Ăn chân lợn sẽ có làn da căng mịn?

Thứ tư, ngày 23/03/2011 12:56 PM (GMT+7)
Tôi tự sờ tay lên má mình, má tôi vẫn mịn căng như thời con gái thế này dù đã ngoài 30, phải chăng chính là do thói nghiện món chân lợn ninh như của mẹ tôi?
Bình luận 0

Món chân giò lợn vốn dễ thấy trong khẩu phần ăn của các “bà đẻ” vì quan niệm sẽ giúp phục hồi sức khỏe và bà mẹ sẽ có thể sản sinh được nhiều sữa hơn. Giờ đây, món ăn dễ bị mê và cũng dễ bị chê (vì quá ngậy) đó còn được sử dụng như một phương pháp làm đẹp ở Mỹ. Câu chuyện được viết bởi một phụ nữ Hà Nội đang theo học cao học ở Mỹ.

img
Chân giò hầm măng khô

Phát hiện bất ngờ không muộn màng

Sau khi sinh nở, như rất nhiều phụ nữ khác ở Việt Nam, tôi được mẹ chồng, mẹ đẻ ra sức chăm sóc bằng các món chân giò lợn hầm kèm củ quả, lúc thì đu đủ, lúc thì khoai tây, cà rốt, nghệ… với lý luận là như thế bà mẹ trẻ là tôi sẽ có nhiều sữa, tốt cho con. Chẳng biết có đúng thế không, nhưng thực tế là tôi dẫu thể trạng khá gầy nhưng cô con gái đầu lòng của tôi không cần đến sữa ngoài đã đủ no mà mũm mĩm ra trò.

Sau này, tôi đâm ra nghiện món chân lợn hầm, tuần nào cũng phải nấu ít nhất một nồi. Trong khi đó, chồng tôi thì không mấy thích thú, cứ chê là ngấy, là béo. Tôi cứ vô tư ăn như thế mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xa xôi hơn là ở những nơi khác, nước khác, nhất là ở phương Tây, người ta có món này hay không. Cho tới khi tôi có cơ hội đi du học ở Mỹ 2 năm thì câu chuyện về cái chân lợn mới trở thành đáng kể.

Tôi đã phải quyết tâm lắm, thêm vào đó, bố mẹ hai bên và chồng tôi cũng hết lòng động viên, rằng đây là cơ hội lớn, “ngàn năm có một”, tôi mới đành lòng để đứa con mới lên 2 tuổi ở nhà cho ông bà và bố nó chăm sóc để lên đường đi học. Sang đến Mỹ, những ngày đầu tiên bỡ ngỡ qua đi, tôi phải cố để quen với múi giờ, lối sống, tập quán ăn uống… rồi vật lộn với đống bài vở. Bận bịu là thế mà ngoài nỗi nhớ chồng con, nhớ nhà cửa, thỉnh thoảng tôi vẫn thèm món chân giò ninh nhừ mẹ nấu ngày nào.

Thế rồi mùa hè đầu tiên đến, tôi mới sang chưa lâu, lại muốn tiết kiệm tiền nên không về quê mà ở lại Mỹ để tranh thủ tìm hiểu thêm về thành phố mình ở. Tôi cùng một nhóm du học sinh đồng hương đã lên kế hoạch cùng đi, nhưng phút cuối lại không thành. Chỉ còn tôi và một cô bạn khác vẫn quyết tâm lên đường. Đầu tiên là khám phá chính thành phố New York mà chúng tôi mới hít thở không khí của nó chưa lâu và chưa kịp thực sự hiểu gì về nó.

Trong những câu chuyện không đầu không cuối giữa hai đứa xa quê, có lần, tôi đã kể với cô bạn tên Hương về cái sự thèm ăn món chân giò của mình. Hương chỉ cười và coi như chuyện không đáng để tâm, riêng tôi thì vẫn ngấm ngầm tìm cách làm lại món đó trên chính nước Mỹ này. Chúng tôi cũng thử đi ăn quán này quán khác, nhưng chưa tìm nổi một quán nào phục vụ món đó. Hình như cái chân giò không có mặt trong danh mục thực phẩm ở các nhà hàng nơi đây thì phải.

Hóa ra chúng tôi đều lầm. Tôi đã phát hiện ra điều đó khi một lần dạo bước qua quán ăn mang tên Hakata Tonton – một quán ăn Nhật ở New York. Lần đó, do đã quá bữa nên dù thấy quảng cáo có các món chân lợn, tôi cũng không vào ăn được, đành tự nhủ tối về sẽ lên mạng tìm hiểu thêm về cái quán này và lần sau tôi nhất định sẽ đến “trả đũa”.

Tối hôm đó, nghiên cứu trên mạng một hồi về cái món chân lợn ở quán Hakata Tonton, tôi mới biết thêm một thông tin khác: chân lợn còn có tác dụng làm đẹp! Điều này thì quả là tôi chưa nghe bao giờ. Tôi cứ nghĩ nó chỉ có giỏi giúp làm ra nhiều sữa và béo thôi chứ! Chân lợn được ông Okajima - chủ nhà hàng Hakata Tonton ở New York quảng cáo như một thực phẩm giúp chống nếp nhăn tuyệt vời. Doanh nhân này quả quyết, do chân lợn có chứa một hàm lượng collagen cao (chất được sử dụng trong các loại kem chống nhăn da và bơm vào môi) nên mọi người có thể ăn chúng để thu được những lợi ích tương tự.

Bởi vậy mà các chân của con lợn được sử dụng như một phương pháp làm đẹp giúp ngăn ngừa nếp nhăn và da chảy xệ. “Người ta lấy miếng vai miếng sườn, còn tôi thì tôi lấy chân” - Okajima, đồng chủ quán và là bếp trưởng nhà hàng Hakata Tonton hóm hỉnh nói. Cái chân mà ông ấy nói là chân lợn, đúng thế!

Những trải nghiệm “căng mịn”

Hôm sau, tôi hớn hở đến quán Hakata Tonton. Họ không chỉ làm món chân giò ninh cho tôi mà còn cung ứng 36 món khác nhau làm từ chân lợn: cơm nắm chân lợn, lẩu chân lợn, chân lợn nấu quả bơ, chân lợn với gà hầm, chân lợn muối,…

Thì ra là ở New York, không mấy ai ăn chân lợn, vì thế Okajima mua được chân lợn rất rẻ, gần như cho không. Từ chân lợn, ông và các đầu bếp làm nên những món ăn rất ngon “khiến nhiều bên cùng hạnh phúc, từ chủ nhà hàng, thực khách đến… con lợn” – như lời ông chia sẻ.

Ông lý luận: Trong chân lợn không có mấy thịt, nhưng nó không béo và có rất nhiều collagen. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng collagen giúp duy trì tính đàn hồi cho da. Và đương nhiên là ai cũng muốn bảo vệ da mình, giúp cho làn da không bị nếp nhăn. Vì thế mà tôi tin ở đâu có nhiều người ăn chân lợn, ở đó sẽ có nhiều người đẹp! – Nói xong, Okajima cười nheo tít cả mắt, tôi cũng bật cười vì “tuyên ngôn” vừa hài hước lại vừa có lý của ông.

Ở Hakata Tonton, Himi Okajima đương nhiên sẽ dành một nơi quan trọng để trữ chân giò. Khi được chế biến rồi, mỗi phần ăn thường sẽ có khoảng nửa cái chân. Kèm theo mỗi món ăn riêng biệt sẽ có những đồ chấm khác nhau và những loại salad ăn kèm. Tất nhiên, ở đây còn có những món khác như gà chẳng hạn. Nhưng món chân lợn mới chính là “đặc sản” của nơi này. Và những lời quảng cáo bùi tai của ông chủ đã lôi kéo được không ít thực khách nữ tới.

Chân giò nướng, chân giò luộc, chân giò muối, chân giò hầm các kiểu đều được họ thử. Những thực khách tỏ ra rất hào hứng, nhưng cũng có những khách bản xứ không quen ăn. Họ có vẻ tò mò và hơi căng thẳng. Tôi bắt chuyện với một người da trắng và hỏi họ cảm thấy thế nào. Đó là một phụ nữ trung tuổi khá đẹp, thật bất ngờ, chị nói đây là món ăn chị kết ngay từ lần đầu ăn thử. Chị rất thoải mái khoe gương mặt của mình. Tôi có loáng thoáng thấy vết chân chim mờ mờ ở đuôi mắt chị nhưng đúng là nhìn toàn thể thì phải nói là mịn màng.

Chị ấy bảo, bạn nhìn xem, trước đây, đuôi mắt tôi mỗi khi cười là nhăn không thể tả, nhưng bây giờ (nói rồi chị cười làm mẫu) bạn xem nó có còn nhăn nữa hay không? Tôi công nhận là vẫn hơi nhăn nhưng không đáng kể. Chị lại cười vào nói: “Bạn tin hay không thì tùy, nhưng tôi rất kết món này, tôi cũng đã tìm hiểu rồi. Thật ra ăn chân lợn nghe có vẻ không hay lắm, nhưng tác dụng của nó thì đáng kể đấy. Bạn là người châu Á thì chắc sành món này hơn tôi chứ!”

Tôi chỉ tròn xoe mắt nhìn và cười. Tôi tự sờ tay lên má mình, má tôi vẫn mịn căng như thời con gái thế này dù đã ngoài 30, phải chăng chính là do thói nghiện món chân lợn ninh như của mẹ tôi? Hôm sau, tôi đem phát hiện bất ngờ này kể cho Hương đồng thời nhanh chóng gọi điện về cho mẹ thông báo về sự kỳ diệu của món ăn mẹ nấu.

Mẹ tôi cũng phá lên cười rồi bảo, nghe cũng được đấy nhỉ, có khi mẹ phải mở cửa hàng chân giò hầm mất thôi. Nhưng rồi bà cũng chua thêm, những cái đó chỉ là quảng cáo để nhà hàng bán chạy hay là khoa học, con thử tìm hiểu nữa xem thế nào, liệu nó có gì không tốt chẳng hạn.

Thế là tôi lại lọ mọ tìm hiểu trên mạng, trong sách vở. Những thông tin có được rất phổ thông hầu hết nói về sự dồi dào thành phần collagen trong chân giò lợn, tôi cũng không tìm thấy những cảnh báo nào khi ăn chân lợn cả. Thế là từ đó, món ăn ưa thích của tôi lại càng được tôi tích cực bố trí ăn hàng tuần vì nghĩ nó sẽ duy trì cho mình làn da căng mịn mà mình đang có.

Tình hình là Hương – bạn tôi – giờ cũng không còn thờ ơ với món chân giò lợn nữa. Những chuyến ghé thăm quán chân lợn bây giờ tôi đã có thêm cô bạn đồng hành. Và tình hình là da dẻ cô ấy đúng là đang có chiều hướng khỏe khoắn, hồng hào hơn hẳn

Theo Phụ nữ & Đời sống
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem