Như Dân việt đã phản ánh, Dự án bố trí dân cư tập trung sát biên giới Việt – Trung, tại điểm Lồng Thàng (bản Nậm Tần Mông II, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) chậm tiến độ đã hơn 1 năm nay làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của những hộ dân tham gia di chuyển lên đây.
Trước những bức xúc của người dân và chính quyền cơ sở, phóng viên đã có cuộc làm việc với chủ đầu tư là UBND huyện Sìn Hồ và cơ quan chuyên môn được giao thực hiện dự án là Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ.
Đổ tại trời và người dân
Theo Quyết định 1372 ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh Lai Châu, tổng kinh phí phê duyệt cho dự án là 32 tỷ đồng, bao gồm kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển, hỗ trợ sản xuất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng... UBND huyện Sìn Hồ được giao làm chủ đầu tư dự án, thời gian thi công từ năm 2014 – 2016. Dự án bố trí sắp xếp nơi ở mới cho 50 hộ dân với 292 nhân khẩu, thuộc các bản: Nậm Tần Mông 1, Nậm Tần Mông 2, Nậm Tiến 2 và bản Nậm Xảo.
Nhiều hạng mục công trình bị chậm tiến độ
Các đơn vị trúng thầu đã tiến hành thi công 3 gói thầu xây dựng, thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật Nhóm C, gồm: đường công vụ, cấp nước sinh hoạt, san gạt mặt bằng, đường nội bộ, thủy lợi, nhà lớp học Tiểu học, nhà lớp học Mầm non, nhà văn hóa... Tính đến 31.1.2018, tổng kinh phí đã giải ngân cho các nội dung đầu tư nói trên là hơn 29 tỷ đồng.
So với hợp đồng đã ký kết thì hầu hết các hạng mục công trình đều chậm tiến độ hơn 1 năm. Ông Lê Danh Thìn – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, bình quân khối lượng thực hiện dự án đạt khoảng 70%. Nguyên nhân chậm tiến độ là do trong thời gian thi công các công trình, trên địa bàn xảy ra mưa nhiều, địa hình dốc nên đường bị sạt lở, vận chuyển vật liệu khó khăn.
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng không đảm bảo tiến độ, vì không được sự đồng thuận của người dân nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm”.
Người dân bản Lồng Thàng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt
Trong khi đó, theo lãnh đạo UBND xã Pa Tần, Đồn Biên phòng Pa Tần, khi có chủ trương thực hiện dự án, qua công tác tuyên truyền vận động, bà con đều ủng hộ và thực hiện nghiêm túc. Tất cả các hộ đã làm nhà kiên cố tại nơi ở mới. Hầu hết các hộ dân đã di chuyển đến Lồng Thàng, nhưng do thiếu thốn đủ bề nên bà con mới bức xúc.
Về vấn đề thiếu đất sản xuất, ông Thìn cho rằng: “Dự án thực hiện xây dựng công trình thủy lợi, với năng lực thiết kế đảm bảo tưới cho 20 ha lúa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công trình mới thực hiện được 70% khối lượng.
Nguyên nhân công trình này chưa hoàn thành là do mưa, lũ gây sạt, cuốn trôi mất tuyến kênh, đường bị sạt lở không thể vận chuyển vật liệu để xây dựng công trình. Thiếu đất sản xuất là do bà con không chịu khai hoang, còn dự án không có kinh phí hỗ trợ thực hiện khai hoang. Việc phân chia đất sản xuất không phải là công việc của phòng Nông nghiệp”.
Chính quyền, người dân nơi đây lo ngại về vấn đề chất lượng các công trình xây dựng tại bản Lồng Thàng
Dấu hỏi về chất lượng công trình
Không chỉ chậm tiến độ mà người dân cũng như chính quyền xã Pa Tần đang rất lo ngại về chất lượng, hiệu quả các công trình. Điển hình như công trình nước sinh hoạt, đập dâng đầu nguồn bị rò rỉ không chứa được nước. Để có nước dẫn vào bể chứa, phòng nông nghiệp đã cho người dùng ống nhựa kéo nước từ một nguồn nước khác không đảm bảo vệ sinh.
Đặc biệt, dù bể lọc đầu nguồn được “huy động” bằng mọi cách cho tràn đầy nhưng lực đẩy về các bể dưới bản vẫn nhỏ giọt. Bể chứa nước ở bản làm rất sơ sài nên thường xuyên bị rò rỉ khiến bà con thường xuyên thiếu nước. Đường nội bộ rất nhiều nơi bị xói lở do không có cống thoát nước, nhất là mùa mưa thường xuyên bị sạt lở, chia cắt, người dân đi lại rất khó khăn. Hệ thống nhà văn hóa, trường học chưa hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng mà có dấu hiệu tường nứt nẻ.
Nhiều hộ dân ở bản Lồng Thàng phải quay về nơi ở cũ để sản xuất
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Danh Thìn nói: “Chúng tôi cam kết đảm bảo chất lượng các công trình. Một số đoạn ống nước bị hỏng là do người dân kéo gỗ về làm nhà đã làm đứt ống, chưa khắc phục được. Một số đoạn đường do mưa lũ làm sạt lở nên chúng tôi đang tập trung đôn đốc nhà thầu khắc phục”.
Tuy nhiên, để chứng minh cho việc thực hiện thi công các công trình là đảm bảo chất lượng, đúng với thiết kế, đúng chủng loại, nguồn gốc vật liệu so với thực tế hiện tại, phóng viên đã đề nghị cung cấp hồ sơ thiết kế, hợp đồng kinh tế và các văn bản liên quan các công trình thì ông Thìn từ chối không cung cấp.
Phóng viên tiếp tục liên hệ làm việc với ông Nguyễn Quốc Vương – Phó Chủ tịch UBND huyện thì ông Vương từ chối trả lời phỏng vấn. Còn nguyên nhân không cung cấp các tài liệu nói trên thì ông Vương trả lời do đã có quá nhiều đoàn đến kiểm tra giám sát.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.