Bé 2 tuổi dập nát bàn chân vì bị kẹp vào cửa trượt tự động

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 03/06/2022 11:36 AM (GMT+7)
Ngày 3/6, tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện tiếp nhận 1 bé 2 tuổi dập nát bàn chân cho kẹp vào cửa trượt tự động ở cổng.
Bình luận 0

Nát bàn chân vì vài phút sơ sểnh của người lớn

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận tiếp nhập một số trường hợp bệnh nhi bị nát bàn chân, bàn tay do cổng trượt tự động tại gia đình gây ra.

Trường hợp nhập viện gần đây nhất là bé D.P (28 tháng tuổi, ở Hà Nội) vào viện trong tình trạng bàn chân phải bị dập nát do chân bị kẹp vào cổng trượt tự động của gia đình.

Khai thác bệnh sử, bố bệnh nhi cho biết, gia đình anh có lắp cổng trượt tự động để có thể ở trong nhà điều khiển từ xa.

Bé 2 tuổi dập nát bàn chân vì bị kẹp vào cửa trượt tự động - Ảnh 1.

Em bé bị nát bàn chân do cửa trượt tự động dù được điều trị vẫn sẽ phải trị liệu để phục hồi. Ảnh BVCC

Khoảng 19h30’ tối, trước khi nhập viện, gia đình đang ăn cơm thì có người quen dẫn con qua nhà chơi, lúc này chị gái 9 tuổi của bé bấm nút mở cửa. Do thiết kế của cổng trượt tự động trượt đi trượt lại nên khiến bé rất tò mò và thích thú đứng bám lên đu theo cổng.

“Mọi lần khi đóng mở cửa thì tôi có mặt ở đó nhắc con không được trèo lên cổng, lần này do gia đình không để ý. Khi thấy cháu khóc mọi người chạy ra đến nơi đã thấy chân con bị kẹt vào cổng.

Rất may mắn vì sau tai nạn người nhà có mặt ngay tại đó! Nếu ai đó có hoặc biết ai có loại cửa này thì làm ơn hãy cẩn thận. Ngay sau tai nạn của con gia đình tôi đã tháo ngay cổng để tránh xảy ra tai nạn tương tự về sau”– bố bệnh nhi chia sẻ thêm.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi tại khoa Cấp cứu chống độc, các bác sĩ lập tức thăm khám cho bệnh nhi và hội chẩn chuyên môn với lãnh đạo khoa Chỉnh hình nhi.

Bé 2 tuổi dập nát bàn chân vì bị kẹp vào cửa trượt tự động - Ảnh 2.

Cấp cứu cho bé bị nát bàn chân do kẹp vào cửa trượt tự động. Ảnh BVCC

Các bác sĩ xác định bàn chân phải của trẻ bị dập nát, vỡ 2 cổ xương bàn II- III, đứt gân duỗi ngón I-II-III, khuyết hổng da lộ gân mu chân. Bệnh nhi nhanh chóng được đưa vào phòng phẫu thuật xử trí bằng cắt lọc vết thương hoại tử, bỏ mô dập nát. Nối lại và phục hồi gân, mạch máu… để giữ lại bàn chân cả về chức năng và thẩm mỹ cho trẻ.

Bác sĩ Hoàng cho biết: “Sau phẫu thuật, hiện trẻ đã ổn định, tuy nhiên, do bàn chân bị dập nát phần gân cơ nên sau này bệnh nhi phải tập vật lý trị liệu để phục hồi dần dần”.

Theo bác sĩ Hoàng cửa, cổng trượt tự động hiện nay không còn là thuật ngữ xa lạ đối với nhiều người. Với sự phát triển của thiết bị hiện đại thông minh tiện lợi thì cổng trượt điều khiển tự động ngày càng được nhiều người biết đến và lắp đặt.

Thế nhưng, chắc chắn hầu hết chúng ta đều sẽ không ngờ trước được rằng những cánh cửa này có thể gây ra những tai nạn nguy hiểm vô cùng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, do bản tính tò mò, hiếu động, nghịch ngợm thích khám phá xung quanh.

“Đối với trường hợp của bệnh nhi trên nguyên nhân khiến trẻ bị tai nạn là do cổng trượt tự động của gia đình bệnh nhi lắp sai cảm biến hồng ngoại ra phía ngoài, mà không lắp vào bên trong để cảm nhận người hay xe tới gần để dừng đóng mở” – bác sĩ Hoàng cho hay.

Cách phòng tránh trẻ nát bàn chân, bàn tay và gặp các thương tích khác vì các vật dụng gia đình

Bác sĩ Hoàng cho biết, để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè, các bậc cha, mẹ cần quan tâm đến con em mình ở mọi lứa tuổi. Chú trọng đến các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Riêng đối với cửa trượt tự động, bác sĩ Hoàng khuyến cáo: "Nếu gia đình sử dụng cửa, cổng tự động, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý tới chất lượng cửa tự động mà gia đình sử dụng, nên chọn các thương hiệu cửa cuốn uy tín, chất lượng cao.

Bé 2 tuổi dập nát bàn chân vì bị kẹp vào cửa trượt tự động - Ảnh 3.

Cổng trượt tự động (Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet)

Thêm vào đó, người lớn nên lắp thêm thiết bị tự động thông minh, chúng biết dừng và báo động khi gặp vật cản. Để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với trẻ, nên lắp cảm biến hồng ngoại nhận diện vào bên trong cổng, không lắp bên ngoài, để khi trẻ từ trong nhà tới gần thì đèn hồng ngoại nhận diện phát hiện và dừng cổng chạy trên ray kịp thời.

Trong khi sử dụng cửa, cổng tự động, cha mẹ cần tuyệt đối trông chừng trẻ nhỏ. Cha mẹ nên chú ý quan sát kỹ các vật cản khi điều khiển cửa, tuyệt đối không rời mắt khi đang điều khiển cửa, cổng tự động".

Ngoài ra, bác sĩ Hoàng cho rằng, đề phòng thương tích cho trẻ, cha mẹ phải luôn có người chăm sóc bên cạnh trẻ nhỏ khi trẻ ăn, ngủ, chơi.

Phải thường xuyên giáo dục trẻ không được leo trèo khi không có người lớn bên cạnh, không cho trẻ đứng trên ghế, vật dụng không vững. Không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi. Đồ đạc trong nhà phải xếp gọn gàng, chắc chắn….

Khi có sự quan tâm, nhắc nhở đúng mực của cha mẹ sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt, góp phần phòng tránh được những tại nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Mời các bạn xem video hướng dẫn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ tại nhà:

Ngôi nhà an toàn cho trẻ em - Nguồn: B Productions


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem