Ăn Tết thế nào để không ngã bệnh?

Thứ tư, ngày 02/02/2011 11:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngôn ngữ nước mình chỉ nghe từ "ăn Tết" chứ chưa nghe từ "nhịn Tết" bao giờ. Vậy, ăn cứ ăn nhưng ăn thế nào để không ngã bệnh mới giỏi.
Bình luận 0

Ăn uống cũng có "mánh"

img
Ảnh minh họa

Dạo gần đây có một điểm lý thú trong việc viết bài cho trang sức khoẻ. Đó là báo nào cũng đặt bài về cách ăn uống kiêng cữ trong mấy ngày Tết sao cho đừng ngã bệnh. Cách đặt vấn đề hoàn toàn hợp lý nhưng xét cho cùng lại không hợp tình. Bằng chứng là trong ngôn ngữ nước mình chỉ nghe "ăn Tết", nghèo khổ thế nào cũng ráng mà ăn! Xưa nay có nghe "nhịn Tết" bao giờ!

Nhưng nói thế không có nghĩa là ăn uống thả cửa sau khi rước ông bà, để rồi trong 3 ngày Tết phải mời xe cấp cứu. Vì vậy, đừng quên thủ sẵn vài "mánh ăn uống" trong túi.

Dưới góc nhìn "quét nhà ra rác" của các chuyên gia ngành dinh dưỡng thì món ăn ngày Tết của xứ mình quả thật khó tránh không bị phê bình là có hại vì vừa cung cấp quá nhiều năng lượng như bánh mứt, khiến gia chủ dễ béo phì, vừa gây áp lực cho các cơ quan giải độc (lá gan, trái thận, khung ruột) do lượng phế phẩm (acid uric, cholesterol) từ thịt mỡ, rượu, bia… khiến bệnh do rối loạn biến dưỡng cứ thế mà thăm hỏi!

Trên thực tế, người mình đã ăn Tết từ bao thế hệ. Đâu phải ai cũng bệnh! Thế thì ăn mà sinh bệnh không hẳn vì món ăn mà thường do cách ăn. Đúng là không công bằng chút nào nếu đổ thừa cho món ngon ngày Tết mà quên nạn nhân cũng chính là thủ phạm.

Với người chưa bệnh, cho dù món ăn có béo bở thế nào cũng khó gây bệnh nếu thực khách đừng lạm dụng theo kiểu ngày năm bảy bữa ra vào không kể. Khéo hơn nữa nếu thực khách biết cách pha loãng chất béo, chất đường, độ cồn… bằng lượng nước uống ngay sau bữa ăn và nhiều hơn ngày thường cho dù trong lúc du xuân có phải bất đắc dĩ gia nhập câu lạc bộ "đái đường". Đằng nào công an cũng không nỡ phạt trong mấy ngày đầu năm.

Bên cạnh đó, đừng chọn lối ăn uống theo kiểu giúp giọt nước mau tràn ly vì:

- Đường huyết tăng đột ngột từ khẩu phần quá ngọt, chẳng hạn vì vừa ăn bánh mứt, vừa uống nước ngọt.

- Vì acid uric không được đào thải từ bữa ăn quá nhiều đạm, nên tấp vào đường tiết niệu hay trong khớp, như trong trường hợp của người đã mạnh miệng với đĩa lòng heo béo ngậy, món thịt kho nước dừa mỡ dày cộp… lại thêm uống bia.

- Vì chất mỡ trong máu có dịp tích lũy do gan thấm mệt quá nhanh với công việc giải độc do thực khách chỉ uống mà không ăn, lại uống toàn thứ dữ như đế, rượu mạnh …, hay tệ hơn nữa khi chọn chất dễ lên men làm mồi như bánh chưng, bánh tét, chuối…

Không thể "vượt đèn đỏ”?

Ngày Tết không ăn còn gì là Tết. Chính vì thế nếu gặp món ngon đừng bỏ nhưng ráng ăn uống trong tiết độ. Được vậy thì không chỉ trong 3 ngày Tết, mà đến ra giêng vẫn có nhiều hy vọng khỏi gặp thầy thuốc. Tưởng khó nhưng điều đó hoàn toàn khả thi nếu đừng quên lời dặn của ông bà. Đó là lai rai 3 ngày Tết. Đâu có ai biểu xuân về phải bội thực mới là ăn Tết!

Người đang có bệnh cần kiêng cữ tất nhiên không thể vượt đèn đỏ trên tinh thần nhằm nhò gì trong 3 ngày Tết. Cũng chính vì thế mà người đang dùng thuốc hạ huyết áp, hạ đường huyết, hạ mỡ trong máu, hạ acid uric… nên bàn với thầy thuốc xem có cần tăng thuốc cho chắc ăn trong mấy ngày khó tránh không ăn khi làng trên xóm dưới đâu đâu cũng có tiệc tùng. Thêm thuốc là một chuyện nhưng đừng quên uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng, thậm chí quan trọng hơn nhiều.

Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Muốn thưởng thức món ăn ngon trong ngày Tết, người đã có bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, gút… phải biết cách dập tắt mũi dùi tiến công của đối phương ngay từ trung lộ. Thí dụ:

-Với người bệnh tiểu đường thì món ngọt tất nhiên vẫn là món đại kỵ. Nhưng người bệnh, nếu đường huyết đã ổn định nhờ điều trị hiệu quả, vẫn có thể thưởng thức chút bánh mứt, tất nhiên với lượng vừa phải, nếu đừng quên uống thuốc đầy đủ, đừng có hai bữa ăn quá gần để đường huyết không còn cao, vận động trước và sau bữa ăn để nhờ bắp thịt đốt cho hết lượng đường còn thừa và dùng thuốc có kèm B1, quế để hỗ trợ thuốc đặc hiệu.

-Với người có lượng mỡ trong máu quá cao ăn dưa hành, uống chén trà với actisô, linh chi, nhân trần...

-Với người đã vướng bệnh gút thì giảm thịt càng nhiều, càng hay, nhưng không nhất thiết vì thế mà phải chay trường trong 3 ngày Tết. Trái lại, vẫn có thể có thịt, có cá nếu đừng quên chén trà râu bắp, râu mèo, rễ tranh, mã đề… sau mỗi bữa ăn để acid uric tuy cao nhưng không kịp hại vì đã theo dòng nước tiểu trở về với thiên nhiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem