Nhớ dịp đến tham quan Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần 4/2015 được tổ chức vừa qua tại TP.Cần Thơ (từ 27/4 – 01/5/2015), tôi thật sự choáng ngợp với trên 100 loại bánh dân gian khắp các vùng quê Nam bộ đã hội tụ về đây. Ngoài những loại bánh đã hằng ghi trong ký ức tuổi thơ tôi như: bánh ít, bánh tét, bánh xèo, bánh in, v.v... còn có một thứ bánh dân dã khác tưởng như đã thất truyền nhưng lại chễm chệ xuất hiện dự thi (ngày 01/5/2015) và đã gây ấn tượng mãi trong tôi, đó là: bánh lá mít rau mơ.
Đĩa bánh lá mít rau mơ với cách trình bày hài hòa bắt mắt, chỉ nhìn thôi đã phát thèm, khiến ký ức tuổi thơ trong tôi chợt ùa về. (ảnh: BCT)
Nhớ về tuổi thơ nơi quê nhà yêu dấu, vào những ngày hè này, má tôi thường làm bánh lá mít rau mơ để đãi anh em chúng tôi thưởng thức. Theo má, bánh nầy chế biến rất đơn giản, thơm ngon, và mùa hè ăn rất nên thuốc. Khi má nói xong, anh em chúng tôi háo hức muốn thưởng thức ngay món bánh lạ nầy.
Thế là, má phân công mỗi người một việc. Anh hai ra sau vườn hái một trái dừa khô đem vào lột vỏ, nạo vắt nước cốt cùng nước dão để sẵn mỗi thứ ra tô, và hái lá mít rửa sạch, để ráo. Má còn dặn dò kỹ anh hai, lá mít hái xuống không được lặt cuống. Chị ba hái 1 nắm lá mơ vừa ăn (không già cũng không non) đem vào giã dập, lược lấy nước cốt. Riêng tôi, má sai rang đậu phộng giã giập để sẵn ra chén. Phần việc của má là lấy bột gạo và bột năng trong tủ chén ra và tự tay chế biến.
Bánh lá rau mơ ăn với nước cốt dừa.
Trước hết, má cho bột vào thau pha (theo tỉ lệ 2/1). Đổ nước cốt lá mơ cùng nước dão dừa khô vào bột trộn đều cùng gia vị (muối + đường) vừa khẩu vị thành một hỗn hợp nhão không dính tay. Tiếp đến, má dùng tay ngắt cục bột đặt lên mặt phải lá mít nắn nhẹ cho lớp bột phủ mỏng đều trên lá và lấy cuống lá xỏ vào phần đuôi thành một cuốn tròn để vào xửng và má tiếp tục làm cho đến khi hết bột. Cuối cùng, má đặt xửng lên bếp hấp chừng 15 phút sau bánh chín. Má giở xửng lấy bánh ra, một nùi thơm rất đặc trưng lan tỏa dậy khắp nhà, và anh em chúng tôi chờ nguội, gở bánh ra cho vào dĩa.
Nhìn những miếng bánh màu xanh đậm mềm bóng, anh em tôi muốn ăn ngay cho đã thèm. Nhưng, má tươi cười ngăn lại, nói: “Chưa ăn ngay được đâu các con, chờ má thắng nước cốt dừa đã, vì nước cốt dừa là phần quan trọng định đoạt chất lượng món ăn.”. Trước hết, má cho nước dão dừa vào nồi nấu sôi cùng với bột gạo và bột mì tinh (theo tỉ lệ thích hợp) cho có độ sệt. Nêm gia vị (muối + đường) cho vừa khẩu vị. Sau cùng, chờ nước sôi vài dạo, má cho nước cốt đậm đặc vào, khuấy đều, nhắc xuống, thế là xong!...
Cây rau mơ (ảnh: BCT)
Còn gì thú vị cho bằng trong những buổi trưa hè được thưởng thức món bánh lá mít rau mơ dân dã thơm ngon. Cho bánh lá mít rau mơ vào dĩa chan ngập nước cốt dừa lên, rắc một ít đậu phộng vào. Dùng đũa gắp từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, của đậu phộng, vị dai dai của bánh và mùi thơm đặc trưng khó quên của rau mơ như kích thích mọi giác quan khiến ta luyến nhớ mãi một món ngon của tuổi thơ nơi quê nhà tưởng chừng như mai một!...
Rau mơ (dân gian còn gọi là dây thúi địt) là loại dây leo hoang dại, sống lâu năm. Dây rau mơ thường quấn vào thân cây, bờ rào để phát triển, nhiều nhất vào mùa mưa. Dây có chiều dài từ 3 – 5 mét. Lá nhỏ, dài, màu xanh đậm, có hình mũi mác, đáy lá hình tròn. Lá rau mơ có chứa một loại tinh dầu mùi hăng nồng rất đặc trưng.
Theo y học dân gian lá mơ có vị đắng, chua chát, tính mát, có tác dụng nhuận gan, thanh nhiệt, tiêu thực, sát khuẩn…, thường dùng chữa trị kiết lỵ, tiêu chảy, ăn khộng tiêu…Ngoài dược tính vừa kể, lá mơ được các bà nội trợ nông thôn xem như là loại rau sạch để chế biến những món ăn như: ăn sống (chấm nước cá kho hay thịt kho), xắt sợi xào với tàu hũ, nấu canh, hay làm bánh v.v...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.