Khoai sọ mán thường có bán tại các chợ ở thị trấn Mộc châu với giá từ 12-15 ngàn/kg. (Nguồn ảnh: Thành Đạo)
Theo kinh nghiệm của người dân, khoai sọ mán chỉ trồng được ở Mộc Châu (Sơn La) và một số huyện ở Hòa Bình (gần Mộc Châu) và một số nơi như: Chiềng Sại, Chiềng Chung… mới cho năng suất cao. Củ khoai sọ mán có hình thù khác với nhiều loại khoai khác. Các mầm củ cứ nhô ra lộn xộn thành những u, những mấu và to dần lên. Bổ củ khoai ra cũng không mấy khi thấy màu trắng ngần, mà nó có màu vàng như nghệ, càng già màu vàng càng rõ hơn.
Sau khi gọt vỏ rửa sạch, củ khoai sọ mán có thể thái miếng bằng bao diêm, bỏ hấp trong nồi cơm vừa cạn nước. Cơm chín khoai cũng chín, bỏ miếng khoai nóng hổi ra chấm ăn với lạc vừng, vừa ăn vừa xuýt xoa bởi vị bùi của miếng khoai vàng ruộm.
Ai thích ăn chiên cũng có thể làm như đối với cách chiên khoai tây, cũng rất thơm ngon. Nhưng hấp dẫn nhất phải kể đến là xào qua khoai với mắm, muối, mì chính cho ngấm gia vị rồi cho vào hầm xương. Khoai chín rắc thêm chút rau thìa là, mùi tàu, hành vào. Màu vàng của bát khoai lác đác mấy cọng rau xanh thừa đủ để thực khách ngây ngất.
Vào khi tiết trời đổi gió mà có món ăn này với vị ngậy ngậy, béo béo thì thật tuyệt vời. Khoai sọ mán sinh ra để đáp ứng điều đó. Trong không khí se se lạnh, ngồi khoanh chân bên mâm cơm, đưa miếng khoai vào miệng, thấy vị ngọt của nước hầm xương hòa lẫn cùng vị ngọt bùi của khoai mới thấy hết được hượng vị thơm ngon đặc trưng của giống khoai này. Khoai có đặc điểm là cực kỳ bở, nếu chọn được củ khoai ngon (không già, không non quá) không cần phải nhai, vừa đưa vào miệng đã tan hết rồi.
Khoai sọ mán thường được bà con dỡ bán vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Có điều, giống này không cất lâu để dành như khoai sọ bình thường được, để dưới gầm chạn, gầm tủ cũng vẫn bị thối, bị hà. Muốn để lâu nên tìm khoai già, gọt vỏ ngoài đi, lau khô chứ không được rửa bằng nước, sau dùng giấy quấn chặt lại cho vào ngăn mát tủ lạnh mới có tể để được lâu hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.