6 Hoàng hậu, phi tần nổi tiếng nhà Hậu Lê, tất cả đều quê Thanh Hóa

Khu di tích Lam Kinh (ditichlamkinh.vn) Thứ năm, ngày 24/10/2024 08:45 AM (GMT+7)
Đền thờ bà Trịnh Thị Ngọc Thương mẹ vua Lê Thái Tổ ở xã Thủy Chú huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Xuân Thắng huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hoá). Bà Trịnh Thị Ngọc Thương lấy chồng là Lê Khoáng sinh ba người con trai: Lê Học là con cả, Lê Trừ là con thứ, út là Lê Lợi và ba người con gái...
Bình luận 0

LĂNG QUỐC MẪU TRỊNH THỊ NGỌC THƯƠNG

(Đền Hiển từ Hoàng Thái Hậu)

Đền thờ bà Trịnh Thị Ngọc Thương mẹ vua Lê Thái Tổ ở xã Thủy Chú huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Xuân Thắng huyện Thọ Xuân) tỉnh Thanh Hoá. Bà Trịnh Thị Ngọc Thương lấy chồng là Lê Khoáng sinh ba người con trai: Lê Học là con cả, Lê Trừ là con thứ, út là Lê Lợi và ba người con gái là Ngọc Tá, Ngọc Vinh và Ngọc Tiên. 

Ngày mất và nơi an táng của bà không có tài liệu nào ghi chép. Nguồn sử cũ như Đại Năm nhất thống chí, Đại việt sử ký toàn thư, Đại việt thông sử, Lam Sơn thực lục cho biết: Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tức (Lê Thái Tổ) nhà vua đã cho xây dựng đền ở xã Thủy Chú.

Về cấu trúc của đền không có tài liệu ghi chép nhưng hẳn là một ngôi đền lớn mà hoàng đế Lê Lợi cho xây dựng tại quê hương của bà để tôn thờ mẹ. Tại địa điểm đền thờ cũ ở đồi Cây Thị (làng Chủ Sơn), không gian của di tích vẫn còn đó là trên nền đất cũ vẫn còn những viên đá tảng và vật liệu gạch ngói, gốm có niên đại từ thời Lê Sơ. 

Trong trí nhớ của những người cao tuổi trong làng, phía trước đền có một ao (gọi là ao đền) nước đục mầu hồng từ đời này qua đời khác, dưới ao có rùa. Trong đền thờ nguy nga lộng lẫy với bàn thờ, kiệu rồng, cờ, lọng, hoành phi, câu đối. 

Trong nội cung có ngài thờ và bài vị của Hoàng Thái Hậu. Đến nay ngôi đền không còn nhưng địa điểm và không gian văn hoá vẫn đọng lại tâm trí của người dân. 

Đây là một địa điểm cần được bảo tồn để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, khảo cổ học để có thể tìm được dấu tích quy mô kiến trúc xưa nhằm phỏng dựng tôn tạo làm nơi thờ cúng, phục vụ công tác khôi phục tưởng nhớ đến người đã có công với dân với nước.

THẦN PHI TRỊNH THỊ NGỌC LỮ

(Vợ Vua Lê Thái Tổ)

Thần phi họ Trịnh huý là thị Ngọc Lữ sinh ra ở một vùng đất địa linh nhân kiệt, đây là quê hương của nhiều tướng lĩnh thời Lê Sơ. Theo truyện kể dân gian Thịnh Thị Ngọc Lữ (Lã) là người con gái của Trịnh Quốc Hoàn, một hào trưởng ở trang Bái Đê (Bái Đu) huyện Lôi Dương nay là Bái Đô xã Xuân Bái huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá. 

Bà là một trang nữ lưu hương tuyệt sắc giai nhân, 20 tuổi bà về làm dâu nhà họ Lê, bà sinh được hai người con, một trai một gái, con trai trưởng đặt tên Tư Tề, con thứ là công chúa Đào Nữ.

Theo sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ người trang Bái Đô, huyện Lôi Dương. Bà sinh ra quận vương từ tề mất năm Thái Hoà (1453) đời vua Lê Nhân Tông, bà không được phong là Hoàng hậu nhưng dân gian vẫn gọi một cách tôn kính bà là Hoàng hậu.

Tháng giêng năm Mậu Tuất (1418) nghĩa quân Lam Sơn khỏi binh, tháng 4 năm đó quân Minh nhờ kẻ phản thần dẫn đường đánh vào hậu cứ Lam Sơn. Bà Phạm Thị Nghiêu bị nội quan nhà Minh là Mã Kỳ bắt. 

6 Hoàng hậu nổi tiếng nhất nhà Hậu Lê, tất cả đều quê Thanh Hóa, lăng mộ quàn ở Lam Kinh- Ảnh 1.

Sau chính điện Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đến Thái miếu, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và Hoàng Thái hậu nhà Lê (nhà Hậu Lê). Theo kết quả khai quật khảo cổ, trong khu vực này gồm 9 tòa kiến trúc. Hiện nay, đã tôn tạo, phục hồi được 5 tòa (các tòa số 3, 4, 5, 6, 7).

Theo hầu đức Thái Tổ là bà Trịnh Thị Ngọc Lữ và bà Ngọc Trần. Năm 1424 bà Ngọc Trần mất ở Nghệ An, nội cung chỉ còn lại bà Trịnh Thị Ngọc lữ. Sau 10 năm theo gót lê Lợi lặn lội sông núi cùng chồng nằm gai nếm mật chịu đựng gian nan để hoàn thành cơ nghiệp.

Năm 1427 cuộc Khởi nghĩa lam Sơn toàn thắng con trai Tư Tề được lập làm Quốc Vương "tạm coi việc nước" bà Trịnh Thị Ngọc Lữ được phong chức Quốc Thái Mẫu. Năm 1433 Quốc vương Tư Tề bị giáng xuống làm Quận Vương, bà Ngọc Lữ bị giáng theo là Quận Mẫu. 

Tuy Quốc vương Tư Tề một người khí chất cứng rắn, từng trải chiến trận, lập công nơi chiến trường, lại cùng Lưu Nhân Chú vào ra hang Hùm, ổ sói khiến tướng giặc Vương Thông thành Đông Quan phải khuất phục. 

Nhưng vì tội vương Tư Tề quá lớn " mắc bệnh điên cuồng" không hợp ý Vua. năm 1438 vua Lê Thái Tông phế truất Quận Vương Tư Tề xuống làm thứ dân, bà Trịnh Thị Ngọc Lữ chỉ còn chức thần phi.

Trịnh Thị Ngọc Lữ là một phụ nữ tốt nết, tuy trong hoàn cảnh gây nên biến cố bất thường, nhưng bà vẫn giữ tư cách đạo đức, luôn giữ bổn phận an bề gia đạo để đảm bảo sự yên lành trong nội cung và cùng là trong triều đình. 

Bà không được nhận là Hoàng hậu, cũng bị mất ngôi Thái Hậu nhưng bà vẫn xứng đáng là hoàng hậu và đế hậu của dân tộc. 

Chính sử không ghi nhưng Ngọc phả và cá nhân nhà sử học đã hợp với nhân tâm khi dùng dùng thuật ngữ" Hoàng hậu, Đế hậu" để nói về Trịnh thị Ngọc Lữ, bà không phải là hoàng hậu theo quy định của vương triều nhưng là hoàng hậu của lòng dân.

Trong cuộc đời Lê Lợi, bên cạnh sự nghiệp vẻ vang là lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi, giải phóng dân tộc mở ra kỷ nguyên Đại Việt cho đất nước ở thế kỷ XV, còn có một gia đình mà mọi người đã quây quần quanh ông, cùng nếm mật nằm gai, cùng gắng chí sức, tự phát huy tài năng để góp phần cùng làm nên sự nghiệp lớn, trong đó có sự đóng góp của thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ. 

Chúng ta nhắc đến tên tuổi của bà Trịnh Thị Ngọc Lữ chói lọi không phải vì bà là hiền thê trọn đời của Lê Thái Tổ là chính bởi bà đích thực là một anh hùng nghĩa quân Lam Sơn lẫm liệt. 

Người góp phần nhem nhóm cuộc khởi nghĩa vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam và đi trong cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi cuối cùng, người đã chung tay xây dựng nên triều đại Hậu Lê hiển hách của dân tộc.

ĐỀN HIẾN NHÂN

(Vợ Vua Lê Thái Tổ)

Đền thờ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần là vợ vua Lê Thái Tổ và mẹ Lê Thái Tông, do Lê Lợi dựng tại xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa, tiến quân vây thành Nghệ An, di qua đền thần Phổ Hộ ở xã Triều Khẩu, huyện Hưng Nguyên, ban đêm mộng thấy thần nhân đến xin một người tỳ thiếp, hứa sẽ giúp vua việc đánh giặc. Sáng ra vua đem việc hỏi các bà vợ, ai cũng lo sợ, riêng bà Trần vui vẻ tự nguyện hiến thân. Lần ấy quả nhiên bà mất tại trận. Khi linh cữu bà được đưa về xã Thịnh Mỹ, bỗng kiến đùn lên áo quan thành đống như ngôi mộ. Lê Thái Tổ cho dựng đền thờ gọi là Hiến Nhân.

Về bà Phạm Thị Ngọc Trần, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn và Đại Nam nhất thống chí đều chép: Đền thờ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần còn gọi là Cung từ hoàng hậu đền. Bà Ngọc Trần là vợ cả của Lê Thái Tổ, mẹ vua Lê Thái Tông, người xã Quần Đội, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), làm vợ Lê Lợi khi chưa khởi nghĩa. 

Lúc Lê Lợi chống giặc Minh luôn phải di chuyển, không ở nguyên một chỗ nào, bà lặn lội theo hầu, trải nhiều gian khổ. Năm (1425), Lê Lợi đem quân vào đánh giặc Minh ở Nghệ An đến gần thành Triều Khẩu thì bà mất. Năm 1434 Lê Thái Tông lên ngôi truy tôn mẹ làm Cung từ quốc thái mẫu. Năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) lại truy tôn thụy hiệu là Cung từ Quang Mục quốc thái mẫu.

Về cái chết của bà có truyền thuyết do Lê Quý Đôn chép trong Đại việt thông sử: Lê Thái Tổ đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên, nơi này có đền thờ thần Phổ Hộ. 

Ban đêm vua mộng thấy có vị thần đến bảo rằng: "Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân diệt giặc Ngô, làm nên nghiệp đế". Hôm sau vua gọi các bà vợ đến hỏi: "Có ai chịu đi làm vợ vị thần không? Sau này khi lấy được nước ta sẽ lập con của người ấy làm thiên tử". 

Các bà không ai nói gì, chỉ có hoàng hậu quỳ thưa: "Nếu minh công giữ lời hứa thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp". Nhà vua khen ngợi và thương cảm nói với các bề tôi, nhận theo lời hẹn đó. 

Lúc này hoàng hậu có con mới được 3 tuổi, bèn giao cho người hầu bế ẵm nuôi nấng. Nhà vua sai làm lễ tế thần, dùng hoàng hậu làm vật tế. Hoàng hậu bèn mất, đó là ngày 24 tháng 3. Khi vua Thái Tổ đã bình định được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế bảo rằng: "Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái". 

Bèn sai người ở động Nhân Trầm là Lê Cố rước quan tài về ở Thanh Hóa. Lê Cố đi đến xã Thịnh Mỹ thì trời tối, chưa kịp qua sông, bèn ngủ trọ ở chợ. Đến đêm mối đùn lên quanh quan tài một đống đất cao, biến thành nấm mồ. Sứ giả thấy sự lạ trở về tâu. 

Vua chợt hiểu ra nói: "Đó là vị thần đã làm theo lời hẹn", bèn sai bảo cứ để quan tài ở đó, dựng điện Hiến Nhân để thờ, đồng thời dựng miếu, đặt bài vị ở Lam Kinh để cúng tế.

Lại tương truyền rằng về sau Lê Thái Tổ chọn quận vương Tư Tề làm giám quốc có ý muốn truyền ngôi. Một hôm giữa trưa, vua nằm nghỉ, chợt mộng thấy hoàng hậu (bà Ngọc Trần) hiện lên trách rằng "Nhà vua phụ công của thiếp: từ hồi mới khởi nghĩa, đã đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng". Vua tỉnh dậy, lòng bồi hồi xúc cảm, bèn quyết định lập Nguyên Long làm con đích cho nối ngôi.

Về khu di tích này, sách Đại Nam nhất thống chí chép dưới thời Nguyễn vẫn còn. Hiện tại đền đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong tương lai, di tích Cung từ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần cần phải được nghiên cứu, trùng tu và tôn tạo lại.

LĂNG QUỐC THÁI MẪU TRỊNH THỊ NGỌC LUNG

Lăng Quốc Thái Mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung thuộc xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, nay là xã Thịnh Mỹ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách di tích lịch sử Lam Kinh khoảng 4km về phía đông nam, theo quốc lộ 47 cũ (nay là Quốc lộ 506). Từ huyện lị Thọ Xuân theo hường tây đi gần đến km 9 rẽ khoảng 400m là đến Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung.

Theo" Hậu Đức cung bi ký" cho biết, Trịnh Thị Ngọc Lung sinh tháng 3 (Giáp Tý) năm Nhâm Tý (1612), đời vua Lê Kính Tông - niên hiệu Hoàng Đức thứ 13 (1613), mất năm 1706, thọ 94 tuổi. Bà là con gái Quận công Phạm Phú Lộc và là chính phi của Tây định Vương Trịnh Tạc.

Khi vua Lê Thần tông mất, con thứ là Duy Cối mới 2 tuổi, Trịnh Tạc đem về cho Ngọc Lung nuôi nấng, dạy dỗ. Tuy không phải là con mình nhưng Ngọc Lung đã " vâng lời ký thác, chăm lo nuôi dưỡng Duy Cối trong phủ hết lòng. 

Giúp đỡ dạy bảo, nghe lời ngay theo đạo chính, hàng ngày cho nghe bàn việc nước. Nay 11 tuổi, tuổi đã lớn, đức đã thành sớm nổi tiếng hiền tài hiếu thảo, có thể nối được nghiệp lớn, nên tôn lập lên ngôi Hoàng đế để thỏa lòng trông đợi của thần dân trong nước"

Ngày 19 Bính Dần, Vương thân đem Tiết chế phủ và các quan đại thần văn, võ, tôn lập Hoàng đế Duy cối lên ngôi Hoàng đế (tức Lê Gia Tông), lấy năm sau là Dương Đức thứ nhất (1672), tôn chính phi của Vương là Trịnh Thị Ngọc Lung làm Quốc Thái mẫu (Đại Việt sử ký toàn thư tập III, Tr 287).

Trịnh Thị ngọc lung với tư cách là chính phi của Trịnh Tạc, Bà đã cùng với chồng mình giúp cho nhà Lê "khôi phục cơ đồ, trong sửa chính sự, ngoài dẹp di địch, công lao xã tắc trùm vũ trụ, đức sánh trời đất. Danh vọng đã khắp đến nhân dân".

Sau này, vua Lê Huyền tông còn đánh giá công lao đóng góp của Trịnh tạc và Thái phi Trịnh thị Ngọc lung đã được sử sách ghi lại "Đến khi hoàng Khảo ta mệt mỏi chầu giời, trong lúc nguy nghi, đều nhờ ở Thượng Sư Tây Vương Trịnh Tạc đảm đương việc ký thác con côi và tiết chế phủ cùng đại thần văn võ trăm quan tôn lập ta lên ngôi Hoàng đế để nối dõi việc lớn. Đã có công dạy bảo ta từ bé, được hưởng phúc vì thiện theo người hiền"

Khi vua Lê Gia tông qua đời, Trịnh Thị Ngọc Lung "thân hành đến viếng, làm lễ lạy và khóc rất thương xót...thần liêu văn võ ai thấy cũng cảm động đến ri nước mắt" (Lịch triều tạp kỷ - Ngô Cao Lãng).

Khi trở thành chính phi của trịnh tạc và được tôn làm Quốc Thái mẫu, Ngọc Lung có nguyện vọng là được làm sinh từ tại Thịnh Mỹ xã và được Nhà Chúa chấp thuận.

Đầu xuân năm Bính Dần (1685), Nhà Chúa đặc cách phân nhiệm một bộ phận xây dựng sinh từ cho Trịnh thị Ngọc Lung do Chúa Trịnh cắt cử. Như vậy, Lăng được xây dựng 21 năm trước khi Quốc Thái Mẫu qua đời (Hậu Đức cung bi ký).

Do biến thiên của lịch sử, Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung không còn kiến trúc như xưa. Hiện tại toàn bộ khu vực lăng được phân bố trên một mặt bằng với diện tích 4.600m2 bao gồm khu vực cổng lăng và chính lăng. Toàn bộ khu vực lăng được làm bằng đá mà những hiện vật còn lại đến ngày nay cho chúng ta biết được kiến trúc lăng (sinh từ) là điều cần thiêt.

Tấm bia (Hậu Đức cung bi ký) do Đông các đại học sỹ Bồi tụng sử bộ Tả thị lang Nguyễn Viết Thứ soạn dưới thời vua Lê Hy tông - Chính Hòa năm thứ 7 (1683) nói về thời gian xây dựng Lăng cùng thân thế, sự nghiệp, công đức của Trịnh Thị Ngọc Lung là một tài liêu hết sức quý giá, có giá trị to lớn về mặt lịch sử.

Bia có hình dáng vuông cạnh cả 4 mặt, trên có mái che hình chóp, đỉnh có núm dáng kiệu long ngai. Toàn bộ bia được tạo tác trong một khối đá nguyên, mặt bia khắc nét chữ sắc, trán bia được chạm khắc hình lưỡng long chầu nguyệt, diềm bia được chạm lá cúc cách điệu. Tất cả được đặt trên một bệ bia cũng hình vuông được đặt dật cấp từ thấp lên cao. Hậu Đức cung bi ký là một tấm bia không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị trong việc nghiên cứu mỹ thuật điêu khắc đá Việt nam thế kỷ XVII.

Ngoài tấm bia Hậu Đức cung bi ký còn có:

Hai Chó đá ngồi ở tư thế ngồi xổm, miệng mím, cổ được chạm nổi vòng đeo nhạc.

Hai Nghê đá ở tư thế ngồi xổm, miệng hé vừa phải, trên mình nghê được chạm hoa văn hình mây xoắn, sóng nước và mây lửa.

Sập đá: hình vuông, cấu trúc theo kiểu chân quỳ, dạ cá. Mặt sập được chạm hình lục giác liền nhau, bốn mặt được vo tròn cạnh. Đế sập tứ diện được chạm nổi hình rồng cuộn tròn trong mây lửa và lá cúc cách điệu.

Hương án: Được tạo tác trên một khối đá xanh có dáng hình trụ, ở trên 4 mặt của hương án được chạm khắc dây đặc nhiều kiểu hoa văn khác nhau như: rồng, chim, mây lửa, lá đề đường triện, chuyển tải nhiều nội dung về triết lý cuộc sống: nhân, sinh, vũ trụ.

Thành bậc cổng lăng: Là hình 2 con sóc (sấu) được chạm nổi trên thành bậc trên tư thế đang lao chạy về phía nhau bất chợt như thu chân lại, ghìm mình lại. Thân sấu đuôi dài, mồm, má, răng, mắt, mũi, bờm ngực, dáng khỏe, thân phủ kín hoa tròn cánh xòe, văn dấu hỏi, đuôi to lượn song, cổ đeo nhạc.

Hai miếu thờ: Mẫu nghi thiên hạ (Liễu Hạnh) và Thánh mẫu nhân đầu, đây là 2 miếu thờ có lẽ được đời sau dựng thêm. Mặt trước miếu được chạm khắc khá công phu theo văn hình lá đề biến thể ở cạnh. Pphía trên cùng là Rồng chầu mặt nguyệt, hai bên cửa được chạm nổi hình Hạc đứng trên lưng rùa. Phía dưới cùng chân miếu là mặt hổ phù. Toàn bộ 2 miếu được đặt trên bệ xây gạch và vôi vữa, dật hai cấp. Ngoài ra còn có một số cột đá, móng đá nằm rải rác trong khu lăng mộ cũng được chạm khắc hoa văn khá tinh xảo và sinh động.

Hiện nay Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung không còn giữ được diện mạo ban đầu, nhưng những gì còn lại trong khu Lăng cùng với nhân vật lịch sử, lăng Quốc Thái mẫu đã được sử sách ghi chép là một "cung từ" nổi tiếng bề thế, trang nghiêm. Những hiện vật bằng đá còn giữ được qua nhiều thế hệ đến nay mà nghệ thuật tạo hình của các thế kỷ sau không thể sánh kịp.

QUANG THỤC HOÀNG THÁI HẬU NGÔ THỊ NGỌC DAO

(Vợ Vua Lê Thái Tông)

Quang Thục hoàng thái hậu Ngô thị Ngọc Dao sinh năm 1420 người xã Động Bàng nay thuộc Đồng Phang, xã Định Hoà, huyện Yên Định. Cha là Ngô Từ gia thần của vua Lê Thái Tổ ở hậu cung, thái hậu theo chị vào nội đình, vua Lê Thái Tông trông thấy gọi vào cho làm cung tần ở hậu cung.

Tháng 6 năm Đại Bảo thứ nhất (1440), Thái hậu được phong làm tiệp Dư ở cung Khánh Phương. Vì lúc bấy giờ triều thần đố kị bà phải rời cung đến ở chùa Huy Văn, Đông Đô (nay là phố Hàng Bột- Hà Nội), được sự giúp đỡ của vợ chồng quan hành khiển Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, mọi người vui vẻ đón tiếp và bà cũng nhanh chóng hoà mình vào cuộc sống đạm bạc nơi cửa phật. bà sinh ra Tư Thành ở sau chùa (sau này là Lê Thánh Tông). Khi Lê Tư Thành chưa đầy tháng tuổi thì Lê Thái Tông vua cha qua đời. Ngô Thị Ngọc Dao ở goá nuôi con. Sống xa chốn cung đình, gần gũi nhân dân, bà đã tự rèn luyện thực hành đạo đức làm gương cho con và mọi người. Bà chăm lo cho Lê Tư Thành mọi điều không chỉ trong thời gian niên thiếu mà ngay cả khi con đã làm vua. " Việc không phải lợi ích riêng, đề cao mình mà can thiệp vào việc triều chính". Lê Thánh Tông biết tiếp thu mọi điều mẹ dạy.

Năm 1460 sau nhiều loạn lạc trong triều đình các công thần Nguyễn Xí. Đinh Liệt đã tôn lập Tư Thành lên làm vua, bà được tôn làm Hoàng Thái Hậu.

Bà sinh ra có chất ngọc thần hoà, tính trời cẩn thận, đôn hậu, một niềm cần kiệm, không chuộng xa hoa, thêu thùa việc nữ công, tay không lúc nào rời, mắm muối nơi bếp núc lại càng quan tâm. Ngày thường ở trong nhà vẫn nghiêm trang như đang tiếp khách, khi tiếp xúc với ai cũng tỏ vẻ hào nhã dịu dàng. Kính trọng tông miếu, phụng thờ quỷ thần, của ngon vật lạ bốn phương dâng lên bao giờ cũng đem đến cống trước sau mới đem đến vua dùng. Không làm việc trái lẽ phải, không ở nơi không chính đáng, nghiêm mà không ác, giản dị mà trang nhã lịch sự, cử chỉ thường có lễ độ, ít khi ra khỏi phòng vị. Trong cung đình kẻ sang người hèn đều gọi người là phật sống. Khi được vua cung cấp vàng bạc thì mang ban phát cho mọi người xung quanh và giúp đỡ kẻ nghèo khó, hòm tủ trường trống rỗng không có của cải riêng.

Tuy danh vị sang mà làm việc thiện không biết mệt mỏi, tuổi tác cao mà tinh thần càng sáng suốt. tính ham học lại biết làm thơ, lúc nhàn rỗi lại đem kinh truyện ra dạy bảo đàn cháu nhỏ.... Như vậy đối với Thái Tông thì có công chăm lo giúp đỡ, với Thánh thượng (Hiến Tông) thì tận tình thương mến. Đức sánh với Trời đất, công rạng rỡ Tam thánh (Thái Tông, Thánh Tông, Hiến Tông), xứng đáng là hàng đầu các vị Hoàng hậu nước Đại Việt.

Năm Bính Thìn (1496) Thái hậu mắc bệnh lị rồi qua đời ở điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi, truy tôn là Quang Thục Hoàng Thái Hậu.

Sau khi mất bà được đưa về an táng tại Sơn Lăng (Lam Kinh), phía đông khu di tích Lam Kinh cách Vĩnh Lăng khoảng 500m.

Lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Lăng được xây dựng theo hướng Đông Tây, nhìn ra Xà Đầm (Đầm Rắn), lăng có chiều dài 4.45m, rộng 4.43m cao 0.95m, lăng ban đầu được xây dựng bằng gạch vồ và đắp đất. Năm 1998 trùng tu tôn tạo lại xây bằng gạch vồ ngoài trát xi măng. Lăng Hoàng thái hậu nhìn chung cũng giống với lăng mộ các vua Lê khác, trước mộ là hai hàng tượng quan hầu đăng đối, trước đường thần đạo, đứng cạnh mộ là hai tượng người hầu là nữ quan hai bên có chiều cao 0.87m được đặt gần sát lăng, đầu đội mũ chụp hơi cúi xuống, hai bàn tay lồng vào nhau khoanh trước ngực, chan đi hài trông hiền từ mà trang nghiêm, tiếp đến là tượng Tê Giác, tượng Ngựa, tượng Nghê, tượng Voi quỳ. Điều khác biệt ở đây là tượng quan hầu và các lính thú đều có thân mập và bụng to. Tê giác có trang trí ba đường vằn sâu ở mông, tượng Nghê điêu khắc khá tinh xảo mang tính nghệ thuật cao.

Bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao

(Bia Khôn Nguyên Chí Đức)

Bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao dựng theo hướng đông chếch nam khoảng 150. Bia làm bằng đá xanh nguyên khối cao 2.76m, rộng 1m90 dày 0.28m được đặt trên lưng rùa bằng đá dài 2.46m rộng 1.84m cao 0.69m. năm 1998 phục hồi tôn tạo xây nhà che bia bằng xi măng lợp ngói mũi hài, bốn mái cong được đỡ bàng 8 cột cân đối hài hoà, đảm bảo bền vững để che mưa che nắng cho Bia.

Bia hai mặt đều khắc chữ hán, tên bia viết theo lối chữ triện, nội dung bia viết theo lối chữ chân. Mặt trước do Nguyễn Bảo lễ bộ Tả thị Lang Đạt Tín Đại phu kiêm Hàn lâm viện Nguyễn Xung Xác vâng mệnh sắc soạn.

Người viết chữ Triện trên bia là Mậu Lâm Lang, người khắc chữ là Hoàng Phân.

Mặt sau bia khắc bài thơ viếng Quang Thục Trinh Huệ, Khiêm tiết Hoà xung nhân Thánh Hoàng Thái hậu của vua Lê Hiến Tông (cháu nội của Hoàng Thái Hậu). Trán bia khắc hình vòng cung, chính giữa chặm khắc rồng 5 móng thân hình to uốn lượn mặt hướng ra ngoài. Hai cạnh bên chạm khắc hai rồng thế vươn lên chầu vào đỉnh bia, diềm bia khắc hoa văn dây cách điệu. Bia được dựng năm Mậu Ngọ (1498), ngày Canh Dần 22 tháng hai.

Đây là tư liệu quý giá để các nhà nghiên cứu nghệ thuật trang trí điêu khắc đá ở Việt Nam thời Lê.

HOÀNG HẬU NGUYỄN THỊ NGỌC HUYÊN

(Vợ Vua Lê Thánh Tông)

Hoàng hậu họ Nguyễn huý là Huyên người ở Trang Gia Miêu Ngoại, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hoá). 

Là con gái thứ hai của quan thái uý Trình quốc công Nguyễn Đức Trung, tháng 7 năm Quang Thuận thứ nhất (1460) được tuyển vào cung, phong là Sùng Nghi ở cung Vĩnh Ninh. Bà được vua yêu quý nhất trong số cung nhân. 

Lúc này nhà vua chưa sinh thái tử, Quang Thục Hoàng thái hậu sai Nguyễn Đức Trung cầu đảo ở am Từ Công, núi Phật Tích bà chiêm bao thấy đến trước thượng đế ban cho con nối dõi, thượng đế phán rằng " Cho Thiên Lộc xuống làm con họ Nguyễn" rồi bế tới đưa cho. Nhân đó bà tỉnh dậy, không bao lâu bà có mang, Thái hậu lại sai Nguyễn Đức Trung cầu đảo ở am Từ Công. 

Khi mới vừa làm lễ thì có hòn đá rơi trước mặt. Nguyễn Đức Trung cho là lạ bèn nhặt lấy rồi sai thợ tạc một pho tượng, bỏ hòn đá vào trong. Lại làm riêng các am để thờ và dấu kín việc ấy. Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà lại nằm mộng thấy rồng vàng từ trên trời hiện xuống bay vào nơi bà ở. Trong chốc lát bà sinh hạ hoàng tử, đó là Vua Lê Hiến Tông sau này. 

Ba năm sau được lập làm Hoàng Thái Tử. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470) bà được tấn phong là Quý Phi, bà càng được hưởng ơn vua nhiều hơn. Vua mấy lần muốn lập bà làm Hoàng hậu nhưng thấy dòng họ nhà bà có thế mạnh, sợ rằng thần thiếp không ai dám gần Vua nữa nên thôi. 

Năm Hồng Đức thứ 28 (1497) vua Lê Thánh Tông mất, vua Lê Hiến Tông lên ngôi hoàng đế, tôn lập bà làm Hoàng Thái Hậu, để ở điện Trường Lạc phụng dưỡng rất chu đáo.

Năm Cảnh Thống thứ 7 (1504) vua Lê Hiến Tông mất, vua Lê Túc Tông lên ngôi, tôn Thái hậu lên làm Thái hoàng thái hậu. Ngày 22 tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) hoàng thái hậu mất. Sau đó bà được dâng tên thuỵ là Huy Gia Tĩnh mục Ôn cung Nhu Thuận Thái hoàng thái hậu và đưa về táng tại Sơn Lăng Lam Kinh. Lại cho lập điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên thuộc huyện Quảng Đức để phụng thờ tổ tiên của bà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem