Biện pháp hoá giải tình trạng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc
Tình trạng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc: Đề xuất 2 "độc chiêu" hoá giải
Ngọc Vũ
Thứ hai, ngày 13/06/2022 15:09 PM (GMT+7)
Để hạn chế tình trạng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc xảy ra ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng số tiền đặt cọc và rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá đất rất cao, nhưng sau khi trúng đấu giá lại bỏ cọc.
Mới đây, UBND huyện Cam Lộ đã quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ (5 lô) và xã Cam Tuyền (6 lô). Đây là những lô đã được UBND huyện Cam Lộ phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong đợt 3 năm 2022 với giá đấu trúng gần 18 tỷ đồng. Tổng số tiền khách hàng đã đặt cọc các lô đất trên là 1,3 tỷ đồng. Thế nhưng, khách hàng đã bỏ cọc, không nộp đủ tiền trúng đấu giá. Điều đáng nói, khách hàng đấu giá trên trời nhưng lại "quay xe" bỏ cọc.
Ví dụ, điển hình tại xã Cam Tuyền, chính quyền đưa ra giá khởi điểm 250 triệu đồng cho lô đất có diện tích 450m2, nhưng kết quả trúng đấu giá có lô gấp 4 lần so với giá khởi điểm. Khách hàng sau đó bỏ cọc.
Cuối năm 2021, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đợt 2 năm 2021 với các lô đất thuộc dự án do UBND thành phố Đông Hà quản lý. Địa điểm các lô đất được đấu giá, nằm ở khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo (phường 3, thành phố Đông Hà) và khu tái định cư Bắc sông Hiếu (phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà).
Kết quả, tổng số lô đất trúng đấu giá là 58 lô trên tổng diện tích hơn 12.500m2 với tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 191 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có 9 khách hàng không nộp đủ tiền, nên ngày 28/1/2022, UBND thành phố Đông Hà có quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá 2 lô đất ở khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo và 7 lô đất ở khu tái định cư Bắc sông Hiếu.
Những lô đất bị huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá cũng chung tình trạng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Không chỉ ở thành phố, những huyện vùng sâu, vùng xa như Đakrông cũng xảy ra tình trạng bỏ cọc tương tự.
Giữa năm 2021, huyện Đakrông tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các lô hai bên tuyến đường T4 thị trấn Krông Klang. Giá mỗi lô đất khởi điểm bình quân mỗi lô hơn 200 triệu đồng, nhưng giá trúng đấu giá từ khoảng 400 triệu đồng đến hơn 700 triệu đồng. Tuy nhiên, có 8 khách hàng đấu trúng giá cao rồi… bỏ cọc.
Lãnh đạo các địa phương cho biết, tình trạng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của địa phương.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, vì tình trạng sốt đất ảo, "quay xe bỏ cọc"... tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân khiến nhiều địa phương gặp khó trong việc đấu giá đất để thu ngân sách.
"Thả con săn sắt, bắt con cá rô"
Một chuyên gia quản lý đất đai ở tỉnh Quảng Trị nhận định, có 2 nguyên nhân khách hàng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc. Thứ nhất, đó là do các nhà đầu tư lớn, thuộc dạng "cá mập" tạo nên. Cụ thể, "cá mập" đã thu gom, mua đất ở xung quanh, liền kề khu vực đấu giá đất với giá thấp. Khi chính quyền triển khai đấu giá đất, các "cá mập" sẽ nhảy vào đấu với giá cao gấp nhiều lần để tạo sốt đất ảo, kéo theo đất liền kề của "cá mập" tăng theo. Từ đó, "cá mập" sẽ bán được đất và kiếm món hời lớn hơn nhiều so với tiền cọc nên sẵn sàng bỏ cọc. Đó có thể gọi là chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô".
Nguyên nhân thứ 2 là do người có nhu cầu thực sự đấu giá đất, nhưng vì trục trặc tài chính nên buộc phải bỏ cọc. Tuy nhiên, nguyên nhân này chiếm phần rất ít.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng đấu giá đất cao rồi bỏ cọc, thời gian tới cần có kiến nghị cơ quan chức năng, Chính phủ điều chỉnh cơ chế, nâng tiền đặt cọc và rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá. Hiện nay, sau 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả trúng đấu giá, nếu khách hàng không nộp đủ tiền mới huỷ kết quả. Trong thời gian 30 ngày, "cá mập" sẽ có thời gian tạo sốt ảo để bán đất đã thâu tóm. Nếu nâng tiền đặt cọc lên cao, đồng thời rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá xuống còn khoảng 10 ngày sẽ hạn chế tình trạng bỏ cọc.
"Những người có nhu cầu mua đất làm nhà đa phần sẽ chuẩn bị tiền trước và đấu với giá vừa phải, hợp với tài chính của mình. Khi trúng đấu giá, họ sẽ nhanh chóng nộp tiền. Hạn chế tình trạng sốt đất ảo giúp phát triển kinh tế xã hội, bởi an cư mới lạc nghiệp" – chuyên gia giải thích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.