên bờ lại có những tảng đá lớn dựa mình vào dòng suối tạo nên cảnh tượng thiên nhiên có vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ. Trong quang cảnh ấy, hầu hết thanh niên đến đây chơi đều bước ra những mỏm đá để tạo dáng chụp ảnh.
Những người trong Ban quản lý và những người dân ở khu vực xã Nghĩa Phương, Lục Nam khẳng định những câu chuyện ma quỷ chỉ là bịa đặt. Ông Phạm Sơn - Trưởng Ban quản lý khu du lịch suối Mỡ, cho biết: “Tất cả chỉ là đồn thổi chứ làm gì có lời nguyền nào. Những năm trước ở khu vực này cũng hay có người chết ở suối nhưng đều là do bất cẩn nên bị ngã”.
Ông Sơn lý giải, những năm trước khu vực suối Mỡ còn hoang sơ, chưa được tôn tạo nên đường rất khó đi, hiểm trở. Mọi người cứ thích leo lên các mỏm đá để chụp ảnh, ngắm cảnh nên trượt chân thôi. Hai năm gần đây, công tác cải tạo khu vực suối được tiến hành bài bản, nên người chết cũng không còn nữa. Điều đó cho thấy tất cả những lời nguyền đều không có căn cứ.
Khi được hỏi tại sao số người chết lại là thanh niên và đều chết ở khu vực gần nhau như thế. Ông Sơn khẳng định: “Không phải ngày trước mà hiện nay số khách đến thăm quan vẫn chủ yếu là thanh niên. Mà thanh niên thì thích khám phá, thích mạo hiểm mà lại có tính bất cẩn nên thường xảy ra những tai nạn đáng tiếc”.
Ở khu vực đền Trung có một đoạn suối chảy rất đẹp nhưng cũng chính là chỗ đất đá cheo leo, trơn trượt. Khi ra đó, chỉ cần sơ sẩy một chút là bị ngã xuống vách núi ngay. “Mà đã ngã xuống đó thì chỉ có trời mới cứu được”, ông Sơn cho biết thêm.
Giải thích về việc những cái chết thường xảy ra vào dịp tháng 3, tháng 4 hằng năm, ông Phạm Sơn cho hay: “Ở đây có lễ hội vào thời gian đó”. Tháng ba âm lịch hàng năm mọi người thường đổ về suối Mỡ rất đông để tham gia lễ hội Thánh Mẫu thượng ngàn. Thêm vào đó, đây chính là thời gian suối Mỡ nhiều nước nhất trong năm, nước phủ kín lên các mỏm đá, che khuất tầm nhìn của mọi người. Người đến lễ hội thường rất đông, thanh niên lại hay chen lấn nhau, chạy nhảy tại khu vực đất đá dễ lở nên thường xuất hiện những tai nạn đáng tiếc.
Cụ Trần Thị Hằng, 82 tuổi, người đã sống và làm việc ở khu vực này 28 năm qua cũng cương quyết: “Tôi đã ở đây cả nửa đời người, có thấy ma quỷ gì đâu, người ta cứ đồn đại thế. Thật ra không có lời nguyền gì cả, những người chết ở đây đều là do bất cẩn trượt chân rồi đập đầu vào đá nên mới chết như vậy”.
Bạn Ngô Quang Anh - sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Thương mại đã từng đi du lịch ở suối Mỡ, cho hay: “Đã đến tận đó mà không ra suối chụp ảnh thì thật là tiếc, cảnh ở đó rất đẹp và không khí thật trong lành. Mình cũng có nghe được những lời đồn đại về chuyện chết người ở đó nhưng đi đông bạn bè thế thì lo gì có ma quỷ”.
Để có thể hạn chế những rủi ro, Ban Quản lý khu du lịch suối Mỡ cũng đã tiến hành cảnh báo bằng loa, cho xây dựng cầu thang và cải tạo khu vực nguy hiểm để mọi người đến tham quan được an toàn nhất có thể. Qua đây, ông Sơn cũng cảnh báo: “Mọi người đến với khu vực suối thì hết sức để ý, quan trọng là bản thân mình cẩn thận, chứ mọi biện pháp an toàn mà họ đều coi thường thì cũng không có tác dụng”.
Lời nguyền vẫn được mọi người to nhỏ tại khu suối Mỡ, Lục Nam này như chính tiếng chảy rì rầm của con suối giữa rừng đại ngàn. Tuy nhiên, tất cả những cái chết bí ẩn chỉ là do sự bất cẩn của những người đến tham quan khu vực suối Mỡ gây nên. Thêm vào đó, một số kẻ đã lợi dụng lòng tin của mọi người, thêu dệt nên những câu chuyện thần bí, cổ quái, để trục lợi cá nhân.
Mọi người đến với suối Mỡ nếu có gì bất thường xin hãy báo lại với Ban quản lý, bảo vệ của khu du lịch có mặt ở khắp mọi nơi để tiếp thu những ý kiến đó”, ông Phạm Sơn nhấn mạnh. Hãy để cho suối Mỡ thực sự trở thành điểm du lịch thiên nhiên tươi đẹp và đừng phủ lên nó những bức màn huyền bí.
DLVN/SBĐ (Theo DLVN/SBĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.