Bộ GDĐT: Tránh đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó cho thí sinh
Bộ GDĐT: Tránh đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó cho thí sinh
Mộc An
Thứ năm, ngày 28/09/2023 12:07 PM (GMT+7)
Theo Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Theo đó, Bộ GDĐT nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học (GDĐH), cao đẳng sư phạm bao gồm:
Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với GDĐH.
Hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng để xây dựng văn hóa chất lượng trong GDĐH, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động GDĐH; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho GDĐH.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động GDĐH, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng yêu cầu cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024, chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023, có 20 mã xét tuyển của 20 phương thức tuyển sinh, tương đương với năm 2022. Tuy nhiên, năm 2022, số thí sinh nhập học chỉ tập trung ở một số phương thức phổ biến: phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỷ lệ nhập học lên đến gần 48%, phương thức xét tuyển theo học bạ chiếm 37,18%. Tổng số thí sinh nhập học bằng hai phương thức này là trên 85%. Trong khi đó, nhiều phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học rất thấp, dưới 1%, thậm chí có phương thức không có thí sinh nào nhập học.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 diễn ra hồi tháng cuối tháng 8/2023, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Mới đây, Bộ GDĐT đã có lưu ý công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2023-2024. Bộ GDĐT chỉ đạo các Sở GDĐT chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2023; xúc tiến chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay trong năm học 2023-2024; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có)...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.