Bạc Liêu quyết liệt thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số
Bạc Liêu quyết liệt thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số
Chúc Ly
Thứ sáu, ngày 28/10/2022 10:47 AM (GMT+7)
Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại tỉnh Bạc Liêu.
Sáng 28/10, ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) dẫn đầu đoàn công tác Hội NDVN kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Toàn tỉnh Bạc Liêu có 225.887 hộ với 919.804 khẩu; trong đó có 20.784 hộ dân tộc thiểu số với 90.819 khẩu, chiếm tỷ lệ 9,2% (chủ yếu là dân tộc Hoa và Khmer). Tổng số hộ dân tộc thiểu số nghèo là 1.582 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 13,6% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Nhìn chung, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và mua bán nhỏ, phần lớn tập trung ở vùng nông thôn, đời sống kinh tế hộ còn thấp.
Đồng bào dân tộc thiểu số có truyền thống yêu nước từ lâu đời, luôn có tinh thần đoàn kết các dân tộc, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính sách đại đoàn kết các dân tộc được đặc biệt quan tâm, các chính sách đều ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, chương trình, dự án tiếp tục được đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, nhằm chủ động thực hiện Chương trình, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công phụ trách theo đúng tiến độ quy định.
Theo đó, kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tổng mức thực hiện là hơn 67,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là hơn 58,4 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương là hơn 8,7 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn năm 2022 cho 3 chương trình MTQG, trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 27,4 tỷ đồng. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương: hơn 25,3 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển: 14,1 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: hơn 11,1 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương là hơn 2,1 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công phụ trách theo đúng tiến độ quy định. Dự kiến đến 31/01/2023, sẽ hoàn thành đầy đủ các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch của UBND tỉnh năm 2022; đồng thời, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.
Tại buổi làm việc, các đơn vị trong tỉnh cũng nêu thực tế, Chương trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý nên việc áp dụng đồng thời, thống nhất về nội dung giữa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình dự báo rất khó khăn nhất định đối với các địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, đánh giá về tổng thể việc triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo theo tiến độ, mục tiêu Chương trình và Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tỉnh phải chờ văn bản thực hiện hướng dẫn, cũng như nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình. Đồng thời, có một số nội dung phải chờ thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết để thực hiện…
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: UBND tỉnh xác định đây là Chương trình MTTQ có tác dụng sâu rộng đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên không thể ban hành văn bản theo trình tự rút gọn mà phải đúng quy định và có lấy ý kiến. Các văn bản đã triển khai và tiếp tục làm nhưng phải có cơ chế lồng ghép các các Chương trình MTQG với nhau. Mặc dù triển khai chậm nhưng tỉnh cũng quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Hàng tuần, UBND tỉnh đều có đôn đốc đẩy nhanh thực hiện, giải ngân nguồn vốn.
Từ đó, UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, hỗ trợ ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình theo hướng tích hợp đầy đủ nội dung trọng tâm của các văn bản liên quan, giúp địa phương dễ tra cứu và áp dụng thực hiện…
Bên cạnh đó, hằng năm, phân bổ sớm nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương tỉnh chủ động, triển khai thực hiện Chương trình ngay từ đầu năm, nhằm đảm bảo giải ngân kịp thời nguồn vốn theo quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đồng thời, đoàn công tác sẽ có báo cáo tổng hợp các đề xuất của địa phương gửi các bộ, ngành có liên quan cũng như Ban Chỉ đạo chương trình MTQG để từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN, thông tin: Đối với Bạc Liêu thì nguồn vốn trung ương phân bổ cũng khá khiêm tốn. Từ đây đến cuối năm, chúng ta cần quyết liệt, tập trung hơn nữa công tác giải ngân nguồn vốn của Chương trình.
"Về những kết quả đạt được, đoàn công tác cũng chia sẻ những hạn chế tồn tại và nguyên nhân của những khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Những vấn đề thuộc về chủ quan thì chúng tôi cho rằng mình phải quyết liệt hơn nữa, nhất là các cơ quan chủ dự án để nhanh chóng giải ngân được các nguồn vốn của năm 2022 hiệu quả và đúng quy định. Tôi cũng đề nghị các đồng chí quan tâm thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ mà mình đã đề ra", Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Đinh Khắc Đình nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.