Ông Trịnh Văn Định ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa có 3 con, hai gái một trai. Sau khi hai chị gái lấy chồng xa, cậu con trai út cũng vào Sài Gòn học ngành tài nguyên môi trường và làm việc tại đó. Lấy vợ xong, ở nhà thuê 2 năm, anh về bàn với bố mẹ bán nhà đất ở quê, lên thành phố mua căn hộ sống cùng vợ chồng con. "Nó nói ba mẹ có bán đất, cho tiền thì tụi con mới an cư và sinh con, chứ ở nhà thuê bấp bênh thế này không biết bao giờ mới dám đẻ", ông Định kể.
Thương con, mong sớm có cháu, lại khá ưng khi tới thăm nơi con trai muốn mua lại, ông bà Định quyết bán căn nhà cấp 4 cùng 400m2 đất tại quê để mua lại căn hộ rộng 90m2 ở quận 10, TP HCM. Sau khi đứng tên căn nhà mới, vợ chồng con trai ông Định đón bố mẹ về ở cùng và ít lâu sau thì sinh con đầu lòng.
Thế nhưng mâu thuẫn cũng bắt đầu từ đây. Cô con dâu đi sớm về muộn, phó thác mọi việc chăm trẻ cho hai ông bà ở độ tuổi 70. Anh con trai cũng nhậu nhẹt liên miên, ít khi về ăn cơm. Chưa quen với cuộc sống xô bồ, ông bà Định càng khó chịu với lối sinh hoạt thất thường của các con. Có thời điểm, mâu thuẫn căng thẳng đến nỗi cả tháng con dâu đi về không thèm chào hỏi bố mẹ một câu. Ông bà Định muốn về quê thì không còn nhà cửa nữa, còn ở lại thì vừa ức chế, vừa mang tiếng sống nhờ con.
"Chúng tôi cũng đâu có bạn bè, người quen gì ở Sài Gòn nên thực buồn chán lắm. Hai thân già cũng chẳng dám kể lể sự tình với các con gái vì lúc bán nhà đất ở quê chúng nó đã gàn mà mình không nghe", ông Định tâm sự.
Ảnh minh họa: Deccan Chronicle.
Cũng từng bán đất và dồn hết tiền tiết kiệm mua nhà trên thành phố cho các con trai, vợ chồng bà Thanh (Ninh Bình) đang đau đầu vì anh em sứt mẻ tình cảm.
Bà Thanh kể, 10 năm trước, khi hai con đều học đại học ở Hà Nội, vợ chồng bà quyết định dồn hết tiền mua một căn chung cư ở Mỹ Đình để các con ở, khỏi đi thuê trọ. Mọi việc êm xuôi cho tới khi các con lập gia đình. Khi cả hai anh em đều lấy vợ, cuộc sống chung đụng khiến hai gia đình nhỏ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Dù vậy, không ai muốn chủ động ra ngoài thuê hay mua nhà. Ý hai nàng dâu là muốn bố mẹ chồng mua thêm một căn hộ nữa để một cặp có thể chuyển sang đó ở.
"Vợ chồng tôi người giáo viên, người bộ đội, đồng lương hưu giờ chỉ đủ sống, cóp nhặt được bao nhiêu thì đều đã lo hết cho các con rồi, giờ lấy tiền đâu mà mua thêm nhà nữa", bà Thanh kể.
Cuối cùng, sau khi cả hai nàng dâu có con, căn hộ chưa đầy 70m2 không thể đủ cho hai hộ gia đình có trẻ nhỏ. Lúc này, vợ chồng người anh chấp nhận ra ngoài thuê trong thời gian đợi mua nhà mới khi bố mẹ đồng ý bán một phần đất để cho anh 500 triệu, cộng với 300 triệu người em phụ vào để được giữ lại căn hộ bố mẹ đã cho.
"Vợ chồng tôi bàn đi tính lại, thực lòng không hề muốn bán phần đất tổ tiên nhưng cũng chẳng đành lòng thấy các con cắng đắng nhau mãi. Giờ chúng nó cũng vẫn chưa hết hậm hực đâu. Cả mấy tháng nay không đứa nào về quê", bà Thanh thở dài.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết, hiện nay nhiều người trẻ sau khi học và xin việc muốn ở thành phố lập nghiệp vì ở đó hội tựu nhiều ưu điểm về kinh tế, văn hóa, việc làm, giúp họ có cơ hội phát triển. Không ít cha mẹ ở quê cũng muốn con ổn định cuộc sống, sẵn sàng bán nhà, đất để cho con tiền an cư nơi thành phố.
Thực tế, đa số những người con nhận được sự hỗ trợ này của bố mẹ đều cố gắng chịu thương chịu khó để có được chỗ đứng vững chắc ở thành thị và báo hiếu bậc sinh thành. Nhưng cũng không ít người trẻ khi có sẵn nhà cao cửa rộng là nghĩ tới du lịch, hưởng thụ, lo cho con mình mà quên đi sự hy sinh âm thầm của cha mẹ. Họ không thấu hiểu cảnh người già cảm thấy tủi thân, bất lực khi bị con cái đối xử tệ bạc, mang tiếng phải sống dựa nhờ vào con dù mái nhà có được là từ chính tiền của mình. Không ít người già rơi vào cảnh tay trắng, không nhà khi sang nhượng hết nhà đất cho con, hay cho con mượn giấy tờ nhà đi cầm cố để làm ăn nhưng đổ bể, vỡ nợ.
Ảnh minh họa: The Spruce.
Bà Hồng Hà cho rằng, để tránh những bi kịch như vậy, người cao tuổi nên cố gắng giữ được căn nhà của mình và duy trì cuộc sống độc lập. Người già có những nguyện vọng riêng mà có thể lớp trẻ không hiểu được. Bố mẹ nào cũng hết lòng vì con nhưng cần tính tới những tình huống không may xảy ra như khi mình đau ốm, lỡ không hòa hợp với dâu, rể... Trong trường hợp dùng tiền tích lũy hay bán đất, nhà tại quê mua nơi ở trên thành phố, bố mẹ vẫn nên là người đứng tên tài sản. Không vì cả nể, sợ mất lòng con cháu mà từ bỏ quyền lợi này. Như vậy, dù có ở với con cái, bố mẹ cũng không phải rơi vào tâm thế phụ thuộc. Cách này cũng không chỉ đảm bảo cho tuổi già của mình mà chính là tạo động lực cho con và tránh các rắc rối có thể nảy sinh.
Theo chuyên gia giáo dục tài chính Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, cán bộ dự án cao cấp, Tổ chức Save the Children, ở phương Tây, đa số cha mẹ thường chỉ có trách nhiệm với con đến 18 tuổi. Sau đó, thanh niên thường tự dọn ra ở riêng và chịu trách nhiệm về tài chính và các vấn đề của mình. Nhiều người bắt đầu thuê nhà hoặc khi đi làm thì có khoản vay mua nhà và tự trả dần khoản nợ này. Lúc đó, cha mẹ phương Tây thật sự có thời gian đi du lịch, chăm sóc bản thân và làm những điều họ thích để tận hưởng tuổi trung niên, tuổi già.
Văn hóa Á Đông lại thiên về việc cha mẹ bảo bọc con cái đến khi lớn khôn. Dù con có gia đình hay chưa, bố mẹ vẫn tiếp tục tự thấy mình có trách nhiệm với con cháu về cả tài chính lẫn chăm sóc, lo lắng sự nghiệp học hành. Có nhiều gia đình ở Việt Nam, dù cha mẹ đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn phải tiếp tục chu cấp, hỗ trợ con cái về tài chính, chăm sóc dâu rể và cháu chắt. Điều này dẫn đến sự ỷ lại, vô tâm của con cái dù đã ở tuổi trưởng thành.
Theo chuyên gia, nếu muốn hỗ trợ con cái an cư lập nghiệp ở thành phố, bố mẹ chỉ nên cho con mượn tiền trong khả năng của mình thay vì dồn hết khoản tiết kiệm hay bán nhà, đất cho con. Điều này sẽ tạo động lực để con phấn đấu vừa khẳng định bản thân, vừa phải có trách nhiệm trả nợ. Sự hỗ trợ về tài chính đúng cách và chừng mực mới là bền vững lâu dài để duy trì vị thế của người làm cha mẹ với con cái.
Vương Linh (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.