Ba gò đất ở một nơi của Đồng Tháp, khảo cổ đào lên phát lộ kiến trúc cổ, có phế tích tháp 10 tầng
Ba cái gò đất ở một nơi của Đồng Tháp, khảo cổ đào lên phát lộ kiến trúc cổ, có phế tích tháp 10 tầng
thamhiemmekong
Thứ sáu, ngày 10/11/2023 15:29 PM (GMT+7)
Khu di tích Gò Tháp (nằm trên địa bàn 2 xã Tân Kiều và xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) là khu di tích cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1998, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa-lịch sử của dân tộc và nhân loại.
Nơi đây hiện còn quần thể di tích của Vương quốc Phù Nam cách đây hơn 1.500 năm; có di tích 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cùng nhiều tầng văn hóa dân gian.
Du lịch Đồng Tháp, đến đây tìm về nguồn cội, du khách sẽ có những trải nghiệm lý thú, từ đó thêm trân trọng những đóng góp của các bậc tiền nhân đi mở cõi.
Cổng vào di tích Gò Tháp thuộc địa bàn hai xã Mỹ Hòa và xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Khu di tích Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách huyện lỵ Tháp Mười khoảng 11 km về hướng Bắc, cách thành phố Cao Lãnh về hướng đông bắc 43 km (theo đường bộ và đường thủy).
Gò Tháp gồm nhiều gò nhỏ, thấp nằm trên một vùng đất pha cát, ở trung tâm khu vực Đồng Tháp Mười, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái rừng tràm phát triển mạnh.
Đặc biệt Gò Tháp là một trong 34 “di tích quốc gia đặc biệt” của Việt Nam, là 1 trong 2 di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng trong cả nước (Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và di tích Gò Tháp – tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Từ những năm cuối thế kỷ XIX và vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã đến đây khảo sát và công bố những phát hiện quan trọng về một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ…
Từ sau khi đất nước hòa bình và thống nhất vào năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến khu di tích Gò Tháp.
Nhiều nhà khảo cổ học phát hiện nhiều dấu tích, di vật, hiện vật cổ thuộc nền văn minh Óc Eo. Đồng thời tìm ra được 3 loại hình di tích quan trọng gồm:
-Di tích cư trú với các di vật như: bếp lửa, những mảnh nồi, thanh củi cháy dở, cọc nhà sàn,…
-Di tích mộ táng được phát hiện ở các gò cát, qua nhiều đợt khai quật đã phát hiện 13 mộ táng, thu được trên 1.000 hiện vật, tùy táng chôn theo như: mảnh vàng có chạm khắc hoa văn, đá quí, đầu tượng, đồ gốm, nhẫn vàng…
-Di tích kiến trúc được phát hiện ở các gò cao như: Gò Minh Sư, Gò Tháp Mười, Miếu bà Chúa Xứ, Chùa Tháp Linh…
Hầu hết di tích kiến trúc tìm thấy nằm sâu trong lòng đất, được xây dựng công phu có tường thành bao bọc xung quanh để chống sự xâm thực của gió và nước, kiến trúc xây dựng ở trình độ cao.
Di vật, hiện vật tìm thấy ở đây chủ yếu là các tượng thần Visnu, Siva bằng đá sa thạch, cột đá có chốt, các phiến đá có chạm khắc hoa văn và minh văn.
Khách tham quan di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười
Với kết quả nghiên cứu khoa học trong nhiều năm cho thấy, cách đây khoảng 1.500 năm, nơi đây đã từng tồn tại và phát triển một thành phố thuộc vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ I-VI sau Công nguyên.
Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, một bộ phận cư dân người Việt từ đàng ngoài đã vào đây khai hoang lập nghiệp, mở mang bờ cõi trên vùng đất còn hoang hóa với nhiều rừng rậm, sình lầy, muỗi bầy, thú dữ.
Chính vì thế, Gò Tháp không chỉ nổi tiếng về khai hoang, lập ấp mà còn nổi tiếng với địa hình hiểm trở, nơi hội tụ của bao anh hùng hào kiệt chống ngọai xâm giữ nước thời kỳ đầu chống Pháp khi Đảng ta chưa ra đời.
Nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều thời kỳ đầu chống Pháp (1864 – 1886). Từ năm 1946 – 1948, Gò Tháp là căn cứ địa của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, Khu ủy khu 8.
Nơi đây từng in dấu chân hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Bình, Nguyễn Thị Thập…
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 502 anh hùng đã đánh sập Viễn vọng đài cao 42m do chế độ Ngô Đình Diệm xây dựng để quan sát, khống chế các hoạt động của quân giải phóng vào tháng 12/1959.
Cách Gò Tháp Mười 100 m về phía Bắc là tháp Cổ Tự, tương truyền rằng đã có từ đời Thiệu Trị (1841-1847), trước đó là ngôi tháp thờ Chân Lạp. Trải qua nhiều thế kỉ thăng trầm, ngôi chùa giờ đây đượm màu hoang phế, những dấu vết chiến tranh cỏn in đậm trên vách tường và các bức tượng thờ thần, Phật v.v.
Chùa Tháp Linh
Di tích đền thần Mặt trời phía Nam chùa Tháp Linh
Qua khỏi chùa, bạn sẽ gặp đền thờ cụ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương. Hai cụ đã chọn Gò Tháp làm căn cứ địa cách mạng của nghĩa quân yêu nước trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp với những trận đánh làm quân địch kinh hồn bạt vía.
Đền thờ Võ Duy Dương và Đốc Binh Kiều
Đi tiếp về hướng Bắc, bạn sẽ đến được một gò hình tròn, nơi trước đây từng có một ngôi chùa tu theo đạo Minh Sư nên gọi là Gò Minh Sư.
Gò Minh Sư
Trên gò có miếu thờ Bà Chúa Xứ mang tính chất tín ngưỡng dân gian, tiêu biểu cho lòng hướng thiện, đức nhân từ và cứu nhân độ thế… nơi đây khách thập phương luôn kéo về rất đông.
Miếu thờ Bà Chúa Xứ
Hằng năm, hai kì lễ hội truyền thống dân gian: vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều (rằm tháng 11 âm lịch) đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng hương về Gò Tháp để chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ của nền văn hoá Óc Eo, thưởng ngoạn sinh họat “học trò lễ”, “nhạc lễ”, “múa lân” và các hoạt động văn hoá nghệ thuật khác.
Với những giá trị truyền thống ấy, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch xây dựng Gò Tháp thành một khu du lịch sinh thái mang đậm bản sắc của vùng Đồng Tháp Mười.
Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống đường xá từ thành phố Cao Lãnh vào đến Khu di tích, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, tỉnh sẽ xây dựng một đài sen cao 79m với đầy đủ các dịch vụ như nhà hàng, khu vui chơi giải trí v.v.
Ngoài ra, các di tích liên quan đến hoạt động của Xứ Uỷ Nam Kì và Uỷ ban Nam Bộ kháng chiến đều sẽ được phục hồi.
Du lịch Đồng Tháp, đến Gò Tháp bạn sẽ bất ngờ bởi đây không chỉ là khu di tích mà còn có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những thảm thực vật phong phú đặt trưng của vùng đất ngập nước.
Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ trong khuôn viên di tích Gò Tháp thuộc địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Nơi đây có nhiều giồng cát quanh co như lượn sóng với chiều dài gần 500m, ngang 200m, tạo thành cụm gò nổi, trên gò có nhiều cây cổ thụ như trôm, gáo, sao, dầu, thau lau sừng sững tỏa bóng mát, sừng sững vươn cao.
Mùa nước nổi thì đồng nước mênh mông xen lẫn màu xanh cây cỏ, tạo thành phong cảnh thiên nhiên kì vĩ. Đứng trên Gò Tháp sẽ thấy bốn bề toàn cảnh bao la của vùng Đồng Tháp Mười.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.