Nhận lời mời từ Ban tổ chức, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam với 90 thành viên đã tham dự và biểu diễn tại sự kiện văn hóa đặc biệt này tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.
Festival Âm nhạc Trung Quốc - ASEAN năm nay có 27 quốc gia, khu vực tham dự; gần 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 23 đoàn nghệ thuật của Trung Quốc và các nước khác. Trong thời gian 7 ngày, đã có 21 buổi hòa nhạc, 3 cuộc hội thảo về âm nhạc, cuộc thi độc tấu piano, cuộc thi âm nhạc đương đại, cuộc hội nghị thường niên của Hiệp Hội khoa học Trung Quốc và cuộc triển lãm nhạc cụ truyền thống của Philippines...
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân,nhạc trưởng Honna Tetsuji và các nghệ sĩ dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam
Tại Festival có 4 chương trình hòa nhạc giao hưởng lớn được thực hiện tại Phòng hòa nhạc của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Quảng Tây. Trong đó, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam đã thực hiện 2 chương trình hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt là những tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, trong đó có nhiều tác phẩm Việt Nam như: “Trống Cơm” - Dân ca Quan họ Bắc Ninh được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng của Đỗ Hồng Quân; “Mùa xuân thế kỷ” của nhạc sĩ Hoàng Cương; “Đối thoại”, Rhapsody “Việt Nam” của Đỗ Hồng Quân; “Trở lại với Điện Biên” chương II của Trần Trọng Hùng.
Nghệ sĩ đàn bầu Lệ Chi và nhạc trưởng Đỗ Hồng Quân với tác phẩm "Đối thoại"
Chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam thực hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Tính chuyên nghiệp và những tiến bộ trong kỹ thuật biểu diễn của dàn nhạc được giới báo chí, giới phê bình âm nhạc và đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao tại Festival.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji và các nghệ sĩ tại phòng hòa nhạc
Ngoài ra, Festival còn có 17 chương trình hòa nhạc khác đều miễn phí và mở cửa cho công chúng thưởng thức, như: Chương trình hòa nhạc của dàn nhạc đương đại Matxcơva; chương trình hòa nhạc của nhóm tứ đàn dây “Gladia” Việt Nam; chương trình hòa nhạc “Fantasy scenes” - Âm nhạc điện tử và âm nhạc dân gian của Nhạc viện Tứ Xuyên; chương trình hòa nhạc “Alarm Will Sound của Mỹ; chương trình hòa nhạc “Tiếng nói Hong Kong” của nhóm Windpipe Trung Quốc; chương trình hòa nhạc thính phòng câu lạc bộ Luxembourg; chương trình hòa nhạc “TUGMA & Padayon Rondalla” của Đại học âm nhạc Philippines; chương trình độc tấu Sáo của nghệ sĩ Nicolas Duchamp (Pháp); chương trình hòa nhạc của nhóm Indonesia Gamelan music và Malaysia North 10 Ensemble; chương trình hòa nhạc của nhóm Lệ Giang, Đại học Nghệ thuật Quảng Tây; chương trình hòa nhạc Giao hưởng của Dàn nhạc giao hưởng Quảng Tây và Dàn nhạc giao hưởng Đại học Nghệ thuật Quảng Tây; chương trình hòa nhạc và hợp xướng của Đại học Nghệ thuật Quảng Tây; chương trình Piano Duo của chị em gái Xie (Trung Quốc); chương trình hòa nhạc thính phòng các tác phẩm âm nhạc truyền thống của Nhạc viện Xinghai (Quảng Châu, Trung Quốc); chương trình nghệ thuật HTET ARKAR Myanmar Hsaing - Waing và các nhạc cụ Nhật Bản; chương trình hòa nhạc các tác phẩm âm nhạc truyền thống Trung Quốc và Lễ bế mạc vào 20 giờ ngày 3.6 tại phòng hòa nhạc Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Quảng Tây.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ tham dự Festival tại lễ khai mạc
Cuộc Hội thảo số 1 sáng 30.5, tại Trường Nghệ thuật Lệ Giang, dành cho các nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu lý luận, quản lý âm nhạc, với các bài tham luận: “Sự phát triển của âm nhạc đương đại Trung Quốc” của GS Ye Xiaogang - Chủ tịch Hiệp Hội Nhạc sĩ Trung Quốc; “Tăng cường trao đổi giáo dục và hợp tác về nghệ thuật và âm nhạc trong khu vực ASEAN” của GS Cai Changzhuo - Thư ký Đảng ủy Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trưởng Ban Tổ chức Festival; “Vài suy nghĩ về sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc” của GS Lin Geer - Hiệu trưởng Nhạc viện Tứ Xuyên; “Kỹ thuật ngôn ngữ âm nhạc” của nhạc sĩ – nhạc trưởng Fabián Panisello (Tây Ban Nha); “Theo đuổi một giấc mơ trên con đường tơ lụa” của GS Renping Qian – Nhạc viện Thượng Hải; “Vai trò của ISCM trong việc phát triển nhạc đương đại trên toàn thế giới từ năm 1922” của GS Swinnen Perter Agnes A (Bỉ)…
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji tại phòng hòa nhạc
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với tham luận “Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo – quảng bá các tác phẩm âm nhạc trên cơ sở truyền thống hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc”, đã giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; các hoạt động sáng tác, nghiên cứu lý luận, đào tạo, tổ chức biểu diễn, dàn dựng và công bố những tác phẩm âm nhạc đương đại, trại sáng tác, hội thảo, liên hoan âm nhạc trong nước, khu vực và quốc tế, các hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế… Ôn lại truyền thống hữu nghị trong lĩnh vực âm nhạc giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, hiện tại và những hợp tác trong thời gian sắp tới; khả năng hợp tác giữa Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Quảng Tây để tổ chức Festival Âm nhạc các dân tộc các tỉnh biên giới Việt – Trung; đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện trong lĩnh vực âm nhạc và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc với các quốc gia Asean và thế giới trong điều kiện hiện nay…
Festival Âm nhạc Trung Quốc - Asean là hoạt động trao đổi âm nhạc Trung Quốc - ASEAN được thành lập vào năm 2012, bao gồm Trung Quốc, các nước ASEAN và các quốc gia khu vực châu Á, mở rộng với các nước châu Âu, Mỹ… để trao đổi về các tác phẩm âm nhạc mới, nghiên cứu lý luận và biểu diễn âm nhạc. Sự kiện có tầm quan trọng cho việc giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới của các nhạc sĩ đương đại, tôn vinh tài năng âm nhạc mới và mở rộng khán giả mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.